Đức Hồng y Fernando Filoni ca ngợi Đức Hồng y Joseph Zen là 'một nhân chứng đáng tin cậy cho Chúa Kitô'

Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc của Vatican, trong bức ảnh được chụp vào ngày 2 tháng 6 tại Vatican (Ảnh: CNS / Robert Duncan)

Đức Hồng y Fernando Filoni, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc của Vatican, trong bức ảnh được chụp vào ngày 2 tháng 6 tại Vatican (Ảnh: CNS / Robert Duncan)

Trước khi phiên tòa xét xử Đức Hồng y Joseph Zen chuẩn bị diễn ra ở Hồng Kông, một vị Hồng y có tầm ảnh hưởng đã lên tiếng khen ngợi Đức Hồng y Zen vừa là một công dân Trung Quốc đích thực vừa là một nhân chứng đáng tin cậy cho Chúa Kitô.

Trong một bức thư ngỏ được đăng ngày 23 tháng 9 trên tờ báo tiếng Ý Avvenire, tờ báo chính thức của các Giám mục Ý, Đức Hồng y Fernando Filoni, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cho biết Đức Hồng y Zen “là con người của Thiên Chúa; đôi khi can đảm nói thẳng nói thật, nhưng phục tùng tình yêu của Đức Kitô”.

“Đức Hồng y Zen là một công dân Trung Quốc đích thực. Không ai trong số những người tôi từng quen biết, tôi có thể nói như vậy, thực sự trung thành như ngài”, Đức Hồng y Filoni nói, đồng thời bày tỏ sự xác quyết rằng khi phiên tòa diễn ra, “Đức Hồng Y Zen sẽ không bị kết án”.

“Hồng Kông, Trung Quốc và Giáo hội luôn hiện hữu trong con người của ngài, một người con hết lòng tận tụy không hổ thẹn. Đây chính là minh chứng cho sự thật”, Đức Hồng y Filoni nói.

Đức Hồng Y Zen, 90 tuổi và 5 người khác đã bị bắt giữ vào hồi tháng 5 theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt vì cáo buộc thông đồng với cac thế lực ngoại bang. Họ phải đối mặt với cáo buộc xúi giục nổi loạn.

Cụ thể, họ bị buộc tội không đăng ký Quỹ Nhân đạo 612 hiện đã không còn tồn tại trong khoảng thời gian từ ngày 16 tháng 7 năm 2019 đến ngày 31 tháng 10 năm 2021 với xã hội địa phương. Quỹ mà tất cả họ đều giữ các vị trí lãnh đạo, đã hỗ trợ tài chính và pháp lý cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ, những người đã xuống đường vào năm 2019 để phản đối dự luật gây tranh cãi cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.

Mỗi bị cáo đều không nhận tội sau khi bị bắt vào tháng 5, và bản thân Đức Hồng y Zen đã được tại ngoại ngay sau khi bị bắt giữ vào ngày 11 tháng 5.

Phiên tòa được ấn định bắt đầu vào thứ Hai và bế mạc vào thứ Sáu tuần trước, ngày 23 tháng 9, tuy nhiên, nó đã bị hoãn lại vì chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán thường trực Ada Yim Shun-yee, dương tính với COVID-19.

Theo truyền thông địa phương, phiên tòa đã bắt đầu vào ngày 26 tháng 9.

Đức Hồng y Filoni, 76 tuổi, hiện là Thủ lãnh Dòng Hiệp Sĩ Mộ Thánh và là nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc của Vatican.

Sau khi được thụ phong Linh mục vào năm 1970, ngài làm việc với tư cách là một viên chức tại các Đại sứ quán của Vatican tại Sri Lanka, Iran, Brazil và Philippines, nơi ngài đã được bổ nhiệm làm Đại sứ vào năm 2006, sau 5 năm phục vụ với vai trò Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq và Jordan.

Năm 1992, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cử Đức Hồng y Filoni đến Hồng Kông – khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Anh – để nghiên cứu tình hình của Giáo hội ở Trung Quốc. Chính ở đó, ngài đã gặp Đức Hồng y Zen.

Vào năm 2018, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đạt được một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục, Đức Hồng y Zen đã gọi thỏa thuận này là “việc bán đứng” các Kitô hữu bị đàn áp ở Trung Quốc và là kết quả của “những lời nói dối” được Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, trình bày với Đức Thánh Cha.

Trong lá thư của mình, Đức Hồng y Filoni – một trong số ít cac vị Giám chức Công giáo cho đến nay đã lên tiếng về phiên tòa của Đức Hồng y Zen – đã đề cập đến những nhân vật trong Kinh Thánh đã chết vì nói lên sự thật, bao gồm cả Thánh Gioan Tẩy Giả và chính Chúa Giêsu.

“Trong những ngày này, một phiên tòa khác sẽ diễn ra ở Hồng Kông. Một thành phố mà tôi rất yêu quý vì đã sống ở đó hơn 8 năm”, Đức Hồng y Filoni nói, nhớ lại lần đầu tiên ngài gặp gỡ Đức Hồng y Zen, vị Giám chức người Trung Quốc đang giữ chức vụ Bề trên Giám Tỉnh của Dòng Salêdiêng.

Đức Hồng y Zen, Đức Hồng y Filoni nói, là “một người Trung Quốc hội tụ nhiều phẩm chất. Ngài cực kỳ khôn ngoan, sắc sảo, có nụ cười hút hồn”.

Vào thời điểm đó, Đức Hồng y Zen cũng là một Giáo sư về triết học và luân lý được kính trọng, ngài sử dụng tiếng Ý lưu loát và hiểu rất rõ văn hóa châu Âu, từng theo học tại các trường học ở châu Âu khi còn trẻ. Tuy nhiên, Đức Hồng y Zen không bao giờ quên văn hóa của mình, và “trên thực tế, ngài vẫn là người Trung Quốc”, Đức Hồng y Filoni nói.

Đức Hồng y Filoni đã mô tả Đức Hồng y Zen như một người sống “cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn hóa” và người đánh ngài là “nguyên mẫu của một nền văn hóa giao thoa” gợi nhớ đến các nhà tư tưởng Trung Quốc cổ đại như Từ Quang Khải (Xu Guangqi), hoặc vị Giám mục Dòng Tên Địa phận Thượng Hải, Đức Cha Aloysius Jin Luxian.

Thượng Hải từng là “thành phố của các vị tử đạo”, đồng thời lưu ý rằng nhiều thành viên trong gia đình của Đức Hồng y Zen là nạn nhân của “sự chiếm đóng theo kiểu Đức Quốc xã của người Nhật” và bị buộc phải chạy trốn, bỏ lại tất cả tài sản của họ.

“Chàng trai trẻ Zen chưa bao giờ quên trải nghiệm đó và đúc kết từ đó sự mạch lạc về tính cách và lối sống; và sau đó là tình yêu mạnh mẽ đối với tự do và công lý”, Đức Hồng y Filoni nói. Gọi Thượng Hải cũng là nơi của những vị anh hung, Đức Hồng y Filoni nói, “Đức Hồng Y Zen là một trong những tín hữu cuối cùng của những gia đình đó”.

Đức Hồng y Zen, Đức Hồng y Filoni nói, “nhìn về phía trước và không phán xét người khác: Đó là triết lý sống của ngài; các hệ thống chính trị – ngài nói – có thể bị đánh giá, và suy nghĩ của ngài về chúng rất rõ ràng, nhưng người ta thì không thể; sự phán xét phải để cho Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can mọi người”.

Sự tôn trọng và sự ủng hộ của Đức Hồng y Zen dành cho con người luôn là “trụ cột trong tầm nhìn nhân văn của ngài”, Đức Hồng y Filoni nói. “Cho đến tận bây giờ, ngay cả khi ngài bị đưa ra xét xử trong những ngày này”.

“Sự chính trực về đạo đức và lý tưởng được coi là ở mức cao nhất khi Đức Gioan Phaolô II tấn phong ngài làm Giám mục và Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài làm Hồng y”, Đức Hồng y Filoni nói, đồng thời lưu ý rằng một số người có thể coi Đức Hồng y Zen là người “có tính cách hơi góc cạnh, không mềm mỏng”.

“Và ai lại không như vậy khi đối mặt với những bất công và đòi hỏi tự do mà mọi hệ thống chính trị và dân sự đích thực nên bảo vệ?”, Đức Hồng y Filoni đặt câu hỏi, bày tỏ sự ủng hộ đối với Đức Hồng y Zen và sự xác quyết của ngài vào kết quả của phiên tòa.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube