Đức Hồng Y Nzapalainga: “Là một Kitô hữu, tôi phải nhìn mọi thứ một cách khác biệt”

Đức Hồng Y Dieudonne Nzapalainga Địa phận Bangui đến thăm các cộng đồng làng mạc (ẢNh: ACN)

Đức Hồng Y Dieudonne Nzapalainga Địa phận Bangui đến thăm các cộng đồng làng mạc (Ảnh: ACN)

Trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở quốc tế của Tổ chức Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga từ Giáo phận Bangui ở Trung Phi đã nói về thái độ mà một Kitô hữu phải có khi đối mặt với đau khổ cũng như đối với những anh chị em cần được giúp đỡ. Ngài cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình về Thượng Hội đồng về Hiệp hành diễn ra tại Rôma vào tháng 10 vừa qua.

Ở Trung Phi Đức Cha phải đối mặt với rất nhiều đau khổ. Và hiện nay, Đức Cha có ấn tượng rằng thế giới đang chìm trong đau khổ. Làm thế nào ngài có thể tránh bị cuốn theo vòng xoáy của những tin tức tồi tệ này?

Là một Kitô hữu, tôi phải nghe và nhìn mọi thứ một cách khác biệt. Tôi nhìn mọi thứ qua ánh sáng của hy vọng. Khi người ta nói: “Không còn hy vọng nữa”, người Kitô hữu phải nói: “Luôn luôn có niềm hy vọng”. Bạn không thể để mình bị hủy hoại bởi những tin tức tồi tệ hàng ngày và trở thành nô lệ của nó. Chúa Kitô đã chiến thắng sự dữ! Đây không phải là trường hợp phủ nhận thực tế, mà là nhìn nó bằng con mắt đức tin: có một cuộc tái sinh đang diễn ra, và ở phía bên kia, bình minh mới đang ló dạng. Người Kitô hữu nào vượt qua thung lũng của những thử thách này phải nhìn thấy điều đó. Bạn có thể nói với tôi: “Ngài điên rồi”. Nhưng trước sự phi lý của sự đau khổ và sự dữ, nếu không có sức mạnh đó, tôi sẽ bị sóng cuốn đi, tôi sẽ trở nên giống như những người khác đang khóc. Chúa Giêsu đã nói: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai vất vả và mang gánh nặng” (Mt 11:28). Thông thường, chúng ta muốn giải quyết vấn đề của mình một mình. Nhưng chúng ta phải đặt chúng xuống trong lời cầu nguyện. Đôi vai của chúng ta không đủ mạnh.

Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga ban phép lành cho một cụ già (Ảnh: ACN)

Đức Hồng y Dieudonné Nzapalainga ban phép lành cho một cụ già (Ảnh: ACN)

Ngoài ra còn có nguy cơ trở nên thờ ơ trước những đau khổ như vậy, nguy cơ nghoảnh mặt quay đi…

Đúng vậy, chúng ta phải cẩn thận để lương tâm của mình không bị tê liệt. Phải chiến đấu chống lại sự đau khổ. Nếu không thì chúng ta là những Kitô hữu ở Trung Phi và trên thế giới không còn chút hương vị nào nữa. Chúng ta phải là muối cho trần gian. Chúa Giêsu đồng hóa với những người hèn mọn nhất, những người bị bỏ rơi. Ngài đến vì những người nghèo khổ. Bằng chứng: Chúa Giêsu không sinh ra trong khách sạn hay bệnh viện bốn sao! Nếu tôi đóng cửa với một người anh em nghèo khó, một người di cư, tôi phải tự hỏi: Tôi có còn là Kitô hữu không? Chúa Giêsu nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt25:40).

Là người Kitô hữu, chúng ta phải để trái tim và lương tâm mình lên tiếng. “Ngươi đã làm gì với em trai mình thế?” (x. St 4:10). Qua phép rửa, các bạn có trách nhiệm với anh chị em mình! Đừng trốn tránh.

Đức Cha đã tham gia Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, đánh dấu giai đoạn toàn cầu của Thượng Hội đồng về Hiệp hành. Có phải mọi người cũng nói về những Kitô hữu bị bách hại ở đó?

Mọi người đã nói về điều đó. Và sau khi các anh em đến từ Sudan và Ukraine phát biểu, đã có những tràng pháo tay để thể hiện tinh thần liên đới: Chúng tôi sát cánh cùng với các bạn!

Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga tại ACN Quốc tế (Ảnh: ACN)

Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga tại ACN Quốc tế (Ảnh: ACN)

Chủ đề của Thượng Hội đồng là: “Vì một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”. Bất chấp sự khác biệt của các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới, Đức Cha có cảm nhận được khía cạnh hiệp thông này không?

Vào đầu Thượng Hội đồng có rất nhiều sự căng thẳng, người ta cho rằng sẽ có những sự chia rẽ và xung đột. Nhưng Chúa Thánh Thần đã kín đáo đến để xoa dịu tâm hồn, giúp chúng ta coi nhau như huynh đệ chứ không phải là kẻ thù của nhau. Điều làm thay đổi bầu không khí rất nhiều là cuộc tĩnh tâm ba ngày lúc đầu. Sau đó, thực tế là trong suốt Thượng Hội đồng, chúng tôi đã ngồi quanh một chiếc bàn và nhìn nhau. Có 36 bàn xung quanh là những người thuộc các quốc tịch khác nhau. Chúng tôi đã có một số cuộc thảo luận bàn tròn, chúng tôi lắng nghe lẫn nhau, và khi ai đó đã lên tiếng, chúng tôi giữ im lặng để tiếp thu. Khi ngồi quanh bàn, chúng tôi chia sẻ, sau đó bỏ phiếu – đó là một cuộc bỏ phiếu kín và chúng tôi cảm thấy hoàn toàn tự do – để lựa chọn chủ đề mà chúng tôi sẽ đề xuất trước đại hội lớn hơn.

Điều đó có nghĩa là nhiều chủ đề do các nhóm nhỏ đề cập đã không được đưa ra để thảo luận trong đại hội lớn hơn. Có sự thất vọng nào không?

Nếu bạn thực sự lắng nghe người khác, nếu bạn khiêm tốn, bạn sẽ nhận được rất nhiều, vì Chúa Thánh Thần cũng nói qua người anh em của tôi. Nếu bạn không khiêm tốn, người ta sẽ thấy sự thất vọng. Tôi phải tự mình tản quyền, tự bỏ mình: Không chỉ có đất nước của tôi. Đó không phải là trường hợp bảo vệ quan điểm của tôi; tôi bày tỏ sự bận tâm của mình nhưng tôi cũng lắng nghe những người khác. Giáo hội không chỉ có một mình tôi mà là tất cả chúng ta. Khi bạn đã bình chọn một chủ đề, nó không còn là chủ đề của tôi nữa mà đã trở thành chủ đề của chúng ta. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn nghĩ rằng việc thảo luận một chủ đề không được nhóm thực sự quan tâm là thực sự cần thiết thì bạn luôn có thể lên tiếng trong cuộc họp lớn hơn. Nhưng luôn luôn phải ghi nhớ điều này: Chúng ta phải xây dựng Giáo hội của Chúa Kitô chứ không phải Giáo hội của riêng tôi! Chúng tôi không làm việc theo chương trình nghị sự của riêng mình.

Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga thăm anh chị em giáo dân (Ảnh: ACN)

Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga thăm anh chị em giáo dân (Ảnh: ACN)

Đức Cha có vẻ rất hài lòng với những gì ngài đã trải qua trong suốt Thượng Hội đồng?

Thượng Hội đồng kết thúc và tôi được làm cho trở nên phong phú hơn. Và tôi có ấn tượng rằng đó là Lễ Ngũ Tuần mới đối với Giáo hội. Chúa Thánh Thần đã thực hiện công việc của Ngài để biến ngôn ngữ của tôi thành ngôn ngữ yêu thương mà người khác có thể hiểu được. Vâng, cách nhìn sự việc rất khác nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới. Nhưng chính Chúa Kitô đã cầu nguyện: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. (Ga 17:21). Thiên Chúa không muốn sự đồng nhất mà là sự hiệp nhất trong sự đa dạng. Trong âm nhạc, sự hòa hợp đến từ sự đa dạng. Chúa Thánh Linh hoạt động trên chúng ta để chúng ta hòa hợp với Ngài. Điều quan trọng là tinh thần thế gian không làm chúng ta xa rời Tin Mừng. Điểm quy chiếu của chúng ta không phải là thế gian. Nếu bạn muốn trở thành ánh sáng hay men, bạn phải quy hướng về Chúa Kitô, hướng tới Lời của Người. Dòng thời gian tuần hoàn thay đổi, nhưng Chúa Kitô vẫn như vậy. Ngài là Alpha và Omega.

Minh Tuệ (theo ACN)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube