
Đức Hồng y Michael Czerny SJ, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican, đã có bài phát biểu quan trọng qua video tại sự kiện “Tính Hiệp hành tại Hoa Kỳ: Những người di cư, Đối thoại và Bối cảnh mới”, một cuộc họp của Quỹ Portman Endowment thuộc Mạng lưới Giáo hội tại Hoa Kỳ được tổ chức tại Đại học San Diego (Ảnh: Luis Donaldo González)
Việc trục xuất hàng loạt những người di cư không có giấy tờ, Đức Hồng y Michael Czerny SJ cho biết, là điều không phù hợp với Giáo lý Công giáo, đồng tình với quan điểm của Đức Hồng y Robert McElroy, Tổng Giám mục Washington mới được bổ nhiệm.
“Chỉ cần một điều: lắng nghe những gì Thiên Chúa đang nói và đáp lại một cách trung thành để thucwj hiện cuộc hành trình như những người con cái của Thiên Chúa được kêu gọi xây dựng một ‘chúng ta’ ngày càng rộng lớn hơn, một tinh thần huynh đệ ngày càng sâu sắc hơn”, Đức Hồng y Czerny nói. “Các Kitô hữu được kêu gọi nhớ rằng tất cả của cải và tài nguyên đều được định sẵn cho toàn thể mọi người”.
Đức Hồng y Czerny, người đứng đầu Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, đã có bài phát biểu qua video với hơn 70 thần học gia, Giám mục và giáo sĩ từ Bắc, Trung và Nam Mỹ với tư cách là diễn giả chính tại hội nghị song ngữ “Tính Hiệp hành tại Hoa Kỳ: Những người di cư, Đối thoại và Bối cảnh mới”, một cuộc họp của Quỹ Portman Endowment thuộc Mạng lưới Giáo hội tại Hoa Kỳ (Ecclesia in America) được tổ chức tại Đại học San Diego gần biên giới Hoa Kỳ-Mexico ở California.
“Tại Hoa Kỳ, viện trợ trực tiếp và việc đồng hành cùng với người di cư hiện đang bị đe dọa vì các chương trình đã bị chấm dứt, ngân sách bị đóng băng hoặc hủy bỏ, nhân viên bị sa thải”, Đức Hồng y Czerny phát biểu vào ngày 7 tháng 2 trong bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Có một nỗi lo sợ thực sự về việc bị đàn áp và truy tố”, Đức Hồng y Czerny tiếp tục.
Đức Hồng y Czerny nhấn mạnh rằng tình trạng di cư tại châu Mỹ là một “thực tế đau thương” mà các Kitô hữu không nên bỏ qua.
“An ninh quốc gia đã được lý tưởng hóa và vũ khí hóa chống lại người nghèo trên khắp châu Mỹ”, Đức Hồng y Czerny nói. “Đối với những người trong số các bạn đang phục vụ tại Hoa Kỳ, tôi cầu nguyện để các Giáo xứ và Giáo phận của các bạn sẽ không sợ hãi khi đồng hành cùng với những người di cư”.
“Những người di cư là một sự biểu lộ, một sự mặc khải về sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong lịch sử”.
Một tràng pháo tay vang lên ngắt quãng bài phát biểu quan trọng của Đức Hồng y Czerny khi ngài đề cập đến mối liên hệ rõ ràng giữa sự thật và lòng thương xót mà Đức Giám mục Mariann Edgar Budde thuộc Giáo hội Giám nhiệm đã công khai nói với Tổng thống Donald Trump vào ngày 21 tháng 1.
Đức Hồng y Czerny nhấn mạnh tình trạng quản lý yếu kém và tham nhũng, buôn bán ma túy và bạo lực gia tăng, cùng với các hành vi vi phạm nhân quyền là những nguyên nhân buộc người dân phải rời bỏ đất nước của họ.
“Các lực lượng công nghiệp lớn tiếp tục khai thác tài nguyên địa phương và di dời cư dân khỏi vùng đất tổ tiên của họ, đặc biệt là các cộng đồng người gốc Phi và thổ dân không được lực lượng an ninh địa phương bảo vệ”, Đức Hồng y Czerny nói. “Những hành lang tử thần xuất hiện trên khắp bán cầu của chúng ta cũng như trên toàn cầu phản ánh những thất bại về chính trị: thiếu sự sáng tạo và thiếu sự phối hợp”.
“Vùng biển Caribe đang trở thành một nghĩa địa, giống như Địa Trung Hải”, Đức Hồng y Czerny, đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô về vấn đề nhập cư, tiếp tục. “Vịnh Guantanamo có thể một lần nữa trở thành nhà tù di cư quy mô lớn”.
Ngoài ra, Đức Hồng y Czerny nhắc nhở những người hiện diện rằng bối cảnh di cư toàn cầu đang phát triển những chấn thương tập thể. “Giống như bà Rachel trong Kinh Thánh khóc thương dân tộc mình, cha mẹ đang tìm kiếm những đứa con không còn ở bên họ nữa”, ngài nói.
Để đối mặt với những thách thức về di cư ở châu Mỹ, Đức Hồng y Czerny cho biết cần phải có một cuộc đối thoại đa văn hóa và liên ngành để xây dựng những cây cầu trở thành hình thức hỗ trợ lẫn nhau cụ thể.
“Chúng ta còn nhiều điều phải học về hành động địa phương từ chính những người di cư, những người phát triển mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau của riêng họ”, Đức Hồng y Czerny cho biết. “Hỗ trợ lẫn nhau là cốt lõi của cộng đồng người di cư”.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng y Czerny đã khuyến khích mạnh mẽ việc tiếp tục tạo ra và củng cố các hoạt động hiếu khách tại địa phương. “Sự chuyển đổi lâu dài bắt nguồn từ các hoạt động mang lại sức sống tại địa phương”, Đức Hồng y Czerny nói.
Các sáng kiến mục vụ và sứ vụ của Giáo hội Công giáo “là dấu chỉ sống động của hy vọng cho những người di cư đang phải đối mặt với sự thù địch từ các chính phủ cứng rắn, thái độ bài ngoại của các xã hội và đôi khi là sự thờ ơ đối với các tôn giáo”, Đức Hồng y Czerny cho biết thêm.
“Cần phải có sự liên đới liên tôn và liên tín ngưỡng, vượt qua mọi khác biệt hiện hữu”.
Đức Hồng y Czerny đã ít nhất 5 lần nhắc đến lá thư mục vụ từ “Các Giám mục biên giới và các Giám mục chịu trách nhiệm về vấn đề mục vụ đối với người di cư ở Bắc Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribe” được công bố bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha vào tháng 11 năm 2024.
“Lá thư đó nêu ra một cách tiếp cận mục vụ phối hợp để những người di cư, mặc dù đi qua nhiều khu vực pháp lý, vẫn có thể trải nghiệm một Giáo hội không ngừng đồng hành với họ “, Đức Hồng y Czerny cho biết. “Điều này có thể đại diện cho Giáo hội học mục vụ hoặc hiến chương của một Giáo hội thực sự không có biên giới”.
Giáo sư Đại học San Diego và là người tổ chức hội nghị, ông Victor Carmona, cho biết mục tiêu chính của cuộc gặp gỡ quốc tế này là đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc xây dựng những cầu nối bắc-nam.
“Việc thúc đẩy những suy tư thần học nuôi dưỡng một Giáo hội Hiệp hành trên khắp lục địa của chúng ta là điều cần thiết”, giáo sư Carmona nói với National Catholic Reporter. “Đó là mong muốn và nhiệm vụ mà những người tham gia cuộc họp này đang thực hiện”.
Ngay trước khi kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Hồng y Czerny đã yêu cầu những người tham dự tiếp tục đồng hành với những người nghèo, người di cư, người di tản, người bị ngược đãi và người bị buôn bán, đọc những dấu chỉ của thời đại. “Điều đó vừa mang tính mục vụ vừa mang tính thần học, và thường mang tính đại kết và liên tôn”.
“Chúng ta hãy tái cam kết trong đức tin, tín ngưỡng và sự xác tín của mình để luôn gần gũi với những người nghèo phải di tản”, Czerny kết luận.
Minh Tuệ (theo NCR Online)