Đức Hồng Y Zen dự tang lễ của Đức Bênêđictô XVI sau khi chính quyền Hồng Kông trả lại hộ chiếu

Đức Hồng Y Joseph Zen, nguyên Giám mục Hồng Kông, tham dự Thánh lễ an táng Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh: Diane Montagna)

Đức Hồng Y Joseph Zen, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, tham dự Thánh lễ an táng Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh: Diane Montagna)

Đức Hồng Y Joseph Zen đã tham dự tang lễ của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào sáng thứ Năm sau khi chính quyền Hồng Kông tạm thời trả lại hộ chiếu của ngài trong 5 ngày để cho phép ngài đến Rôma.

Vị Hồng y 90 tuổi đến từ Hồng Kông đã đến Quảng trường Thánh Phêrô trong phẩm phục đỏ và chống gậy để tham dự đoàn đồng tế Thánh lễ an táng vào ngày 5 tháng Giêng.

Nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, người đã bị bắt giữ vào năm ngoái theo luật an ninh quốc gia của thành phố, đã được một tòa án địa phương cho phép đến Ý để dự tang lễ của Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI, người đã tấn phong Hồng y cho ngài.

Một thẩm phán đã ra phán quyết vào ngày 3 tháng 1 rằng vị Hồng y người Trung Quốc sẽ được phép rời Hồng Kông trong 5 ngày với hộ chiếu bị tịch thu trước đó tạm thời được trả lại cho ngài.

Sau cái chết của Đức Bênêđíctô XVI vào ngày 31 tháng 12, Đức Hồng Y Zen đã suy tư về di sản của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Đức Hồng y Zen đã viết trên blog của mình rằng Đức Bênêđictô XVI là một “người bảo vệ chân lý vĩ đại”, người đã có những hành động “phi thường” để hỗ trợ Giáo hội ở Trung Quốc, bất chấp nhiều thất bại.

“Với tư cách là một thành viên của Giáo hội Trung Quốc, tôi vô cùng tri ân Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI vì những điều đã được thực hiện mà ngài không làm cho các Giáo hội khác”, Đức Hồng y Zen viết.

Vị Hồng y người Hồng Kông đặc biệt nhắc lại bức thư năm 2007 của Đức Bênêđictô XVI gửi cho Trung Quốc, bức thư mà Đức Hồng y Zen gọi là “một kiệt tác về sự cân bằng giữa tính sáng suốt của Học thuyết Giáo hội Công giáo và sự hiểu biết khiêm tốn với sự tôn trọng đối với chính quyền dân sự”.

Đức Hồng Y Zen cũng đã chỉ trích “những sai sót” trong bản dịch tiếng Trung Quốc về bức thư của Đức Bênêđictô XVI, điều mà ngài nói rằng ngài tin rằng có “những trích dẫn thiên vị chống lại ý nghĩa rõ ràng của bức thư”.

“Một điều phi thường khác mà ngài đã làm cho Giáo hội ở Trung Quốc là thành lập một Ủy ban đầy quyền lực để chăm lo về các vấn đề của Giáo hội ở Trung Quốc; thật không may, dưới thời tân Chủ tịch của Ủy ban nói trên, nó đã bị biến mất một cách lặng lẽ mà không hề có một lời từ biệt kính trọng,” Đức Hồng Y Zen cho biết thêm.

Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Zen vào năm 2006 và chọn vị Hồng y này viết các bài suy niệm cho Chặng Đàng Thánh Giá của Gáo hoàng tại Đấu trường La Mã vào năm 2008, một năm trước khi Đức Hồng y Zen nghỉ hưu với tư cách là Giám mục Địa phận Hồng Kông.

Đức Hồng Y Zen nhấn mạnh rằng ngài coi Đức Bênêđíctô XVI là một vị Giáo hoàng “thường bị hiểu lầm và đôi khi không được tuân theo”, nhưng ngài nói rằng “chính trong những trường hợp này, mà dường như là sự thất bại, tôi mới có thể ngưỡng mộ tinh thần ngoan cường và sự cao thượng của ngài trước những thất bại”.

“Bất chấp những nỗ lực to lớn của mình, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã thất bại trong việc cải thiện tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc. Ngài không thể chấp nhận bất kỳ sự thỏa hiệp nào”, vị Hồng y người Trung Quốc nói.

Đức Hồng y Zen, người sinh ra ở Thượng Hải, cũng cho biết thêm rằng ngài “tin chắc rằng mọi nỗ lực để cải thiện tình hình của Giáo hội ở Trung Quốc [trong tương lai] sẽ cần phải được thực hiện phù hợp với Bức thư năm 2007”.

“Khi tưởng nhớ đến vị Giáo hoàng vĩ đại, chúng ta hãy nhớ rằng giờ đây chúng ta có được ngài như một Người chuyển cầu thần thế trên Thiên đàng. Với sự chuyển cầu của ngài, chúng ta cầu nguyện để tất cả mọi người, Giáo hội ở Rôma, Giáo hội ở Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc sẽ được ơn Chúa thúc đẩy để mang lại hòa bình thực sự cho Giáo hội và quê hương của chúng ta”, Đức Hồng y Zen nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube