Đức Hồng Y Lazarus You Heung-sik: ‘Ơn gọi là lời mời gọi hướng đến sự hạnh phúc’

Tổng Trưởng Bộ Giáo sĩ của Vatican, Đức Hồng Y tân cử Lazarus You Heung-sik (Ảnh: Vatican News)

Tổng Trưởng Bộ Giáo sĩ của Vatican, Đức Hồng Y tân cử Lazarus You Heung-sik (Ảnh: Vatican News)

Ở cấp độ cơ bản nhất, ơn gọi là lời mời gọi hướng đến sự hạnh phúc, Đức Hồng Y Lazarus You Heung-sik, người Hàn Quốc, Tổng Trưởng Bộ Giáo sĩ, cho biết.

“Ơn gọi về cơ bản là lời mời gọi sống hạnh phúc, chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, nhận ra nó một cách trọn vẹn và không lãng phí nó”, Đức Hồng Y You nói với tờ báo Vatican trong một cuộc phỏng vấn được công bố trước Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi vào ngày 21 tháng Tư.

Thiên Chúa muốn mỗi người được hạnh phúc và sống một cuộc đời trọn vẹn nhất, Đức Hồng Y You nói với tờ L’Osservatore Romano.

Nơi Chúa Giêsu, Đức Hồng Y You nói, Thiên Chúa “muốn lôi kéo chúng ta vào vòng tay yêu thương của Ngài; do đó, nhờ phép rửa, chúng ta trở thành một phần tích cực của câu chuyện tình yêu này, và khi chúng ta cảm thấy mình được yêu thương và đồng hành, thì khi đó sự tồn tại của chúng ta trở nên con đường dẫn đến hạnh phúc, đến một cuộc sống viên mãn”.

Con đường dẫn đến hạnh phúc, Đức Hồng Y You nói, “sau đó được thể hiện và hiện thực hóa trong một sự lựa chọn cuộc sống, trong một sứ mệnh cụ thể và trong nhiều tình huống hàng ngày”.

Nhấn mạnh rằng “ơn gọi đầu tiên” của mọi người là lời kêu gọi hướng đến sự hạnh phúc, Đức Hồng Y You nói rằng thật sai lầm khi nghĩ rằng những ham muốn của một cá nhân không có vai trò gì.

Qua việc nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Hồng Y You nói, “những dấu chỉ đầu tiên mà chúng ta phải tuân theo chính là những ước muốn của chúng ta, những gì chúng ta cảm nhận trong lòng có thể tốt cho chúng ta và, qua chúng ta, cho thế giới xung quanh chúng ta”.

Đồng thời, Đức Hồng Y You nói, mọi người đều biết những ham muốn của mình đôi khi có thể khiến họ lạc lối “bởi vì những ham muốn của chúng ta không phải lúc nào cũng tương ứng với sự thật về con người chúng ta; có thể xảy ra rằng chúng là kết quả của một tầm nhìn phiến diện, rằng chúng phát sinh từ những tổn thương hoặc sự thất vọng, chúng bị chi phối bởi sự tìm kiếm hạnh phúc ích kỷ của chính chúng ta hoặc, một lần nữa, đôi khi những gì chúng ta gọi là ham muốn thực ra chỉ là những ảo tưởng”.

Vào thời điểm đó, sự phân định là cần thiết, mà theo Đức Hồng Y You, “về cơ bản là nghệ thuật tâm linh để tìm ra, với ân sủng của Thiên Chúa, những gì chúng ta nên lựa chọn trong cuộc sống của mình”.

Cầu nguyện là điều cần thiết cho sự phân định bởi vì “một ơn gọi được nhận ra khi chúng ta đem những ước muốn sâu xa của mình vào cuộc đối thoại với công việc mà ân sủng Thiên Chúa thực hiện trong chúng ta”, Đức Hồng Y You nói. Qua cuộc đối thoại cầu nguyện đó, những đám mây của sự nghi ngờ và thắc mắc dần dần tan biến, và “Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận biết con đường phải đi”.

“Chúng ta không được mạo hiểm nghĩ rằng khía cạnh tâm linh có thể phát triển ngoài khía cạnh con người, do đó gán ân sủng của Thiên Chúa cho một kiểu ‘sức mạnh ma thuật’”, Đức Hồng Y You nói. “Thiên Chúa đã nhập thể và do đó, ơn gọi mà Ngài kêu gọi chúng ta luôn thể hiện trong bản chất con người của chúng ta”.

Đức Hồng Y You cho biết ngài đã dành phần lớn cuộc đời mình cho việc đào tạo Linh mục, và ngài biết rằng ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều Linh mục đang trải qua những khó khăn, thử thách, kiệt sức và đặc biệt là sự cô đơn trầm trọng.

Các Linh mục và những người mà họ phục vụ cần học cách chia sẻ nhiệm vụ và trách nhiệm, Đức Hồng Y You nói, và các Linh mục Giáo phận cần học cách nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau.

Nhưng hơn thế nữa, Đức Hồng Y You nói, “cần có một não trạng mới và những đường hướng đào tạo mới bởi vì một Linh mục thường được đào luyện để trở thành một nhà lãnh đạo đơn độc, một ‘người chịu trách nhiệm duy nhất’, và điều này không tốt cho vị Linh mục đó”.

“Chúng ta nhỏ bé và đầy những hạn chế, nhưng chúng ta là những môn đệ của Thầy Chí Thánh. Được Ngài thúc đẩy, chúng ta có thể làm được nhiều việc. Không phải riêng lẻ đơn độc nhưng cùng với nhau, mang tính hiệp hành”, Đức Hồng Y You nói, đồng thời nhắc nhở độc giả về những điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Các huynh đệ có thể chỉ là những môn đệ thừa sai cùng với nhau mà thôi”.

Minh Tuệ (theo UCA News)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube