Đức Hồng Y Goh của Singapore hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ‘thúc đẩy một cuộc đổi mới’ trong nước

Đức Hồng Y William Goh của Singapore cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Trong nhà của thành phố vào ngày 4 tháng 7 năm 2015 (Ảnh: Tổng Giáo phận Singapore)

Đức Hồng Y William Goh của Singapore cử hành Thánh lễ tại Sân vận động trong nhà của thành phố vào ngày 4 tháng 7 năm 2015 (Ảnh: Tổng Giáo phận Singapore)

Sau thông báo về chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào cuối năm nay, Đức Hồng Y William Goh, Tổng Giám mục của Singapore, đã bày tỏ hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới thị quốc này từ ngày 11 đến 13 tháng 9 “sẽ mang lại lòng nhiệt thành mới cho tất cả mọi tín hữu Công giáo ở Singapore”.

Trong một thông cáo báo chí, Đức Hồng Y Goh khuyến khích người dân Công giáo Singapore hiệp ý cầu nguyện cho chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha. “Chúng ta, với tư cách là một cộng đồng, hãy cầu nguyện cho sức khỏe và sự an toàn của Đức Thánh Cha, đồng thời cầu xin Chúa ban cho chúng ta một chuyến viếng thăm thực sự ý nghĩa và tràn đầy ân sủng”, Đức Hồng Y Goh nói.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ diễn ra 10 năm sau khi Đức Hồng Y Goh vạch ra kế hoạch mục vụ 10 năm của mình cho Giáo hội Công giáo ở Singapore.

Tại một cuộc họp năm 2014 được tổ chức với khoảng 750 đại diện về công việc mục vụ Giáo xứ, Đức Hồng Y Goh tuyên bố rằng Giáo hội có thể tỏ ra sôi nổi vì “có nhiều Thánh lễ được cử hành, có nhiều người được rửa tội và chịu phép thêm sức”, nhưng tuy nhiên, Giáo hội phải đối mặt với những thách thức, bao gồm cả việc suy giảm đức tin của người dân Singapore địa phương.

“Một nửa số người Công giáo đi nhà thờ. Giáo hội tràn ngập lòng biết ơn đối với những người di cư”, Đức Hồng Y Goh nói.

Để giúp các tín hữu Công giáo Singapore chuẩn bị tinh thần “gặp gỡ Chúa Giêsu qua chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô”, Tổng Giáo phận Singapore gần đây cũng đã ra mắt một trang web riêng biệt chứa các lời cầu nguyện, tài liệu trực tuyến và các cập nhật khác về sự xuất hiện của Đức Thánh Cha vào tháng 9.

Trang web này cũng tiết lộ chủ đề gồm ba phần được chọn của Tổng Giáo phận là “Hiệp nhất, Hy vọng và Thập giá” để đánh dấu chuyến Tông du năm 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cho đến nay, có khoảng 395.000 tín hữu Công giáo sống trong nước thuộc các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau. Thánh lễ chủ yếu được cử hành bằng tiếng Anh cũng như bằng tiếng Quan Thoại, tiếng Tamil và các ngôn ngữ Đông Nam Á hoặc châu Âu khác cho cộng đồng địa phương và người nước ngoài.

Mặc dù Giáo hội Công giáo còn tương đối non trẻ và đa dạng, và đang phát triển về số lượng ở một nơi hòa bình về chính trị, nơi luật pháp bắt buộc phải có sự khoan dung tôn giáo đối với các tổ chức và cá nhân, Đức Hồng Y Goh hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thúc đẩy một sự đổi mới và củng cố đức tin, sự hoán cải tâm hồn và tinh thần truyền giáo trong các cộng đồng Công giáo Singapore.

Dominic Nalpon, một sinh viên thần học người Singapore tại Rôma, chia sẻ cảm nhận của Đức Hồng Y Goh rằng các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như số lượng tín hữu Công giáo, không nhất thiết biểu lộ một Giáo hội “đang phát triển nhanh chóng”.

 “Singapore có lẽ là quốc gia phương Tây nhất ở châu Á, bản thân điều này không phải là điều xấu, nhưng chúng tôi cũng là quốc gia giàu có nhất và tôi nghĩ có mối tương quan giữa sự sung túc và sự suy giảm đức tin hoặc tôn giáo”, Nalpon nói. “Tôi nghĩ rằng thách thức là chúng tôi có thể dễ dàng rơi vào những thực hành đức tin bên ngoài nhưng không có mối tương quan bền chặt với Chúa. Tôi thiết nghĩ đó là vấn đề khó khăn nhất”.

Một trong những điểm nổi bật trong chuyến viếng thăm Singapore của Đức Thánh Cha là Thánh lễ dự kiến diễn ra vào ngày 12 tháng 9.

Lần cuối cùng và duy nhất một Giáo hoàng đến thăm Singapore là vào năm 1986 khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dừng chân ở đất nước này trong 5 giờ đồng hồ và cử hành Thánh lễ với hàng nghìn người tại sân vận động quốc gia.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube