Đức Hồng Y Müller cảnh báo về nguy cơ nghiêm trọng có thể dẫn đến 'sự tự sát tập thể' của nhân loại

Đức Hồng y Gerhard Müller, nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (Ảnh:  Cardinal Gerhard Muller will be replaced by Monsignor Luis Francisco Ladaria Ferrer. ALBERTO PIZZOLI/AFP/Getty Images)

Đức Hồng y Gerhard Müller, nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (Ảnh: ALBERTO PIZZOLI/AFP/Getty Images)

Đức Hồng y Gerhard Müller, nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã cảnh báo về mối nguy hiểm nghiêm trọng có thể dẫn đến “sự tự sát tập thể” của nhân loại.

“Kitô giáo thúc đẩy một nền văn minh của sự sống và thách thức nền văn hóa của chủ nghĩa hư vô nhân học, thứ sẽ phải kết thúc bằng sự tự sát tập thể của nhân loại. Chủ nghĩa vô thần cũng chính là chủ nghĩa hư vô. Hoa trái của nó là sự chết”, Đức Hồng y Müller nói trong một bài thuyết trình bằng tiếng Tây Ban Nha do thư ký của ngài trình bày vào ngày 30 tháng 9 tại Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 14, diễn ra từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10 tại exico.

Trên trang web của mình, đại hội tuyên bố đây là “một sự kiện quốc tế và liên tôn quy mô lớn nhằm đoàn kết và trang bị cho các nhà lãnh đạo, các tổ chức và gia đình nhằm khẳng định, tôn vinh và củng cố gia đình như là môi trường tự nhiên và nền tảng của con người, chìa khóa cho sự phát triển hưng thịnh của những cá nhân trưởng thành và các xã hội bền vững”.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng y Müller giải thích rằng “chủ nghĩa hư vô, nghĩa là ‘cảm thức của thời đại mới’ rằng ‘chính Thiên Chúa đã chết’”, như triết học gia Hegel đã viết, có thể dẫn đến cảm tưởng rằng ‘chẳng có gì xấu xa nơi con người và mọi thứ làm đẹp lòng hắn đều được phép, nếu chúng ta tin vào sự hợp lý theo trực giác đối với tất cả những gì tồn tại trong sự sáng tạo”.

Trong bài diễn văn của mình có tiêu đề “Con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa: một tuyên ngôn chống lại chủ nghĩa hư vô nhân học”, Đức Hồng y Müller đã đề cập đến những luận điểm của triết gia Nietzsche, “nhà tiên tri của chủ nghĩa hư vô hậu Kitô giáo”, người đã tuyên bố “cái chết của Thiên Chúa”; và sử học gia Yuval Noah Harari, người “đã trở thành một thứ giống như bậc thầy của cái gọi là siêu nhân học (transhumanism) và chủ nghĩa hậu nhân văn (post-humanism)”.

‘Siêu nhân siêu phàm’ có thể trở thành ‘siêu dị nhân hiểm ác’

Nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin giải thích rằng “với tư cách là một nhà sử học, bản thân sử gia Harari nhận thức được viễn tượng về một siêu nhân siêu phàm có thể trở nên siêu dị nhân hiểm ác một cách nhanh chóng như thế nào. Thế kỷ 20 đã chứng minh điều này một cách tàn nhẫn. Ở Tây và Đông Âu. Đặc biệt là ở Đức và Nga”.

“Nếu con người không còn là một tạo vật theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa Ba Ngôi, thì nó sẽ chìm vào vực sâu của thuyết hư vô nhân học”, Đức Hồng y Müller cảnh báo.

Ví dụ, Đức Hồng y Müller đã ám chỉ những người “đã ‘nâng độn’ hoặc ‘cập nhật’ mặt mũi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của họ. Đó không còn là mốt của Hollywood nữa, mà là những tạo vật đáng thương đáng được thương xót này đã sa ngã – mà không hề hay biết – thành chủ nghĩa hư vô nhân học”.

“Cha đẻ của chủ nghĩa hư vô nhân học là sự kiêu ngạo của loài tạo vật muốn trở nên giống với Thiên Chúa (St 3: 5) và muốn thiết lập sự khác biệt giữa thiện và ác, đúng và sai cho chính nó”, Đức Hồng y Müller nói.

Nguồn động lực của nó, vị Hồng y người Đức tiếp tục, “là sự điên rồ mù quáng của những kẻ vô tín ngưỡng, những kẻ đánh đổi ‘vinh quang của Thiên Chúa bất biến’ để đổi lấy những hình ảnh ý thức hệ tự bịa đặt của mình. Khi con người thờ phượng tạo vật thay vì Đấng Sáng tạo, thì con người sẽ đánh mất danh dự của những người con và bằng hữu của Thiên Chúa”.

Sự thù địch với sự sống và hôn nhân

Đức Hồng y Müller cảnh báo rằng thuyết hư vô nhân học “mang tính thù địch đáng kể đối với sự sống”, bởi vì nó khuyến khích hành động “giết trẻ em ngay trong bụng mẹ như một quyền của con người và yêu cầu thực dụng của cái gọi là ‘cái chết nhân từ’ (an tử) đối với những con người ‘không còn giá trị’ hoặc ‘không còn sử dụng được nữa’”.

“Nhưng hoa trái thối rữa của chủ nghĩa hư vô nhân học cũng được thể hiện qua việc đặt vấn đề về hôn nhân giữa người nam và người nữ, vốn được coi như là một biến thể trong số bất kỳ khả năng nào của việc tận hưởng sự thỏa mãn tính dục một cách trác táng mà không hoàn toàn quy phục trong tình yêu và không vượt qua chính mình để hình thành nên người thứ ba, cụ thể là con cái như là hoa trái của tình yêu và trong lòng cha mẹ nó”, Đức Hồng y Müller tiếp tục.

 Do đó, mối quan hệ của hôn nhân dẫn đến sự đơm hoa kết trái bị phủ nhận, “điều mà Đấng Tạo Hóa đã chúc phúc cho người nam và người nữ để họ truyền thụ, gìn giữ và phát huy sự sống do Thiên Chúa tạo dựng”.

Ý thức hệ về giới

 Sau đó, Đức Hồng Y Müller đã đề cập đến vấn đề ý thức hệ về giới tính, vốn tạo ra sự phân biệt sai lầm giữa giới tính sinh học và giới như một cấu trúc văn hóa xã hội.

 “Ngoài thực tế đã được chứng minh về mặt sinh học rằng việc thay đổi giới tính thực sự là không thể, việc giả tưởng tự do lựa chọn giới tính của một người là sự phủ nhận thánh ý của Thiên Chúa dành cho con người của chúng ta. Mỗi con người đều tồn tại trong bản chất cơ thể của mình với biểu hiện nam hoặc nữ”, Đức Hồng Y Müller nói.

“Ý thức hệ về giới, chắc chắn cũng nằm dưới sự bảo trợ của chủ nghĩa hư vô nhân học, tước đoạt khả năng của cả nam giới lẫn phụ nữ”, Đức Hồng Y Müller chỉ ra.

“Một người đàn ông, do thiên hướng tinh thần và thể xác của mình, có khả năng trở thành một người chồng yêu thương vợ và một người cha trung thành với con cái. Nhưng người đàn ông đó không thể làm vợ hoặc làm mẹ đối với người khác mà không phản bội chính mình”, vị Hồng y người Đức nói.

Vị nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin cho biết rằng “không ai có thể cải tổ hay hiện đại hóa Giáo huấn của Đức Kitô, ‘bởi vì chính Người (qua Mầu nhiệm Nhập Thể) đã mang theo tất cả sự mới mẻ và hiện đại để đổi mới và làm sống động con người’”, Như Thánh Irenaeus thành Lyons, người gần đây đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh, đã nói.

Sự nguy hiểm đối với Giáo hội

“Chủ nghĩa hư vô nhân học trở nên thực sự nguy hiểm đối với Giáo hội khi mà ngay cả các nhà thần học Công giáo ở các vị trí chủ chốt không còn thừa nhận thực tế về sự mặc khải duy nhất về mặt lịch sử và trổi vượt của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, mà thay vào đó tạo ra một thỏa hiệp sai lệch với chủ nghĩa hậu nhân văn, chỉ để Giáo hội ‘tồn tại’ như một tổ chức xã hội trong một thế giới hiện đại vắng bóng Thiên Chúa”.

Đối với “nền thần học vắng bóng Thiên Chúa” này, “công trình sáng tạo và giao ước, Mầu nhiệm Nhập thể và Hiến tế của Chúa Giêsu trên thập giá và sự phục sinh của Ngài chỉ được coi như là những biểu tượng hiện sinh của đặc tính thần thoại”.

“Nếu Kitô giáo chỉ là một tập hợp các quan điểm khác nhau về vị thần không thể biết đến vốn trải rộng trên sự hiểu biết về mặt lý thuyết của chúng ta về thế giới và cách thức thực tế để đối phó với tình huống bất ngờ, thì quả thực không đáng để chiến đấu, đau khổ và chết vì chân lý của Đức Kitô”, Đức Hồng Y Müller nói.

Vị Hồng y người Đức nhấn mạnh rằng “đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa và Cha của Chúa Giêsu Kitô đã vượt qua văn hóa sự chết và chủ nghĩa hư vô nhân học. Đức tin mở ra cho chúng ta nền văn hóa của sự sống trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi bởi vì chúng ta đã được giải thoát khỏi ‘vòng nô lệ của tình trạng tạm thời chóng qua hướng đến sự tự do và niềm vinh dự của con cái của Thiên Chúa”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube