Đức Hồng Y Parolin: ‘Hòa giải là tâm điểm trong chuyến Tông du của Đức Thánh Cha đến Châu Phi’

Đức Hồng Y  Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican.

Trong một cuộc phỏng vấn với Truyền thông Vatican, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin chia sẻ hy vọng rằng chuyến Tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan sẽ giúp thúc đẩy việc chấm dứt bạo lực vốn gây tổn thương cho cả hai quốc gia, đồng thời cũng cho biết rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha “có thể đánh dấu một bước ngoặt trong các sự kiện bi thảm thường xảy ra ở các quốc gia này”.

Hai quốc gia châu Phi đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô, người mong muốn thực hiện chuyến Tông du này và tạo điều kiện để gặp gỡ tại Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, cả hai quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột và bóc lột.

Chuyến Tông du nước ngoài lần thứ 40 này sẽ chứng kiến Đức Thánh Cha trên đất Phi châu từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2, mang theo Lời Chúa, niềm hy vọng hòa bình và đối thoại. Tại Nam Sudan, chuyến viếng thăm sẽ có ý nghĩa đại kết mạnh mẽ, vì Người kế vị Thánh Phêrô sẽ có sự tham gia của ĐứcTổng Giám mục Canterbury, Justin Welby, và Người điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Scotland, Iain Greenshields.

Đó sẽ là “một chủ trương đại kết của chứng tá”, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin nhắc lại, đồng thời chỉ rõ rằng chuyến viếng thăm này diễn ra nhằm thể hiện sự gần gũi với các Giáo hội và cộng đồng địa phương, vốn “sống động và tích cực”, và nhằm mục đích thúc đẩy nhận thức “chính trị xã hội” với hy vọng hòa giải; hai thực tại, vì những lý do khác nhau, bị ảnh hưởng bởi bi kịch hàng triệu người tị nạn, chiến tranh du kích, những căng thẳng sắc tộc và chính trị.

Kinh thưa Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha đang chuẩn bị lên đường đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Chuyến viếng thăm rất được mong đợi, đã bị hoãn lại vào tháng 7 năm ngoái do đau đầu gối. Mong muốn hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô là gì?

Như trong mọi chuyến Tông du, trước hết Đức Thánh Cha mong muốn được gần gũi, gặp gỡ Giáo hội và người dân địa phương. Tôi muốn nói rằng trong chuyến viếng thăm này, ước muốn này đặc biệt mãnh liệt vì đây là chuyến đi được chờ đợi từ lâu mà Đức Thánh Cha đã phải hoãn lại vì vấn đề về đầu gối, và vì đây là hai quốc gia đang ở trong tình trạng đặc biệt khó khăn vì các cuộc xung đột đang diễn ra: do đó, Đức Thánh Cha đi với tư cách là một Mục tử để gặp gỡ dân Chúa, đồng thời với tư cách là một lữ khách của hòa bình và tinh thần hòa giải.

Hai quốc gia có nguồn tài nguyên đặc biệt dồi dào nhưng bị nghiền nát bởi những xung đột và bạo lực không hồi kết: ý nghĩa của chuyến viếng thăm này là gì?

Tôi muốn nói rằng nó có hai khía cạnh: có một khía cạnh mục vụ, về sự gần gũi với các Giáo hội địa phương và với các cộng đồng này vốn là những cộng đồng sống động, năng động, và sau đó là khía cạnh chính trị xã hội, và từ quan điểm này, người ta kỳ vọng rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha, những lời của ngài, chứng từ của ngài, có thể giúp thúc đẩy việc chấm dứt bạo lực đang diễn ra và củng cố các tiến trình hòa bình và hòa giải đang diễn ra.

Điểm dừng chân đầu tiên sẽ là Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ các nạn nhân từ phía đông của đất nước. Liệu chuyến viếng thăm này có thể giúp hàn gắn những vết thương trong lòng mọi người?

Chúng tôi hy vọng như vậy bởi vì chúng thực sự là những vết thương rất sâu đậm. Đó là một tình huống kéo dài: bạo lực, mâu thuẫn và xung đột. Vì vậy, việc Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân của tình trạng này là một cử chỉ rất có ý nghĩa vốn chắc chắn sẽ an ủi họ. Tôi tin rằng khía cạnh và chiều kích đầu tiên của cuộc gặp gỡ này là an ủi và động viên những người dân đang phải chịu đau khổ, với sự chết chóc, những người tị nạn… Khía cạnh khác luôn là khuyến khích đừng đánh mất đức tin, hy vọng, đừng trả thù, đừng gia tăng sự chia rẽ, lấy hòa bình làm mục tiêu. Do đó, sự hiệp thông và tình huynh đệ là mục đích mà Đức Thánh Cha gặp gỡ những nạn nhân này.

Từ Congo, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Nam Sudan. Vào năm 2019 – chúng ta nhớ – Đức Thánh Cha đã hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan để cầu xin hòa bình. Tôn giáo có thể đóng vai trò gì trong việc ổn định đất nước?

Các Giáo hội Kitô giáo – như tôi cũng đã có thể nhậnthấy – hoạt động để phục vụ toàn thể dân chúng, nơi mà thường thì ngay cả nhà nước và đôi khi các tổ chức quốc tế cũng không thể tiếp cận được. Do đó, họ nhận được sự tin tưởng và thẩm quyền trong dân chúng và điều này đã cho phép họ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối thoại quốc tế phức tạp.

Khi tôi ở Nam Sudan, chính ngài Tổng thống đã nhắc tôi nhớ đến cử chỉ của Đức Thánh Cha, mà theo ông, đã làm ông cảm động và xúc động sâu xa: có thể nói đó là một cử chỉ mang tính tiên tri. Và đó là một cử chỉ đòi hỏi sự cam kết: Tôi tin rằng chính quyền thực sự cam kết thực hiện các bước cụ thể trên con đường dẫn đến hòa bình. Chúng tôi hy vọng rằng chuyến đi này sẽ tiếp nối khoảnh khắc rất đặc biệt đó và khuyến khích họ đưa ra những lựa chọn cụ thể, đưa ra những quyết định rất thực tế để tiến trình hòa bình có thể đạt được những mục tiêu của nó.

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland. Vì thế, đây cũng là một chuyến đi có giá trị đại kết mạnh mẽ…

Đúng vậy. Sự hiện diện này của ba nhà lãnh đạo tôn giáo – Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Scotland – là một biểu hiện rất quan trọng của chủ nghĩa đại kết, thực sự, một chủ nghĩa đại kết – tôi gọi nó là – của chứng tá. Trong khi đó, chính sự kiện cả ba nhà lãnh đạo thực hiện chuyến viếng thăm cùng với nhau là một dấu hiệu cho thấy có thể tìm ra những cách thức hiệp thông ngay cả khi vượt qua những khác biệt. Và sau đó, cam kết chung này của các nhóm tôn giáo hiện diện trong nước để trở thành chứng tá của Tin Mừng, trở thành những người thúc đẩy hòa bình. Vì vậy, đó sẽ là một sự hiện diện và đó sẽ là một hành trình rất quan trọng bởi vì chuyến viếng thăm này sẽ có ba tiếng nói.

Vì vậy, có nhiều kỳ vọng về sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại các quốc gia châu Phi này. Chính Đức Hồng y, như ngài đã nhắc nhở chúng tôi, gần đây đã đến thăm những nơi mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm, nơi mà niềm hy vọng và tình trạng nghèo đói, kịch tính và tương lai, được xen lẫn với nhau. Làm thế nào viễn cảnh này có thể được thay đổi?

 Đó là một sự thay đổi chậm đòi hỏi sự cam kết, sự hội tụ nỗ lực của tất cả mọi người. Mỗi quốc gia sẽ phải cố gắng thiết lập các chính sách thực sự dựa trên công lý và hòa bình. Và kế đến, cộng đồng quốc tế phải cộng tác làm việc cùng với các nhà lãnh đạo chính trị của mỗi quốc gia: hỗ trợ các quốc gia trong những hoàn cảnh tế nhị này, đồng hành cùng họ để đạt được thành tựu toàn diện về phát triển xã hội, kinh tế và thể chế. Và trong bối cảnh này, cũng có vai trò của các Giáo hội, như tôi đã đề cập trước đó, đặc biệt trong các lĩnh vực từ thiện bác ái, giáo dục và y tế.

 Mong muốn cá nhân của Đức Hồng y là gì cho những dân tộc mà ngài đã gặp gỡ và viếng thăm, và nói chung là đối với Châu Phi?

Tôi rất vui mừng được tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm này, cũng bởi vì vào tháng 7, tôi đã thực hiện chuyến hành trình tương tự để nói với mọi người rằng đừng nản lòng, rằng Đức Thánh Cha sẽ đến, ngay cả khi ngài phải – vào dịp đó – đình chỉ chuyến đi. Người dân đã nhận thức được thông điệp này và giờ đây tràn đầy niềm vui để chào đón Đức Thánh Cha và quay quần bên ngài.

Tôi tin rằng hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này với Đức Thánh Cha Phanxicô và sau đó, ở Nam Sudan, cũng như với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, có thể đánh dấu một bước ngoặt trong các sự kiện thường là bi thảm của các quốc gia này, và có thể duy trì thiện chí của tất cả mọi người: Tôi tin rằng thực sự cần có một cam kết đổi mới từ phía tất cả mọi người.

Nếu có được sự cam kết này, các quốc gia sẽ có thể thoát khỏi các tình huống xung đột hiện tại, có thể đảm bảo sự phát triển công bằng của toàn dân và đưa các quốc gia này đi trên con đường hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube