Đức Hồng y Zen và 5 người khác hầu tòa tại Hồng Kông vì Quỹ cứu trợ nhân đạo 612

Đức Hồng y Joseph Zen, bên trái, đến tham dự phiên tòa của Tòa án sơ thẩm Tây Cửu Long ở Hồng Kông hôm thứ Hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022. Vị Hồng y Công giáo 90 tuổi và năm người khác đã phải ra hầu tòa ở Hồng Kông hôm thứ Hai vì bị cáo buộc không đăng ký quỹ không tồn tại được thành lập để hỗ trợ những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn ở thành phố cách đây 3 năm trước (Ảnh: Oiyan Chan / AP)

Đức Hồng y Joseph Zen, bên trái, đến tham dự phiên tòa của Tòa án sơ thẩm Tây Cửu Long ở Hồng Kông hôm thứ Hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022. Vị Hồng y Công giáo 90 tuổi và năm người khác đã phải ra hầu tòa ở Hồng Kông hôm thứ Hai vì bị cáo buộc không đăng ký quỹ không tồn tại được thành lập để hỗ trợ những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn ở thành phố cách đây 3 năm trước (Ảnh: Oiyan Chan / AP)

Hôm thứ Hai, một Hồng y Công giáo 90 tuổi và 5 người khác đã ra hầu tòa ở Hồng Kông vì bị cáo buộc không đăng ký một quỹ hiện không còn tồn tại được thành lập nhằm hỗ trợ những người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ ở thành phố cách đây 3 năm trước.

Đức Hồng y Joseph Zen, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, lần đầu tiên bị bắt giữ vào tháng 5 cùng với những người khác bao gồm ca sĩ Denise Ho và luật sư Margaret Ng vì bị nghi ngờ thông đồng với các lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm cho vấn đề an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Trong khi họ vẫn chưa bị buộc tội liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, Đức Hồng y Zen và 5 người khác đã bị buộc tội không đăng ký hợp lệ Quỹ cứu trợ nhân đạo 612 hiện đã không còn tồn tại.

Đức Hồng y Zen, cùng với ca sĩ Denise Ho, luật sư Margaret Ng cũng như học giả nghiên cứu văn hóa Hui Po Keung và cựu nhà lập pháp Cyd Ho, là những người được ủy thác của quỹ. Bị cáo thứ sáu, Sze Ching-wee, là thư ký của quỹ này.

Sắc lệnh về Xã hội yêu cầu các tổ chức địa phương phải đăng ký hoặc nộp đơn xin miễn thuế trong vòng một tháng kể từ khi thành lập. Các công tố viên cho biết rằng Đức Hồng y Zen và những người khác đã không làm như vậy.

Vụ việc chủ yếu xoay quanh vấn đề liệu Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 có được coi là một tổ chức có nghĩa vụ đăng ký hay không và quỹ được thành lập khi nào.

Quỹ đã giúp thanh toán phí y tế và pháp lý cho những người biểu tình bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019 và sau đó đã chấm dứt hoạt động vào tháng 8 năm 2021.

Tất cả đều không nhận tội. Nếu bị kết tội, họ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 10.000 đô la Hồng Kông (1.273 đô la), không có thời gian ngồi tù.

Đức Hồng y Zen đã đến tòa trong bộ trang phục đen xám giản dị với cổ áo kiểu giáo sĩ, dây đeo cổ với Thánh giá và dùng một cây gậy chống. Chị Sze mặc một chiếc áo phông màu đen với dòng chữ “Chúng tôi sát cánh bên nhau” được thêu ở phía trước.

Vụ việc đã gây ra một làn sóng chấn động trong cộng đồng Công giáo, mặc dù Vatican đã giữ im lặng về vụ việc bắt giữ Đức Hồng y Zen, chỉ nói rằng họ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình.

Phiên tòa cũng diễn ra khi Vatican đang làm việc để gia hạn thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục ở Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh đề xuất các Giám mục sau đó được Đức Giáo hoàng phê chuẩn và bổ nhiệm.

Cộng đồng Công giáo lớn mạnh gồm 12 triệu người bị chia rẽ giữa Giáo hội “hầm trú”, vốn công nhận Đức Giáo hoàng, và những người gia nhập Giáo hội được nhà nước phê chuẩn do Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc kiểm soát.

Tại Hồng Kông, nơi có khoảng 390.000 tín hữu Công giáo với dân số gần 7,3 triệu người, Giáo hội Công giáo vẫn chưa phải đối mặt với những hạn chế về quyền tự do theo kiểu đại lục ngay cả khi Bắc Kinh thắt chặt sự kìm kẹp đối với thành phố.

Đức Hồng y Zen đã công khai chỉ trích thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc, đồng thời gọi đó là hành động “bán đứng” các tín hữu Công giáo “hầm trú” của Trung Quốc trung thành với Vatican. Ngài được coi là một nhân vật gây tranh cãi vì những lời chỉ trích công khai đối với Bắc Kinh và mối quan hệ với phe ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

Phiên tòa này cũng là một phần của chiến dịch trấn áp những người bất đồng chính kiến đang diễn ra trong thành phố. Sau các cuộc biểu tình, Bắc Kinh đã thực thi luật an ninh quốc gia cứng rắn cấm các hành vi ly khai, nỗ lực lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng ngoại bang nhằm can thiệp vào các vấn đề của thành phố.

Luật này đã được nhiều người coi là một phương tiện nhằm dập tắt sự bất đồng chính kiến và đã được sử dụng để bắt giữ hơn 150 người kể từ khi nó được thực thi, nhiều người trong số họ là những người ủng hộ và hoạt động dân chủ.

Hầu hết các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ thẳng thắn của thành phố đều đang bị cầm tù hoặc đã bỏ trốn khỏi thành phố.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube