Đức Hồng Y Giorgio Marengo: ‘Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô thể hiện tình yêu đối với các vùng ngoại vi’

Đức Hồng Y Giorgio Marengo trong bức ảnh được chụp trong cuộc họp báo tại Vatican, thứ Bảy, ngày 27 tháng 8 năm 2022 (Ảnh: Andrew Medichini/AP)

Đức Hồng Y Giorgio Marengo trong bức ảnh được chụp trong cuộc họp báo tại Vatican, thứ Bảy, ngày 27 tháng 8 năm 2022 (Ảnh: Andrew Medichini/AP)

Trong một loạt video được công bố trước chuyến viếng thăm Mông Cổ của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tuần này, Đức Hồng Y Giorgio Marengo cho biết chuyến Tông du của Đức Thánh Cha thể hiện tình yêu của ngài đối với các vùng ngoại vi và cho phép tiếng nói của một trong những đàn chiên nhỏ bé nhất của Giáo hội được lắng nghe.

“Chúng ta biết Đức Thánh Cha luôn canh cánh trong lòng chiều kích ngoại vi đến mức nào, được hiểu như một trải nghiệm, có lẽ, về sự bên lề, thậm chí là thiểu số, về một đời sống đức tin đương đầu với đa số có những điểm quy chiếu khác”, Đức Hồng Y Marengo cho biết trong phần video cuối cùng, được công bố vào ngày 28 tháng 8.

Được ghi hình đặc biệt cho Fides News, hãng thông tấn truyền giáo Công giáo được thành lập vào năm 1927, chính thức trực thuộc Bộ Truyền giáo của Vatican, video này là một trong 7 video được sản xuất cho loạt phim đặc biệt về chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Mông Cổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Mông Cổ từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9, khiến ngài trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm đất nước này, bất chấp lịch sử quan hệ lâu dài giữa Vatican và nhà nước Mông Cổ có từ thế kỷ 13.

Giáp biên giới với cả Nga và Trung Quốc, Mông Cổ có mối bận tâm địa chính trị lớn khi Vatican tìm cách tăng cường mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc và thu hút các nhà lãnh đạo Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine.

Vatican từ lâu đã có quan hệ thân thiết với cả hai quốc gia, vì vậy chuyến viếng thăm Mông Cổ, chuyến thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng tới khu vực, được coi là một bước quan trọng trong việc xích lại gần hơn với hai gã khổng lồ địa chính trị này.

Bản thân Mông Cổ đã tìm cách đi theo đường lối cân bằng trong việc duy trì quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Nga bất chấp những căng thẳng lịch sử.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề địa chính trị liên quan, Đức Hồng y Marengo cho biết khía cạnh mục vụ của chuyến viếng thăm có tầm quan trọng đặc biệt đối với một số ít người Công giáo trong nước, có số lượng dưới 1.500 người trong tổng dân số khoảng 3,4 triệu người.

“Tôi thiết nghĩ rằng Mông Cổ, theo nghĩa này, đại diện cho một trải nghiệm của việc trở thành người Công giáo trong tình trạng thiểu số, vào những thời điểm bị gạt ra bên lề xã hội, điều có lẽ có thể mang lại cho phần còn lại của Giáo hội món quà về sự tươi mới của một đức tin tự vấn, cho phép bản thân nó bị thực tế chất vấn, không có những sức mạnh hay dấu chỉ bên ngoài to lớn nào để dựa vào, mà dựa vào sự hiện diện sống động của Chúa Kitô phục sinh và vào việc đối thoại, vào việc chăm sóc những người bé mọn”, Đức Hồng y Marengo nói.

Theo nghĩa này, Đức Hồng y Marengo nói, “vùng ngoại vi, nếu chúng ta có thể gọi như vậy, cũng có điều gì đó để nói với phần còn lại của Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Phanxicô từ lâu đã ưu tiên các vùng ngoại vi của thế giới nơi cả các vị Hồng y mà ngài đã bổ nhiệm lẫn trong chuyến Tông du quốc tế của mình, bỏ qua các thủ đô lớn trên thế giới và muốn đến thăm những nơi có các nhóm thiểu số Công giáo nhỏ bé, như Georgia và Azerbaijan, Kazakhstan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain.

Bản thân Đức Cha Marengo, ở tuổi 49, là vị Hồng y trẻ tuổi nhất của Giáo hội Công giáo, đã được nhận chiếc mũ đỏ từ Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 8 năm 2022, đưa Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar và Giáo hội ở Mông Cổ lên bản đồ.

Mặc dù Công giáo đã có dấu chân ở Mông Cổ trong nhiều thế kỷ nhưng gần như đã biến mất trong thời kỳ Cộng sản vào những năm 1900, quyền tự do tôn giáo chỉ quay trở lại vào năm 1992 sau khi Mông Cổ thoát khỏi sự cai trị của Liên Xô và soạn thảo hiến pháp riêng.

Khi tôn giáo nói chung bắt đầu giành lại sự hiện diện của mình trong xã hội Mông Cổ, Giáo hội Công giáo cũng nằm trong số đó, với việc các nhà truyền giáo đặt chân đến đây ngay sau khi Chủ nghĩa Cộng sản chấm dứt.

Ngày nay Mông Cổ có đa số dân theo Phật giáo, với khoảng 53% đất nước chủ yếu theo Phật giáo Tây Tạng. Đạo Shaman, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Do Thái giáo cũng có sự hiện diện bên cạnh Kitô giáo.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng y Marengo cho biết chuyến viếng thăm Mông Cổ của Đức Thánh Cha không chỉ là dấu chỉ cho thấy tình cảm của Đức Phanxicô dành cho những người bị gạt ra bên lề xã hội, mà còn là tình yêu của chính Thiên Chúa dành cho những người nhỏ bé và dễ bị tổn thương.

“Thật thú vị khi thấy Mông Cổ và Giáo hội ở Mông Cổ, nếu các bạn muốn, một mặt có vẻ rất xa xôi, nhưng, và đặc biệt là với sự quan tâm của Đức Thánh Cha, đang ngày càng trở nên gần gũi hơn”, Đức Hồng y Marengo nói.

Chuyến viếng thăm của Đấng kế vị Thánh Phêrô, “người đang quan tâm đến đàn chiên nhỏ bé này, cho chúng ta biết Thiên Chúa quan tâm đến hết thảy mọi người biết bao, thậm chí ngay cả những người sống, về mặt địa lý, ở những khu vực có lẽ ít được biết đến trên thế giới”, Đức Hồng y Marengo nói.

Theo nghĩa này, “một thực tế lâu đời như truyền thống của Giáo hội Công giáo” sẽ phải đối mặt với “sự mới mẻ của một cộng đồng tín hữu nhỏ bé, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng cũng được làm cho trở nên sinh động bởi một niềm hy vọng lớn lao cho tương lai”.

“Chúng tôi hy vọng rằng cuộc hành trình này sẽ thực sự mang lại món quà ân sủng, tình hữu nghị giữa các dân tộc đa dạng nhất, cũng như chứng tá, sự liên đới và hy vọng cho dân tộc Mông Cổ này”, Đức Hồng y Marengo nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube