Đức Hồng Y O’Malley: Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đòi hỏi ‘một sự hoán cải mục vụ’

Đức Hồng Y Sean Patrick O'Malley, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, phát biểu tại hội nghị Hội nghị bảo vệ các thành viên dễ bị tổn thương ở Warsaw

Đức Hồng Y Sean Patrick O’Malley, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, phát biểu tại Hội nghị về bảo vệ các thành viên dễ bị tổn thương ở Warsaw

Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên khai mạc Hội nghị bảo vệ các thành viên dễ bị tổn thương tại thành phố Warsaw của Ba Lan và đồng thời nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Giáo hội ở Đông và Trung Âu để tiến hành một cuộc hoán cải mục vụ.

“Lắng nghe, thừa nhận những nạn nhân sống sót và chân thành tìm kiếm sự tha thứ của họ là những bước không thể thiếu trên cuộc hành trình đổi mới này”.

Đức Hồng Y Seán O’Malley đã khởi động hội nghị kéo dài 4 ngày ở Warsaw với lời kêu gọi đó đối với Giáo hội ở Trung và Đông Âu.

Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, mà Đức Hồng y O’Malley đứng đầu, đang tổ chức sự kiện từ ngày 19-22 tháng 9 với chủ đề: “Sứ mạng chung của chúng ta trong việc Bảo vệ mọi Con cái của Thiên Chúa”.

Tầm quan trọng của sự hoán cải mục vụ

Trong bài diễn văn khai mạc trước các tham dự viên tham gia sự kiện, những người đại diện cho các tổ chức Giáo hội tại gần 20 quốc gia, Đức Hồng y O’Malley đã nói về tầm quan trọng của sự hoán cải mục vụ “như một đường hướng truyền giáo cho toàn thể Giáo hội” mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhấn mạnh.

“Sự hoán cải ở cả cấp độ cá nhân và thể chế là trọng tâm của quá trình đổi mới và là điều cần thiết cho điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là ‘sự chuyển đổi truyền giáo’ của Giáo hội”, Đức Hồng y O’Malley nói.

Đức Hồng y O’Malley cho biết lời mời gọi hoán cải là một chủ đề thiết yếu tại hội nghị vốn hy vọng sẽ đổi mới Giáo hội trước vấn nạn lạm dụng tình dục trên khắp Trung và Đông Âu.

“Chúng ta phải nỗ lực vì sự thay đổi vốn sẽ được kết hợp trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống Giáo hội”, Đức Hồng y O’Malley nói, “chống lại vấn nạn lạm dụng tình dục ở bất cứ nơi nào nó xảy ra bất kể địa vị hay chức vụ của người đã gây ra tội ác này”.

Một tâm hồn lắng nghe

Kế đến, Đức Hồng y O’Malley đưa ra ba bước để hỗ trợ các nhà lãnh đạo Giáo hội trong sứ vụ của họ nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương.

Bước đầu tiên – “lắng nghe” – đòi hỏi một tâm hồn sẵn sàng thừa nhận “sự thật của những sự việc đã xảy ra”.

“Khi ai đó bị lạm dụng bởi các giáo sĩ, tu sĩ hoặc những người khác trong Giáo hội tường thuật câu chuyện của họ, chúng ta phải tiếp nhận họ và lời khai của họ với sự tôn trọng hết mức”.

Đức Hồng Y O’Malley cũng kêu gọi thiết lập và cải thiện “các kênh giao tiếp và gặp gỡ rõ ràng” nơi những nạn nhân sống sót sau các vụ lạm dụng có thể liên hệ với Giáo hội nếu họ muốn.

Đức Hồng Y O’Malley đã ca ngợi nhiều Giáo phận đã thiết lập đường dây điện thoại hoặc tài khoản email dành riêng để những nạn nhân sống sót hoặc thân nhân của họ liên lạc.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y O’Malley cho biết thêm, “nếu một Giáo phận không nhận được nhiều phản hồi sau khi thiết lập các phương tiện liên lạc này, điều đó không có nghĩa là thực tế của vấn nạn giáo sĩ hoặc tu sĩ lạm dụng tình dục không tồn tại”.

Thay vào đó, các Giáo phận nên tìm cách điều chỉnh các đường truyền thông tin của họ cho phù hợp với văn hóa địa phương. “Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều phải tập trung vào việc cung cấp các cơ hội có thể tiếp cận, chào đón và không phán xét cho những nạn nhân sống sót và những người thân yêu của họ để họ có thể tiếp xúc và tham gia đối thoại với Giáo hội địa phương”.

Thừa nhận các nạn nhân bị lạm dụng

Bước tiếp theo trong quá trình đổi mới – “thừa nhận những nạn nhân sống sót” – có nghĩa là Giáo hội phải “cung cấp sự thừa nhận trung thực và rõ ràng đối với những người đã bị lạm dụng”.

Đức Hồng Y O’Malley cho biết rằng thái độ phòng thủ không phải là một phản ứng đúng đắn và cần được thay thế bằng “sự lắng nghe sâu sắc từ những nạn nhân sống sót, với sự sẵn sàng nhận thức đầy đủ hơn những điều họ đã trải qua”.

Một trở ngại đối với quá trình lắng nghe này, Đức Hồng Y O’Malley cho biết thêm, đó là “sự bận tâm sai lệch đối với danh tiếng của Giáo hội mang tính thể chế”.

“Trong khi các vị Mục tử nắm giữ trách nhiệm bảo vệ Giáo hội, và trong nhiều trường hợp, họ đã phải chịu đựng đau khổ hoặc phải hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đức tin”, Đức Hồng y O’Malley nói, “một phản ứng hoài nghi và đôi khi thậm chí hạ thấp lời chứng về vụ việc lạm dụng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho những người mà Giáo hội được mời gọi để ưu tiên chăm sóc và quan tâm mục vụ, cụ thể là những người đã bị xâm phạm và bị làm tổn thương bởi các thừa tác viên lạm dụng trong chính Giáo hội”.

Tính dễ bị tổn thương khi đối mặt với những sai trái do các thừa tác viên của Giáo hội gây ra, Đức Hồng Y O’Malley cho biết thêm, là một quan điểm phổ biến, mặc dù nó cũng có thể trở thành một “kinh nghiệm về hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta hầu mang lại sự chữa lành”.

Tìm kiếm sự tha thứ

Bước thứ ba và bước cuối cùng – “tìm kiếm sự tha thứ” – đòi hòi các nhà lãnh đạo Giáo hội noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã bị đánh động khi Ngài nhìn thấy nhu cầu của dân chúng.

Đức Hồng y O’Malley cho biết rằng nhiều nạn nhân sống sót đã bị đối xử bất công và “bị chính Giáo hội từ chối trong đau khổ của họ”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng thay vào đó họ có thể đóng vai trò hướng dẫn trong việc xây dựng Giáo hội.

“Bằng cách chấp nhận vai trò của những nhân vật chính trong các cộng đồng của chúng ta, những nạn nhân sống sót có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc quan trọng về chân lý của Tin Mừng, vốn mở đường cho công cuộc truyền bá Tân Phúc Âm hóa, ngay cả cho chính Giáo hội”, Đức Hồng y O’Malley nói.

Mặc dù hành trình của mỗi nạn nhân sống sót sau khi bị lạm dụng đều mang tính cá nhân và độc đáo sâu sắc, các Thừa tác viên của Giáo hội phải tìm kiếm “sự tha thứ từ tất cả những người bị tác động bởi vấn nạn lạm dụng tình dục”.

Khôi phục sự tín nhiệm nhưng không giữ thái độ phòng thủ

Cuối cùng, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên kêu gọi Giáo hội ở Trung và Đông Âu tiếp tục theo đuổi cuộc hoán cải mục vụ, để Giáo hội có thể “khôi phục sự tín nhiệm và thúc đẩy việc chữa lành”.

Cuộc hành trình học hỏi, Đức Hồng y O’Malley kết luận, sẽ “tiếp diễn trong suốt cuộc đời của chúng ta”.

“Với sự hỗ trợ của những người tận tâm và có năng lực như các tham dự viên ở đây và nhiều người khác trong khu vực, những người cam kết thực hiện quá trình chữa lành và hòa giải”, Đức Hồng Y O’Malley nói, “Tôi tin rằng chúng ta đang đi đúng hướng và có thể đạt được những tiến bộ có ý nghĩa, luôn đặt mối quan tâm và nhu cầu của những nạn nhân sống sót lên hàng đầu khi chúng ta cùng nhau tiến về phía trước”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube