Đức Hồng y Pell nhắn nhủ các sinh viên Harvard: Các bạn cần trở nên can đảm

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 24-03-2017 | 16:55:43

Tuần trước, Đức Hồng y George Pell đã tiếp chuyện 20 sinh viên từ Đại học Havard đến viếng thăm Rôma. Ngài nhắn nhủ họ xây dựng một nền tảng lý tưởng vững chắc và làm việc chăm chỉ hết mình để chinh phục được những lý tưởng cao cả, và ngài khẳng định Giáo hội có thể giúp đỡ các nhà lãnh đạo tương lai bằng cách cung cấp một nền tảng luân lý vững chắc.

Pell

Đức Hồng y George Pell, ngày 17 tháng 3, 2016 (Alexey Gotovskyi/CAN)

Trong cuộc phỏng vấn ngày 14 tháng 3 với CAN, trước khi đọc diễn văn, Đức Hồng y Pell đã nói rằng điểm chính yếu mà ngài sẽ đặt ra với các sinh viên là: “Họ cần có một động lực. Họ cần có một khung các nguyên tắc mà họ chấp nhận, tuân theo và sẵn sàng hi sinh vì những điều đó.”

Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền tải thông điệp: với tư cách là các nhà lãnh đạo tương lai, “các sinh viên cần phải trở nên can đảm và kiên định. Và nếu họ có thể trở thành các chiến lược gia thì cần có một tầm nhìn càng dài hạn càng tốt.”

Đức Hồng y Pell, phụ trách Bộ Kinh tế Vatican, đã phát biểu như vậy ngay trước khi ngài thực hiện bài diễn văn về chủ đề “Tinh thần Lãnh đạo Dựa trên các Nguyên tắc” với một nhóm gồm 20 sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp Harvard niên khóa 2017, đã đến Rôma để tham dự “Hội nghị Tinh thần Lãnh đạo Harvard Vatican” kéo dài trong 4 ngày.

Là một sáng kiến nhằm định hướng cho sinh viên, sự kiện này được tổ chức tại Đại học Giáo Hoàng Lateran và tiếp đón các sinh viên từ nhiều ngành học khác nhau của Harvard, bao gồm các ngành kinh doanh, luật, thần học, y khoa và nha khoa.

Ngoài Đức Hồng y Pell, còn có sự hiện diện của các vị Giám chức quan trọng khác trong suốt cuộc hội nghị, bao gồm Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin; Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican; Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Phát triển Con người Toàn diện và Đức Hồng y Giuseppe Vesaldi, Tổng trưởng Bộ Giáo dục Công giáo.

Trao đổi với CNA, Đức Hồng y Pell đã đưa ra những nguyên tắc chính yếu đóng vai trò định hướng đối với các quyết định về kinh doanh và kinh tế: dù là trong bất cứ vấn đề gì “bạn phải luôn ý thức về công ích”.

“Hãy nghĩ đến toàn xã hội, chứ đừng chỉ nghĩ cho các cổ đông hay các nhân công trong một nhóm nhỏ,” ngài nói. “Phải thực sự hiểu được công lý là gì. Phải có được sự nhạy cảm đặc biệt đối với những người kém may mắn hơn, tức là những người nghèo.”

Một trong những điều quan trọng là phải liên tục ý thức được trách nhiệm của chúng ta với thế hệ tương lai, ngài nói. Đức Hồng y cũng cảnh báo về một mối nguy hiểm của thời hiện đại, là “càng biết nhiều thì người ta càng đi trệch hướng.”

Một thuận lợi của Giáo hội Công Giáo về vấn đề này, là chúng ta có thể giúp đưa ra “khuôn mẫu chung” mà trong đó các nguyên tắc, căn cơ và các quan điểm sẽ có thể phù hợp.

Tuy nhiên, ngài cũng nhấn mạnh rằng mặc dù Giáo hội có vai trò đưa ra những khuôn mẫu này trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế và kinh doanh, nhưng hơn hết Giáo hội vẫn là một tổ chức tôn giáo và vì vậy không thể đi theo đường lối của một hệ thống riêng biệt nào.

Trong suy tư về những phê bình mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần đưa ra khi nói về hệ thống thị trường toàn cầu hiện tại, Đức Hồng y nhấn mạnh rằng Đức Giáo hoàng “là một nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài không phải là một nhà kinh tế”.

Giáo hội “không tán đồng với chủ nghĩa xã hội, càng không ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít hay thị trường tự do. Giáo hội đưa ra những nguyên tắc chung để nhận định điều này hay điều kia có phù hợp hay không”, ngài nói.

“Chúng ta nên lắng nghe một cách thật nghiêm túc tất cả những gì Đức Giáo hoàng đã nhận định về vấn đề kinh tế,” ngài nói, và cũng nhấn mạnh rằng với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta lắng nghe lời Đức Thánh Cha vì “ngài là người kế vị Thánh Phêrô, ngài dạy cho chúng ta mọi điều thuộc về tôn giáo”.

Đức Hồng y Pell nói, trong cảm thức này, Đức Thánh Cha đang dùng các tiêu chuẩn của Tin Mừng để soi chiếu vào các vấn đề kinh tế. Ngài cũng nói thêm rằng nếu chính bản thân ngài nói về các chủ đề kinh tế thì mọi người sẽ không cần thiết phải ghi chú về khía cạnh kinh tế, nhưng nếu “tôi rao giảng Tin Mừng, tôi hi vọng mọi người sẽ lắng nghe.”

Vì không phải tất cả sinh viên tham dự buổi hội nghị đều là người Công giáo, Đức Hồng y đã bày tỏ mong muốn của ngài rằng họ sẽ ra về với ít nhất một suy nghĩ tốt hơn về học thuyết xã hội của Giáo hội.

Ngài đã mang đến cho mỗi tham dự viên một bản tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, bởi vì nó là “một sự trình bày chặt chẽ về rất nhiều những chủ đề quan trọng” bao gồm “đúng và sai, các quy luật tự nhiên, nguyên tắc bổ trợ, công ích và các dạng thức khác nhau của sự công bằng.”

Giáo hội Công Giáo “là một trong rất ít tổ chức có một hệ thống bao quát về tư tưởng giúp cho người ta tư duy”, ngài nói, và giải thích thêm rằng “hệ thống ấy mang tính nhất quán và mạch lạc. Đó là một công trình rất ấn tượng”.

Đức Hồng y Pell khen ngợi ý tưởng tổ chức cuộc hội nghị này là rất độc đáo, và “đó chính xác là điều mà một trường đại học Công giáo cần phải thực hiện”.

“Tôi nghĩ cách tiếp cận Kitô giáo mang lại hoa trái, mang lại sự sống, làm cho các xã hội nên tốt đẹp, mang lại hạnh phúc, sự phát triển”, ngài nói. Vì vậy, việc có một nhóm sinh viên từ một đại học như Harvard là “một điều tuyệt vời. Tôi nghĩ điều này sẽ thật tốt cho họ và cũng sẽ thật tốt cho cả chúng tôi nữa”.

Okendo Lewis, một sinh viên từ trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, người đã trải qua một phần tuổi thơ ở Milan, đã đưa ra ý tưởng về cuộc hội nghị này và biến nó thành hiện thực với sự giúp đỡ của bà Mary Ann Glendon, từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh dưới thời George W. Bush, và hiện đang giảng dạy tại Trường Luật Harvard.

Trao đổi với đài CNA, Lewis cho biết một phần lí do anh muốn mang đến cho các sinh viên một góc nhìn của Vatican về tinh thần lãnh đạo là vì “dường như đang có một cuộc khủng hoảng về tinh thần lãnh đạo” trên khắp thế giới, “và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần chia sẻ với những người đang cố gắng tìm kiếm một phương cách để lãnh đạo trong những thời điểm khó khăn như thế này.”

“Tôi thực sự mong muốn thế hệ lãnh đạo tương lai, dù cho lĩnh vực của họ là kinh doanh, y dược hay luật pháp, đều có thể học hỏi từ sự khôn ngoan của Đức Thánh Cha, từ Vatican và Giáo hội, nơi đã có hơn 2000 năm kinh nghiệm”, anh nói.

Lewis nói ban đầu anh đã hoài nghi không biết liệu có ai sẽ đến dự hay không, vì chuyến đi được quảng bá hơi trễ. Tuy nhiên, anh đã nhận được 180 đơn đăng kí và phải giới hạn xuống còn 20 suất.

“Tôi nghĩ điều đó nói lên sức mạnh của Giáo hội Công giáo và sự yêu mến dành cho Đức Giáo hoàng Phanxicô. Vì vậy, các sinh viên đã rất hăng hái khi được đến đây,” anh nói.

Lewis bày tỏ mong muốn rằng hội nghị này sẽ trở thành một sự kiện thường niên. Chủ đề của năm này là “Làm thế nào để đáp lại tiếng gọi phục vụ” rất phù hợp với những gì mà hầu hết các sinh viên Harvard mong muốn được lĩnh hội, anh nói, và giải thích thêm rằng “các sinh viên đang cố gắng tìm cách nâng cao nền đào tạo và học vấn của mình để đáp ứng các nhu cầu xã hội, và phương cách để trở thành những thủ lĩnh sinh viên.”

“Vì vậy, mong muốn của tôi là hội nghị sẽ trở thành một truyền thống hàng năm để các sinh viên của Havard hoặc hi vọng là trên khắp Hoa kỳ có thể đến được Rôma và học hỏi từ rất nhiều học viện ở đây, nơi có các trường đại học Giáo hoàng, có các Thánh bộ và tất nhiên là cả Đức Giáo hoàng.”

Kiernan Schmidt, một sinh viên từ Trường Kinh doanh Harvard nói với CNA rằng anh muốn tham dự hội nghị này không chỉ vì nền tảng của anh là người Công Giáo Ai-len, nhưng còn bởi suy nghĩ về “vai trò của luân lý trong các quyết định của chúng ta” với tư cách là các nhà lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Ý tưởng về việc xem xét cách thức luân lý định hình phong cách lãnh đạo của chúng ta thực sự là một động lực chính,” anh nói, và thêm rằng thách đố của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với các lãnh đạo toàn cầu “nhằm suy xét lại việc chúng ta đang làm vì nhau, và cách mà chúng ta suy nghĩ về bản thân với tư cách là các nhà lãnh đạo” cũng là một yếu tố chính.

Điều đã gây tác động nhất đối với Schmidt trong các cuộc gặp gỡ của sinh viên với các vị Giám chức Vatican chính là “nhận thấy được sự khiêm nhường ở hầu hết mọi cấp bậc lãnh đạo mà chúng tôi được tiếp xúc.”

Một điểm thu vị khác là có được “một sự hiểu biết sâu sắc rằng các truyền thống và điều kiện ở các Giáo hội địa phương có thể rất khác so với những gì bạn có được nghe thấy ở Rôma”.

“Tôi nghĩ rằng sự điều chỉnh về tinh thần lãnh đạo và cách thức mà chúng ta tiếp cận vấn đề có thể rất khác nhau tùy vào bối cảnh văn hóa,” anh nói, cũng không quên lưu ý rằng, trong buổi gặp gỡ với Đức Tổng Giám mục Gallagher, vị Giám chức đã nói với các sinh viên rằng ngài không chỉ giải thích về Rôma cho các Giáo hội địa phương nơi ngài đến, nhưng ngược lại ngài cũng “giải thích về các Giáo hội địa phương cho Rôma.”

“Cách đối thoại 2 chiều này” trong Giáo hội, Schmidt nói, “là một điều gì đó cho cảm giác rất mới mẻ, thuần khiết, hiện đại và cũng rất đúng với những lời chúng tôi được nghe từ Đức Giáo hoàng Phanxicô, bạn biết đấy, tiếp cận vấn đề với sự khiêm nhường và tìm cách trò chuyện với nhau”.

Huỳnh Phi (theo CNA)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube