Đức Hồng y Cupich: Bản cập nhật Tự sắc ‘Vos estis lux mundi’ của ĐTC Phanxicô hướng tới việc đem lại công lý cho các nạn nhân bị lạm dụng

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Đức Hồng y Blase Cupich (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Đức Hồng y Blase Cupich (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, đã hoan nghênh việc Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành phiên bản cập nhật của Tự sắc ‘Vos estis lux mundi’, và đồng thời cho biết rằng điều này khẳng định mong muốn của Giáo hội nhằm loại bỏ tận gốc vấn nạn lạm dụng tình dục và đem lại công lý cho các nạn nhân bị lạm dụng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát hành phiên bản cập nhật của Tự sắc ‘Vos estis lux mundi’ năm 2019, đưa ra các thủ tục cụ thể nhằm điều chỉnh các hành động của Giáo hội nhằm chống lại vấn nạn lạm dụng tình dục.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố văn bản mới hôm thứ Bảy vừa qua. Văn bản này sẽ có hiệu lực vào ngày 30 tháng 4 và thay thế phiên bản được phát hành vào tháng 5 năm 2019.

Trong cuộc phỏng vấn sau đây với Vatican News, Đức Hồng Y Blase Cupich, người Mỹ, đã mô tả một số thay đổi quan trọng đối với văn bản gốc của Tự sắc ‘Vos estis lux mundi’.

Đức Tổng Giám mục Địa phận Chicago, người cũng phục vụ với tư cách là thành viên của lực lượng đặc nhiệm bảo vệ trẻ vị thành niên của Vatican, cho biết tài liệu cập nhật cho thấy mong muốn của Đức Thánh Cha là bảo vệ các nạn nhân bị lạm dụng và trả lại công lý cho họ.

Đâu là những thay đổi quan trọng được thực hiện đối với Tự sắc Vos estis lux mundi nhằm thúc đẩy việc “áp dụng hiệu quả hơn” Tự sắc này gần 4 năm sau khi nó có hiệu lực?

Trước hết tôi nhận xét rằng đây không phải là một tài liệu mới, nhưng đó là sự xác nhận những gì Đức Thánh Cha đã làm trong Tự sắc ban đầu, và nó tận dụng kinh nghiệm của Giáo hội trên khắp thế giới khi các quy tắc của ‘Vos estis lux mundi’ đã được áp dụng.

Vì vậy, tôi thiết nghĩ điều quan trọng là phải nhận ra rằng điều này giờ đây là vĩnh viễn. Nó không phải là để thử nghiệm (ad experimentum). Nó xác nhận những điều Đức Thánh Cha đã thực hiện ban đầu.

Tôi nghĩ rằng một điều khác cần được hiểu ở đây là tài liệu này là kết quả của việc tham khảo rộng rãi và học hỏi từ kinh nghiệm của các Giáo hội khác. Đó là lý do tại sao đã có một số tiến triển; chẳng hạn, việc bổ sung giáo dân vào các hiệp hội giáo dân vốn hiện cũng nằm dưới sự hướng dẫn của Tự sắc ‘Vos estis lux mundi’.

Nó cũng đảm bảo một cách hết sức rõ ràng rằng những người trưởng thành dễ bị tổn thương cũng sẽ bao gồm những người thiếu năng lực trí tuệ và sẽ bị lợi dụng trong những hoàn cảnh như vậy. Tôi thiết nghĩ, bản thân tài liệu phản ánh rằng Giáo hội đã xem xét điều này một cách nghiêm túc và đang học hỏi từ kinh nghiệm của chính mình.

Các quy tắc hiện nay không chỉ áp dụng cho các giáo sĩ và tu sĩ mà còn cho “những anh chị em giáo dân đang hoặc đã từng là người điều hành các đoàn thể giáo dân quốc tế được Tòa Thánh công nhận hoặc thành lập”. Điều này có nghĩa là gì?

Điều đó có nghĩa là chúng ta thừa nhận rằng việc lạm dụng những người vị thành niên hoặc những người lớn dễ bị tổn thương có thể xảy ra trong các tổ chức giáo dân đó. Vì vậy, họ cũng cần phải được bảo vệ.

Vấn đề không phải là chỉ tập trung vào một nhóm người nhất định trong Giáo hội, mà là làm cho các nạn nhân bị lạm dụng trở thành tâm điểm hàng đầu của sự chú ý. Và vì vậy, bất cứ khi nào có hành động nhằm vào một người dễ bị tổn thương hoặc một người trẻ tuổi, Giáo hội sẽ xem xét điều đó một cách nghiêm túc, cho dù đó là hành động của một giáo sĩ hay một giáo dân.

Văn bản cũng chỉ rõ rằng các Giáo phận phải điều hành một “tổ chức hoặc văn phòng” (phiên bản trước nói chung về một “hệ thống ổn định”) mà công chúng có thể dễ dàng tiếp cận để tiếp nhận báo cáo về các trường hợp lạm dụng…

Đúng vậy. Tất nhiên, ở Hoa Kỳ, tất cả các Giáo phận đều đã có những thứ đó. Nhưng trên toàn thế giới thì không phải nơi nào cũng như vậy.

Một lần nữa, học hỏi từ kinh nghiệm của các Giáo hội khác, không chỉ các Giám mục phải hành động trong những trường hợp như vậy, mà còn phải có một cách thức làm cho nó trở nên thân thiện với bất kỳ ai đứng ra xung phong, và đó là thông qua việc thành lập một văn phòng thực tế, một phương tiện hết sức công khai để mọi người có thể tiếp cận trong trường hợp lạm dụng.

Văn bản quy định rằng “nghĩa vụ của Đấng Bản quyền của nơi bị cho là xảy ra các sự kiện phải tiến hành theo quy định của pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể”. Điều gì thay đổi với Tự sắc này?

Tôi thiết nghĩ điều đó chỉ nhấn mạnh lại những gì chúng ta đã thấy trong Tự sắc ‘Vos estis lux mundi’ ban đầu, và đó là Giáo hội ưu tiên hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật địa phương và tuân thủ luật pháp của đất nước. Vì vậy, nếu có các quy trình báo cáo giống như ở đây tại Hoa Kỳ, thì điều đó nhấn mạnh rằng những luật đó phải được tuân thủ.

Đây không chỉ là vấn đề của Giáo hội. Đây không chỉ là vấn đề về tội. Đây là một tội ác. Và nó thừa nhận rằng những tội ác này phải được xét xử bởi cơ quan thực thi pháp luật ở mỗi địa phương.

Những tiến bộ nào—nhờ Tự sắc này—đã đạt được trong những năm gần đây trong cuộc chiến chống vấn nạn lạm dụng trong Giáo hội?

Tôi nghĩ rằng quý vị đã chứng kiến, ít nhất là ở Hoa Kỳ và những nơi khác, vụ bê bối lạm dụng chắc chắn liên quan đến việc xâm phạm những người trẻ tuổi và những người lớn dễ bị tổn thương. Nhưng hành động ô nhục đó đã trở nên trầm trọng hơn do cách thức vô trách nhiệm của một số vị lãnh đạo trong Giáo Hội đã xử lý những vấn đề này.

Và tôi nghĩ rằng tài liệu này là một dấu chỉ rõ ràng rằng Đức Thánh Cha đang nói rằng những người có thẩm quyền trong Giáo hội sẽ phải chịu trách nhiệm về cách thức họ xử lý vụ việc này. Và có những yêu cầu cụ thể mà họ phải tuân theo, nhưng họ cũng được yêu cầu cung cấp các hướng dẫn riêng cho quốc gia của họ vốn cũng liên quan đến các Giáo phận của họ.

Vì vậy, đó là một dấu chỉ rõ ràng rằng Đức Thánh Cha sẽ buộc mọi người phải chịu trách nhiệm, không chỉ những người đã thực hiện hành vi lạm dụng, mà cả những người có thẩm quyền có trách nhiệm xử lý những hành vi đó theo cách thức bảo vệ nạn nhân và mang lại công lý cho các nạn nhân.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube