Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với ông Hêrôđê (23,8-12) được bắt đầu bằng một niềm vui lớn lao của vị tiểu vương xứ Galilê, nhưng lại kết thúc với sự thất vọng đầy tức giận của ông ta và sự sỉ nhục mà ông ta dành cho Đức Giêsu.
Những lời tố cáo chống lại Đức Giêsu, vốn là lý do của việc Người bị dẫn độ sang Hêrôđê và vốn là những điều mà các thành viên Thượng Hội Đồng khăng khăng cáo buộc, lại là những điều vị tiểu vương cai trị vùng Galilê hoàn toàn chẳng hay biết gì. Điều đó là yếu tố chứng tỏ một cách rất rõ ràng rằng kết luận của Philatô là chính xác, và là nền tảng cho lời tuyên bố thứ ba của ông Philatô về sự vô tội của Đức Giêsu (23,15).
Lc 23 8Thấy Đức Giêsu, Hêrôđê rất đỗi mừng rỡ, vì từ lâu rồi, ông đã muốn gặp mặt Ngài, bởi đã nghe đồn về Ngài; và ông cũng trông được thấy Ngài làm một phép lạ nào đó. 9Ông huyên thuyên hỏi Ngài, nhưng Ngài không đáp lại với ông lời nào. 10Còn các thượng tế và kinh sư đứng đó thì gắng gổ cáo tội Ngài. 11Hêrôđê cùng quân binh của ông khinh bỉ và chế diễu Ngài, rồi khoác cho Ngài một cái áo bóng láng mà chuyển tống Ngài lại cho Philatô. 12Ngày hôm ấy, Hêrôđê và Philatô đã làm thân với nhau, vì trước kia hai ông đã từng hằn thù nhau.
Khi Đức Giêsu được dẫn đến Hêrôđê, phản ứng đầu tiên của ông này là một sự vui mừng lớn lao quá đỗi (lần duy nhất xuất hiện từ “lian” [quá đỗi] trong Lc; hình như một trong những đặc trưng của Đức Giêsu trong cuộc thương khó là Ngài luôn gây ra những ấn tượng và xúc động mạnh nơi những người gặp Ngài, xem Mt 27,14). Ngoại trừ ở 22,5 (niềm vui của các thượng tế và các lãnh binh đền thờ vì giao kèo đã thoả thuận với Giuđa), sự vui mừng của Hêrôđê là sự vui mừng duy nhất trong trình thuật khổ nạn. Lý do của sự vui mừng quá đỗi này là sự kiện vua Hêrôđê tràn đầy hy vọng rằng cuối cùng ông cũng sẽ được thoả mãn một ao ước ông đã có từ rất lâu, là được xem Đức Giêsu làm phép lạ.
Ao ước này của ông Hêrôđê có hai tính chất được tác giả tin mừng nhấn mạnh: dài lâu và mãnh liệt. Ước ao liên tục và mãnh liệt được gặp Đức Giêsu của ông Hêrôđê có lý do là vì ông đã nhiều lần được nghe nói về Người. Sự kiện ông Hêrôđê nghe nói về Đức Giêsu và ao ước gặp Người đã được kể một cách rõ ràng trong Lc 9,7-9. Ở đó, ông đã có một sự hiểu biết kha khá về những hoạt động của Đức Giêsu, vẫn luôn là do người ta nói lại, và ý định gặp Đức Giêsu là hậu quả của những thông tin mà ông đã nhận được liên quan đến hoạt động của Người (câu 9: và ông tìm cách giáp mặt Ngài).
Khác hẳn so với Philatô, đối với Hêrôđê, Đức Giêsu không phải là một nhân vật mà ông không hề biết gì, nhưng trái lại, liên quan đến Người, ông đã thu thập được nhiều thông tin và ông vẫn nuôi ước vọng được giáp mặt ít là một lần trong đời. Ước vọng mạnh mẽ ấy đã lập tức được đánh thức khi Đức Giêsu bị dẫn độ đến trước mặt ông. Không phải là chuyện mơ nữa, mà là chuyện thật rồi!
Thái độ của ông Hêrôđê bộc lộ quan niệm của ông về Đức Giêsu. Ông không hề thấy nơi Ngài dáng dấp một nhà hoạt động chống đối về phương diện chính trị, cũng chẳng hề quan tâm đến giáo huấn của Ngài (ngược với 23,5), nhưng trái lại, ông có một ấn tượng đặc biệt về những công việc của Ngài và ông thấy Ngài như một người chuyên làm những sự lạ cả thể.
Ông đã biết rất nhiều thông tin về Đức Giêsu, vì vậy, ông chẳng muốn nghe thêm gì nữa về Ngài, nhưng chỉ muốn xem coi cuối cùng ra, Ngài sẽ có thể làm gì. Ông hoàn toàn chú tâm vào Đức Giêsu và chỉ mong mau được gặp Ngài.
Bây giờ ông đã được gặp Đức Giêsu bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt mình, được thoả mãn ước vọng đã có từ lâu. Sự kiện đó khiến ông vui sướng quá đỗi.
Về thái độ của ông Hêrôđê khi gặp Đức Giêsu, Lc 23,9 viết: ‘ông huyên thuyên hỏi Ngài’. Động từ “eperôtaein” (Mt: 8 lần, Mc: 25 lần, Lc: 17 lần), ở tất cả các lần xuất hiện khác trong Lc, đều có nghĩa là “hỏi”. Ở trường hợp này, nội dung câu hỏi của ông Hêrôđê không được trình bày, nhưng căn cứ theo ngữ cảnh (câu 8: ông mong được thấy Ngài làm một vài phép lạ), nội dung đó có lẽ liên quan trước hết đến việc làm phép lạ của Đức Giêsu. Vì vậy, “ eperôtaein” trong 23,9 diễn tả lời yêu cầu những câu trả lời không chỉ bằng ngôn từ, mà còn bằng những hành động làm phép lạ nữa, và do đó, ý nghĩa của động từ này trong 23,9 có lẽ không chỉ là “hỏi”, mà còn là “đòi hỏi, yêu cầu”.
Số lượng những lời yêu cầu và đòi hỏi đó của ông Hêrôđê chắc phải nhiều lắm (ông huyên thuyên), tương ứng với độ dài thời gian ông ao ước được gặp Ngài:
23,8: từ rất lâu
23,9: trong nhiều điều
Đức Giêsu không có bất cứ phản ứng nào trước những yêu cầu của ông Hêrôđê. Lần đầu tiên trong trình thuật khổ nạn theo Luca, Đức Giêsu từ chối trả lời, sự từ chối được nói đến trong Mt 26,62 ; 27,12.14 và Mc 14,60t ; 15,4t như là một thái độ đặc trưng của Đức Giêsu trước toà án Do Thái cũng như trước toà án Philatô.
Đức Giêsu, trong thực tế, đang nằm trong tay những kẻ thù ghét Ngài, và đang là một bị cáo phải thụ động chịu xét xử, nhưng Ngài vẫn là người quyết định khi nào Ngài sẽ trả lời, khi nào Ngài sẽ lên tiếng.
Trước đây, trong cuộc đời hoạt động công khai, Đức Giêsu đã không bao giờ chấp nhận bất cứ lời yêu cầu làm phép lạ hay dấu lạ nào, nhưng Ngài cũng đã thẳng thừng lên tiếng từ chối chứ không im lặng như trong trường hợp này (xem 11,16tt.29tt). Đức Giêsu, như vậy, đã quyết định không tham gia bất cứ cuộc đối thoại nào với ông Hêrôđê, tức là đã quyết định hành xử như không hề biết gì đến ông ta.
Trong 23,10 tác giả Luca cho thấy rõ là các thành viên Thượng Hội Đồng đã theo Đức Giêsu đến dinh Hêrôđê, và kể rằng trước mặt tiểu vương, họ gắng gổ và liên tục cáo tội Ngài.
Ông Hêrôđê đã không hề đếm xỉa gì đến tất cả những lời cáo tội ấy. Ông có vẻ như chẳng hề bận tâm xem xét những lời tố cáo chống lại bị cáo đang đứng trước mặt ông: ông nắm rõ tình hình, ông biết phải lượng giá tình hình như thế nào.
Tác giả tin mừng đã cố ý không ghi lại bất cứ lời nào trong số những lời được phát ngôn trong cảnh Hêrôđê gặp Đức Giêsu, cho dù ông nhấn mạnh rằng có rất nhiều điều đã được nói ra ở đó. Ông Hêrôđê thì huyên thuyên yêu cầu Đức Giêsu. Các thành viên Thượng Hội Đồng thì gắng gổ và liên tục cáo tội Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu lại như không hề biết đến sự hiện diện và những lời yêu cầu huyên thuyên của ông Hêrôđê, còn chính Hêrôđê thì lại chẳng thèm đếm xỉa gì đến những lời tố cáo của các thành viên Thượng Hội Đồng. Rõ ràng là không có chút truyền thông nào, không có bất cứ sự giao tiếp nào trong khung cảnh này, cho dù người ta nói rất nhiều!
Theo 23,11 ông Hêrôđê diễn tả cách đánh giá của ông về Đức Giêsu bằng cách thực hiện một hành động mang tính biểu tượng và gửi trả Ngài lại cho ông Philatô. Sự thất vọng và bực tức của ông Hêrôđê được biểu lộ trong sự chế nhạo mà ông dành cho Đức Giêsu. Cùng với quân lính, ông diễn tả sự khinh thường đối với Đức Giêsu và ông nhạo báng Ngài. Tác giả tin mừng dùng động từ exouthenein (khinh bỉ, coi là chẳng có giá trị gì; x. Mc 9,12; Lc 18,9; Cv 4,11) và động từ empaizein (chế giễu, x. Lc 18,32; 22,63; 23,11.36, tức là từ lời tiên báo khổ nạn lần thứ ba cho đến tận thập giá).
Trong thái độ và cách hành xử đối với Đức Giêsu, có một sự khác biệt quan trọng và rất đáng chú ý giữa ông Philatô và ông Hêrôđê. Hêrôđê tham gia vào những trò nhạo báng và những lời lăng mạ của đám lính (luôn luôn là đám lính chế nhạo Đức Giêsu trong 22,63t; 23,11.36), đang khi ông Philatô lại luôn giữ một thái độ đàng hoàng.
Chiếc áo bóng láng mà ông Hêrôđê truyền mặc cho Đức Giêsu có 2 chức năng: (1) cho thấy một cách rõ ràng tính chất mà ông ta muốn gán cho Đức Giêsu, và (2) là một lời chế nhạo thậm tệ và kéo dài. Khi mang chiếc áo ấy trên người là Đức Giêsu phải luôn mang trên mình một sự nhạo báng liên quan đến chính bản vị của Ngài.
Hạn từ “cái áo bóng láng” cũng được dùng ở Cv 10,30 (như y phục của một vị thiên thần) và trong Gc 2,2t. Chiếc áo là hình thức diễn tả tình trạng của một con người. Trong Gc 2,2t ta có thể thấy rất rõ mối liên hệ giữa áo mặc với bản thân người mặc áo và thái độ cư xử tương ứng mà người ta dành cho con người đó.
Chiếc áo bóng láng mà Đức Giêsu phải mang trên người cũng đồng thời là một sự trả thù của Hêrôđê đối với Đức Giêsu. Đó là một cách diễn tả đối với chính Đức Giêsu lời nhận xét của ông ta về phẩm giá của Ngài, rằng Ngài không phải là kẻ đáng được để tâm đến, nếu người ta không muốn gán cho Ngài vai trò của một tên hề mua vui cách lố bịch.
Nhưng đồng thời, bắt Đức Giêsu mặc chiếc áo bóng láng đó và trả Ngài về cho ông Philatô, cũng là cách ông Hêrôđê nêu ý kiến của mình với vị tổng trấn Rôma liên quan đến vụ án Đức Giêsu, theo đó, ông cho rằng Đức Giêsu không phải là một nhà hoạt động chính trị mà chỉ là một anh hề không hơn không kém. Động từ anapempein (chuyển tống, giải) (trong Lc 23,6.11.15; Cv 25,21; Plm 11) luôn được sử dụng để chỉ sự chuyển một bị cáo, một phạm nhân đến người có thẩm quyền liên hệ.
Kết quả của việc chuyển bị cáo từ ông Philatô sang cho ông Hêrôđê và một lần nữa từ ông Hêrôđê sang cho ông Philatô, là sự làm hoà giữa quan tổng trấn Rôma và vị tiểu vương. Hêrôđê đã nhận từ Philatô một sự công nhận quyền bính của ông xét như là một vị tiểu vương. Ông Philatô đã nhận được ý kiến của ông Hêrôđê về Đức Giêsu, ý kiến của một người có hiểu biết về tình hình Galilê và có khả năng giải thích những vấn đề của tình hình ấy, như được nói đến ở 23,15.