Đức Hồng y Louis Raphael Sako: ‘Chủ nghĩa đa nguyên phụ thuộc vào việc thay đổi luật pháp và giáo dục’

Trong bức ảnh thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2019, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, giáo chủ của Nhà thờ Chaldean, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với The Associated Press ở Baghdad, Iraq. (Nhà cung cấp hình ảnh: Khalid Mohammed / AP.)

Trong bức ảnh được chụp vào thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2019, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phục thuộc Giáo hội nghi lễ Chaldean, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ ‘The Associated Press’ tại Baghdad, Iraq (Ảnh: Khalid Mohammed / AP)

ROME – Khi các cuộc bầu cử quốc hội của Iraq tiếp tục đến gần, một trong những quan chức hàng đầu của đất nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp quốc gia này tập trung vào việc thúc đẩy sự chung sống hòa bình giữa các nhóm tôn giáo và sắc tộc khác nhau vốn đã chung sống cạnh nhau trong nhiều thế kỷ.

Trong một tuyên bố vào ngày 14 tháng 6, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Tòa Babylon thuộc Giáo hội nghi lễ Chaldeans, nhấn mạnh rằng nhờ vào sự toàn cầu hóa và sự gia tăng tiếp xúc với sự đa dạng của các nền văn hóa trên toàn thế giới, “vấn đề của việc cùng nhau chung sống tạo thành mối bận tâm chung và cốt lõi của các dân tộc”.

“Đó là sự đảm bảo cho sự thống nhất đối với tính đa nguyên của xã hội, tính đa dạng của nó, tính chất liên kết của sự gắn kết dân tộc, và việc cùng nhau chung sống trong sự tương tác và sự hài hòa”, Đức Hồng y Sako nói, đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “tìm kiếm những điểm chung giúp hiểu được, đánh giá, và tôn trọng đối phương, và tránh tìm kiếm sự khác biệt làm gia tăng sự khác biệt và chia rẽ”.

“Vấn đề của việc cùng nhau chung sống và phát huy các giá trị của sự tiết chế, khoan dung và tôn trọng không phải là quá trình của việc quảng bá ‘những khẩu hiệu’, mà là quá trình nuôi dưỡng con người bền vững và xây dựng các thể chế”, Đức Hồng y Sako nói.

Về vấn đề này, Đức Hồng y Sako cho biết rằng vẫn cần phải thực hiện nhiều điều “trong các vấn đề về nhà nước dân sự và quyền công dân, công bằng xã hội, và hòa giải”.

Đề cập đến lịch sử phong phú của Iraq với các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo đa dạng chung sống hòa bình bên cạnh nhau trong nhiều thế kỷ, Đức Hồng y Sako cho biết bầu khí xã hội hiện tại, với những căng thẳng giáo phái, còn lâu mới đạt được như mong đợi, và phải nỗ lực mới có thể giành lại sự chung sống hòa bình mà đất nước này đã từng nổi tiếng như thế.

“Ngày nay, người dân Iraq than vãn về những ngày xa xưa ấy, bởi vì họ cảm thấy rằng tâm lý hạn ngạch, tôn giáo, giáo phái và sự loại trừ sắc tộc, và những bất ổn chính trị đã hủy hoại quê hương của họ, phá hủy xã hội của họ, và làm xáo trộn tương lai của họ cũng như tương lai của quê hương họ”, Đức Hồng y Sako nói, và đồng thời cũng cho biêt thêm rằng: “Họ mong muốn có được ý chí và khả năng để giành lại sự chung sống mà họ đã đánh mất”.

Về việc làm thế nào để quay trở lại trạng thái đa nguyên thực sự, Đức Hồng y Sako nói, các hệ thống pháp luật và giáo dục cần được cải cách sâu rộng.

“Cần phải ban hành luật mới, đặc biệt là liên quan đến tư cách cá nhân và quyền tự do tín ngưỡng, để phù hợp với thực tế tôn giáo, văn hóa, xã hội và kinh tế mà xã hội đương đại đang trải qua”, Đức Hồng y Sako nói.

Một môi trường phù hợp phải được tạo ra để trẻ em phát triển trong một môi trường “lành mạnh và hội nhập”, với việc những người giảng dạy chúng cách áp dụng đúng đắn những giáo huấn tôn giáo của họ và “tôn trọng tôn giáo của những người bạn đồng nghiệp của mình trên cơ sở của tình huynh đệ và quyền công dân” với một lương tâm ngay lành.

Vì vậy, Đức Hồng y Sako đề nghị đưa Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên hợp quốc trở thành một phần chính thức của chương trình giáo dục, tổ chức các buổi hội thảo về tuyên ngôn này cho học sinh “nhằm tránh bị lôi kéo vào sự không khoan dung, chủ nghĩa cực đoan và sự thù hận”.

Đức Hồng y Sako kêu gọi các nhà lãnh đạo và công dân Iraq tận dụng chuyến viếng thăm từ ngày 5 đến 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới đất nước này, trong đó Đức Thánh Cha đã liên tục đưa ra lời kêu gọi về tinh thần huynh đệ, hòa bình và sự thống nhất trong sự đa dạng.

Một phần của việc nuôi dưỡng ý thức về tinh thần huynh đệ và sự chung sống hòa bình này đồng nghĩa với việc tự tách mình khỏi những ý thức hệ cực đoan hoặc chủ nghĩa chính thống, Đức Hồng y Sako nói, đồng thời nhấn mạnh rằng “trào lưu chính thống không phải điều là độc đáo, đó là việc quay trở lại những cội nguồn tuyệt vời”.

Thay vào đó, “trào lưu chính thống đồng nghĩa với chủ nghĩa cuồng tín và chủ nghĩa cực đoan, và nó đã trở thành một ý thức hệ nguy hiểm”, Đức Hồng y Sako nói, đồng thời cũng lưu ý rằng nó thường lợi dụng các tôn giáo như một lá chắn để “đạt được những lợi ích chính trị và tài chính”.

“Trào lưu chính thống bác bỏ chủ nghĩa đa nguyên và kích động xóa bỏ chủ nghĩa đa nguyên”, Đức Hồng y Sako nói, và đồng thời cũng cho biết rằng thái độ này “xa lạ với bản chất của người dân Iraq và nền văn minh của họ, vốn được đặc trưng bởi chủ nghĩa đa nguyên và việc chấp nhận người khác với thái độ tôn trọng”.

“Vì vậy, nó phải bị triệt hạ thông qua sự khai sáng của thông điệp khoan dung tôn giáo”, Đức Hồng y Sako nói, và đồng thời kêu gọi các học giả tôn giáo và các nhân vật có thẩm quyền lên tiếng công khai ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tinh thần hòa giải và hòa bình.

Với xã hội Iraq phần lớn vẫn bị chia rẽ bởi thái độ bè phái, các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm “làm nổi bật sự phong phú của cộng đồng đa dạng, về mặt tôn giáo, xã hội và văn hóa”, Đức Hồng y Sako nói, đồng thời lưu ý rằng có nhiều đoạn khác nhau trong cả Kinh Thánh và Kinh Qur’an ủng hộ điều này.

Những đoạn văn này nên được đưa vào chương trình giảng dạy tôn giáo, “bởi vì bản chất của tôn giáo là sự xác tín vào Thiên Chúa và cách hành xử ngay lành”.

“Mối tương quan thiêng liêng lành mạnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chung sống trong một quốc gia đa tôn giáo trên cơ sở tất cả đều là huynh đệ và là con cái của cùng một Đấng sáng tạo, người đã tạo dựng nên họ khác biệt với nhau”, Đức Hồng y Sako nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng nó cũng sẽ giúp các công dân “chung sống với nhau với tinh thần khoan dung, tình yêu thương và sự liên đới”, do đó củng cố xã hội nói chung.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube