Đức Hồng y Porras: Venezuela cần giải pháp 'hòa bình và được thương lượng' cho cuộc khủng hoảng chính trị

Hồng y Baltazar Porras Cardozo người Venezuela cầm các bức ảnh của Jose Gregorio Hernandez, một bác sĩ người Venezuela sinh năm 1864, sau một thánh lễ ở Caracas, Venezuela ngày 19 tháng 6 năm 2020. (Nguồn: Manaure Quintero / Reuters qua CNS)

Đức Hồng y Baltazar Porras Cardozo người Venezuela cầm các bức ảnh của Chân Phước Jose Gregorio Hernandez, một bác sĩ người Venezuela sinh năm 1864, sau một Thánh lễ ở Caracas, Venezuela vào ngày 19 tháng 6 năm 2020(Ảnh: Manaure Quintero / Reuters qua CNS)

ROME – Đức Hồng y Baltazar Enrique Porras người Venezuela cho biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng nghĩ đến quốc gia Nam Mỹ này. Sau cuộc hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu, Đức Hồng y Porras cho biết Đức Thánh Cha thúc giục Giáo hội tại Venezuela tiếp tục tìm kiếm một “giải pháp hòa bình, được thương lượng, mà không từ bỏ các nguyên tắc của chúng tôi”.

Một giải pháp như vậy sẽ giúp tránh “bạo lực, chiến tranh hoặc sự đàn áp” thường được sử dụng trên khắp thế giới, đặc biệt là trong các tình huống “bất bình đẳng hiện tại”.

Trong cuộc phỏng vấn với Crux hôm thứ Sáu, vài giờ sau cuộc hội kiến Đức Phanxicô, Đức Hồng y Porras đã tránh sử dụng bất kỳ thuật ngữ khắc nghiệt nào khi mô tả đất nước của mình, chỉ đơn giản lưu ý rằng quốc gia này “đang trong cuộc khủng hoảng”.

Điều này từ lâu đã trở thành đường lối ngoại giao của Vatican, ngay cả khi hầu hết những người làm việc trong văn phòng đối ngoại của Đức Thánh Cha Phanxicô đều thừa nhận việc Tổng thống Nicolas Maduro bị coi như là một nhà độc tài và một người “chẳng có gì tốt đẹp đáng nói”, như một nhà ngoại giao cấp cao đã phát biểu với Crux vào tuần trước.

Sau đây là đoạn trích cuộc trò chuyện của Đức Hồng y Porras với Crux. Cuộc trò chuyện đã được chỉnh sửa cho rõ ràng và chi tiết hơn.

Kính thưa Đức Hồng y, ngài đến Rome trong tuần này với mục đích gì?

Chúng tôi đã cùng với Ủy ban phụ trách các vấn đề kinh tế của Tổng Giáo phận Caracas đến Rome để cảm ơn Đức Thánh Cha về việc tôn phong Chân Phước cho Bác sĩ José Gregorio Hernández.

Vị bác sĩ giáo dân này giống như mưa vào tháng 5 giữa bối cảnh đất nước đang phải trải qua – và không chỉ đối với Venezuela – cũng như sự hiện diện của một bác sĩ, giáo dân, nhà nghiên cứu, giáo sư, tín hữu, người đối thoại với tất cả các lĩnh vực khác…

Chân Phước José Gregorio Hernández sống trong một thế giới thực chứng, vốn không ngăn cản Ngài thể hiện đức tin của mình, nhưng không phải theo cách thức luận chiến. Chân Phước Gregorio rất thân thiện và có mối quan hệ rất tốt đẹp với những người có suy nghĩ khác với Ngài. Và trong tình hình hiện tại, điều này quả là vô cùng quan trọng.

Chân Phước Gregorio cũng là một tín hữu hết sức cởi mở. Ngài là một chứng nhân, một hình mẫu, vô cùng cần thiết trong thế giới ngày nay. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Ngài là người đồng bảo trợ hòa bình tại Vương Cung Thánh Đường Gioan Latêranô. Tôi đã khám phá ra nhiều khía cạnh khác nhau của một cuộc đời đa diện, của một con người một mặt rất đỗi bình thường, Chân Phước Gregorio yêu thích âm nhạc và khiêu vũ. Ngài gần gũi với mọi người, Ngài là một giáo sư rất khắt khe nhưng lại rất được yêu mến, Ngài là người đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa y học tại Venezuela.

Không có bất kỳ chiến dịch công khai nào, lời chứng của Chân Phước Gregorio đã lan rộng như đám cháy rừng trên khắp châu Mỹ Latinh. Tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi những lời đề nghị xin Thánh tích từ khắp nơi trên thế giới, các Hội đồng Giám mục từ Canada đến Argentina, cũng như từ Úc và thực tế là từ tất cả các Hội đồng Giám mục của châu Âu.

 Và tại Venezuela, đó quả là một khoảnh khắc rất thú vị, trong thời điểm chúng ta đang sống, đối với chiến dịch truyền bá Phúc Âm hóa, chủ yếu được đánh động bởi sự tham gia của anh chị em giáo dân, và đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

 Ngoài Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y có gặp gỡ các thành viên khác của Giáo triều Rôma không?

Vâng, tôi đã gặp gỡ Đức Hồng y Pietro Parolin, người từng là Đại sứ của Đức Giáo hoàng tại Venezuela, và người kế nhiệm, Đức Tổng Giám mục Edgar Peña Parra đến từ Venezuela. Tất nhiên, chúng tôi cũng đã đến thăm Bộ Phong Thánh, và chúng tôi đã dành thời gian bàn luận về một nền kinh tế minh bạch hơn không chỉ của Tổng Giáo phận Caracas mà còn của toàn thể Giáo hội tại Venezuela, chúng tôi cũng đã đến thăm IOR [Ngân hàng Vatican], để xem công việc họ đang thực hiện, và nó thực sự rất hiệu quả.

Bác sĩ Gregorio sẽ nói gì ngày hôm nay về tình hình tại Venezuela?

Trước hết, Bác sĩ Gregorio là một người luôn quan tâm đến người nghèo. Thứ hai, một khía cạnh đã được nhấn mạnh cách đây 100 năm – giữa bối cảnh của chế độ độc tài – không ủng hộ chính sách đối đầu, Bác sĩ Gregorio đã thực hiện chính sách tố cáo, về việc chính phủ không tuân thủ sức khỏe của tất cả mọi người dân Venezuela.

Tôi tin rằng nếu Bác sĩ Gregorio còn sống đến ngày hôm nay, Ngài sẽ là một người rất được kính trọng, nhưng luôn tập trung vào đối thoại, chứ không phải là một người thích đối đầu hay tham gia vào các cuộc luận chiến. Cần lưu ý rằng, mặc dù luôn hết sức tôn trọng người khác, nhưng Bác sĩ Gregorio luôn hết sức rõ ràng về các giá trị của bản thân.

Đức Hồng y có thể tưởng tượng một tương lai mà hàng triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước của họ trong những năm gần đây – gần 6 triệu người, theo văn phòng Người tị nạn và Di cư của Liên hợp quốc – trở về quê hương, như Bác sĩ Gregorio đã làm sau khi được đào tạo với tư cách là một bác sĩ?

Đó là một trong những ví dụ quan trọng nhất mà chúng tôi có, bởi vì chúng tôi biết, và thống kê đã chứng minh điều đó, rằng khi những cuộc di cư này diễn ra, dù bị ép buộc hay không, tỷ lệ những người quay trở lại rất ít so với những người rời bỏ quê hương xứ sở: 10% đến 15%. Nhiều chuyên gia đã rời bỏ đất nước, và họ biết rằng, vì các vấn đề về tài nguyên thiên nhiên và địa lý, Venezuela có rất nhiều tiềm năng.

Một trong những vấn đề chúng tôi đã trình bày với Đức Thánh Cha và ngài khuyến khích chúng tôi, đó là việc phát động chiến dịch tiêm chủng hàng loạt với tên gọi ‘Don Gregorio Hernandez’, để nó không mang bất kỳ ý nghĩa chính trị, đảng phái nào hay vì mục đích khiến người từ bỏ tôn giáo của họ, nhưng điều đó thực sự phục vụ cuộc sống, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị.

Xin Đức Hồng y vui lòng chia sẻ với chúng tôi một số vấn đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với ngài về Venezuela?

 Đức Thánh Cha Phanxicô cảm thấy rất gần gũi với chúng tôi. Ngài đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình tại Venezuela, và ngài hỏi rằng ngài có thể làm gì để giúp đỡ chúng tôi. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi chúng tôi tìm kiếm một giải pháp hòa bình, được thương lượng, không từ bỏ các nguyên tắc của chúng tôi, nhưng tìm kiếm những gì đoàn kết chúng tôi để không dẫn đến bạo lực, chiến tranh hoặc đàn áp, điều mà chúng ta đã chứng kiến trên toàn thế giới trong các tình huống của những bất bình đẳng đang tồn tại; và nhu cầu đại diện cho thế giới hậu đại dịch Covid-19.

 Chúng ta không thể quay trở lại. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta sẽ trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn, và điều đó nằm trong tay chúng ta để làm cho nó trở nên tốt hơn, và thế giới tốt đẹp hơn là nhờ việc tôn trọng sự sống, tìm kiếm cảm giác của sự bình đẳng, dân chủ và tôn trọng hơn lẫn nhau.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube