Đức Hồng Y Zen và nhà truyền thông Công giáo Jimmy Lai nằm trong số những người Hồng Kông được đề cử giải Nobel Hòa bình

Đức Hồng Y Joseph Zen, một trong những giáo sĩ Công giáo cấp cao nhất của Châu Á, xuất hiện tại tòa án để tham dự phiên tòa xét xử ngài ở Hồng Kông vào ngày 26 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: CNS)

Đức Hồng Y Joseph Zen, một trong những giáo sĩ Công giáo cấp cao nhất của Châu Á, xuất hiện tại tòa án để tham dự phiên tòa xét xử ngài ở Hồng Kông vào ngày 26 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: CNS)

Hôm thứ Năm tuần trước, một ủy ban quốc hội lưỡng đảng do Hạ nghị sĩ Chris Smith, R-New Jersey chủ trì, đã công bố việc đề cử 6 người Hồng Kông, bao gồm Đức Hồng y Joseph Zen và ông trùm truyền thông Công giáo Jimmy Lai, cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ trong sự nghiệp nhân quyền.

“Đức Hồng y Joseph Zen, Jimmy Lai, Tonyee Chow Hang-tung, Gwyneth Ho, Lee Cheuk-Yan và Joshua Wong được đề cử vì họ là những người đấu tranh nhiệt thành cho quyền tự trị, nhân quyền và pháp quyền của Hồng Kông như được đảm bảo theo Tuyên bố Trung-Anh và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”, thông báo từ Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc cho biết.

“Những người được đề cử là đại diện của hàng triệu người Hồng Kông, những người phản đối một cách ôn hòa sự xói mòn thường xuyên các quyền tự do dân chủ của thành phố bởi chính phủ Hồng Kông và chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thông qua việc đề cử, các thành viên của Quốc hội tìm cách tôn vinh tất cả những người ở Hồng Kông mà sự dũng cảm và quyết tâm của họ khi đối mặt với sự đàn áp đã truyền cảm hứng cho thế giới”.

Tất cả những người được đề cử đều đã tham gia vào phong trào dân chủ của Hồng Kông, đặc biệt là kể từ năm 2019, khi các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại sự cai trị độc đoán của Trung Quốc nổ ra trên lãnh thổ, một đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Người dân Hồng Kông trong lịch sử đã được hưởng quyền tự do tôn giáo lớn hơn so với ở Trung Quốc đại lục, nơi các tín đồ tôn giáo thuộc mọi thành phần thường xuyên bị chính quyền cộng sản giám sát và hạn chế. Nhưng trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách thắt chặt kiểm soát các hoạt động tôn giáo ở Hồng Kông dưới chiêu bài bảo vệ vấn đề an ninh quốc gia.

Đức Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun, 91 tuổi, là nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, đã lãnh đạo người Công giáo của lãnh thổ này từ năm 2002 đến năm 2009. Là một người thẳng thắn ủng hộ tự do tôn giáo và dân chủ, Đức Hồng Y Zen cũng là người chỉ trích gay gắt thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các Giám mục, được gia hạn vào tháng 10 năm 2022 với kỳ hạn thêm hai năm nữa.

Đức Hồng Y Zen đã bị chính quyền Hồng Kông bắt giữ vào tháng 5 năm ngoái và đưa ra xét xử vì cáo buộc không đăng ký dân sự một quỹ ủng hộ dân chủ. Đức Hồng Y Zen đã bị kết án và phải trả tiền phạt, điều mà ngài đã kháng cáo.

Đức Hồng Y Zen đã viết trên blog của mình vào ngày 31 tháng Giêng rằng, sau khi trở về từ Rôma để dự tang lễ của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngài đã được điều trị trong bệnh viện sau khi bị khó thở.

Ông Jimmy Lai Chee-ying là một doanh nhân và ông trùm truyền thông tỷ phú đã cải đạo sang Công giáo vào năm 1997. Ông Lai đã ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông trong hơn 30 năm và đã nói rằng đức tin Công giáo của ông là một yếu tố thúc đẩy chính trong quá trình vận động ủng hộ dân chủ của ông. Tờ báo do ông thành lập, Apple Daily, đã nổi bật trong nhiều năm là một ấn phẩm ủng hộ dân chủ mạnh mẽ chỉ trích chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh trước khi nó bị buộc phải đóng cửa.

Ông Lai đã bị cầm tù từ tháng 12 năm 2020 vì tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và đối mặt với khả năng bị kết án tù chung thân vì tội vi phạm an ninh quốc gia. Vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, một tòa án Hồng Kông đã hoãn phiên tòa xét xử an ninh quốc gia đối với ông Lai, ban đầu được lên kế hoạch vào tháng đó, cho đến tháng 9 năm 2023.

Hai trong số những người được đề cử khác ban đầu bị kết án tù cùng với ông Lai. Một người là Tonyee Chow Hang-tung, một luật sư và phó chủ tịch của một nhóm xã hội dân sự hiện đã bị đóng cửa, người đã bị bắt giữ vì liên quan đến một buổi cầu nguyện vào năm 2020 tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Gwyneth Ho Kwai-lam, một nhà báo, đã bị giam giữ với cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia vì tham gia một cách ôn hòa vào một cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử.

Cũng được đề cử là Lee Cheuk-yan, một người ủng hộ quyền lao động kỳ cựu và cựu nhà lập pháp bị kết án vì tham gia các cuộc hội họp trái phép, người đang phải đối mặt với các cáo buộc hình sự bổ sung vì lý do an ninh quốc gia.

Cuối cùng, Joshua Wong Chi-Mung trước đó đã bị cầm tù vì vai trò tổ chức các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2014. Vào mùa hè năm 2019, anh đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn ở Hồng Kông. Vào tháng 11 năm 2021, ba nhà hoạt động dân chủ, trong đó có anh Wong, đã nhận tội liên quan đến vai trò của họ trong một cuộc “mhội họp bất hợp pháp” vào năm 2019. Tháng tiếp theo, mỗi người bị kết án nhiều tháng tù giam, có khả năng sẽ phải đối mặt với các tội danh khác.

Các nhà tổ chức ủng hộ dân chủ Công giáo khác ở Hồng Kông đã được công nhận vì công việc của họ trong những năm gần đây. Năm 2021, Martin Lee Chu-ming, một luật sư Công giáo đã giúp thành lập phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, cũng đã được đề cử cho giải thưởng này.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube