Bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm A (Ga 11,1-45) tường thuật dấu lạ Đức Giêsu làm cho anh Ladarô sống lại. Câu chuyện diễn tiến trong khung cảnh một cộng đoàn các đồ đệ của Đức Giêsu. Ngoài các đồ đệ đang cùng đi với Đức Giêsu, có ba nhân vật tạo thành nhóm đồ đệ trong câu chuyện: anh Ladarô, cô Marta và cô Maria. Mỗi nhân vật này đều là kiểu mẫu của cộng đoàn dưới các khía cạnh khác nhau.
Có thể chia bài Tin Mừng hôm nay thành bốn phần.
(1) Đức Giêsu và các môn đệ (cc.1-17)
Phần này muốn làm nổi bật mối ưu tư trước cái chết và lòng tin còn khiếm khuyết của các đồ đệ. Các đồ đệ chưa hiểu đúng về sự sống vĩnh cửu, cho dù họ đã tin vào sự sống đó. Vì thế, họ hoang mang lo sợ và buồn bã đau thương trước viễn ảnh sự chết. Sự thiếu hiểu biết này được đặt song song với sự không hiểu đúng về sứ mạng và tư cách Mêsia của Đức Giêsu. Quả thật, các đồ đệ không hiểu đúng về quyền năng của Đấng Mêsia, vì họ vẫn còn bị cột chặt vào tâm thức và cách suy nghĩ của Cựu Ước.
“Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Marta và Maria” (c.1). Tình trạng đau nặng của anh Ladarô là một thực tại thuộc về thân phận con người, thân phận phải chết về phương diện thể lý. Nhưng đồng thời, đó cũng là tình trạng gây nên một nỗi sợ hãi lớn lao: nỗi sợ chết. Nỗi sợ hãi này chứng tỏ rõ ràng tính cách nô lệ của con người và là bằng chứng về tình trạng nô lệ bi đát mà Đức Giêsu muốn giải thoát chúng ta ra khỏi. Nơi anh Ladarô, công trình của Đức Giêsu đối với nhân loại khốn khổ được trình bày rõ ràng, khi Ngài cho chúng ta thấy thế nào là quyền năng và sức mạnh của sự sống mà Ngài mang lại cho con người. Sự sống đó vượt thắng sự chết, và do đó, là chính sự phục sinh.
Các đồ đệ chưa hiểu hết phẩm chất đích thực của sự sống mà Chúa Giêsu mang lại cho họ. Lòng tin của họ còn khiếm khuyết, và họ lo âu khi đối diện với cái chết. Cả hai điều đó đều lộ rõ trước tình trạng bệnh nặng của một thành viên của cộng đoàn là anh Ladarô, và lộ rõ trong nỗi sợ sẽ có thể bị tước mất mạng sống của các môn đệ cùng đi với Đức Giêsu trở lại miền Giuđê. Họ không hiểu rằng thực ra, sự chết không đủ sức làm đứt đoạn sự sống đích thật và vĩnh cửu. Đức Giêsu không xóa bỏ sự chết thể lý, nhưng, đối với những ai đón nhận sự sống từ nơi Ngài, thì cái chết thể lý chỉ là một giấc ngủ.
(2) Đức Giêsu và cô Marta (cc.18-27)
Phần này trình bày tình cảnh của cộng đoàn được biểu tượng bằng hình ảnh ba chị em Marta, Maria và Ladarô. Đó là một nhóm các đồ đệ vẫn đang còn gắn kết với thiết chế và não trạng Do Thái giáo. Từ mối liên hệ ấy nảy sinh những quan niệm sai lầm về sự chết và sự phục sinh, và về công trình của Đấng Mêsia.
Trong cuộc đối thoại với cô Marta, một nhân vật biểu tượng cho cộng đoàn đó, Đức Giêsu điều chỉnh các quan niệm sai lầm kia và làm cho cộng đoàn hiểu biết đúng đắn về con người và sứ mạng của Ngài, bằng cách đưa dẫn cô Maria/cộng đoàn đến lòng tin đầy đủ của các đồ đệ Ngài (x. 11,15). Trong bối cảnh của cái chết, Đức Giêsu tự trình bày về mình là sự phục sinh và là sự sống. “Đức Giêsu phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (cc.25-26). Trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, con người được sinh ra không phải là để cho sự chết, nhưng là để cho sự sống viên mãn và vĩnh cửu, tức là sự sống của chính Thiên Chúa và do Người ân ban. Đó là chương trình của Cha và là công trình Mêsia của Đức Giêsu. Với Đức Giêsu, giai đoạn tối hậu và quyết định của chương trình sáng tạo đã điểm. Đối với những ai đã đón nhận Thần Khí Thiên Chúa, sự sống không chấm dứt, cái chết chỉ là một sự cần thiết về phương diện thể lý mà thôi. Đó là lòng tin Kitô giáo và là thực tại đã có rồi nơi những ai thuộc về Đức Giêsu.
(3) Đức Giêsu và cô Maria (cc. 28-38a)
Đức Giêsu gặp cô Maria, giống như Ngài đã gặp cô Marta ở phần trước. Cô Maria là hình ảnh của cộng đoàn đang đau đớn vì bị sự chết tấn công. “Khi đến gần Đức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến” (cc.32-33).
Một điểm đặc biệt của phần này là sự khác biệt giữa một bên là nỗi đau vật vã trong vô vọng của cô Maria, tương tự nỗi đau của những người Do Thái không tin vào Đức Giêsu, và bên kia là sự thổn thức đến rơi lệ của Đức Giêsu. “Người thổn thức trong lòng và xao xuyến” (c.33). “Người khóc” (c.35). “Người lại thổn thức trong lòng” (c.38). Thực ra, Đức Giêsu liên đới sâu xa với nỗi đau, chứ không phải với sự tuyệt vọng. Sự thổn thức của Đức Giêsu, đàng khác, diễn tả tình yêu của Ngài đối với con người, tình yêu dành cho bạn hữu chân thành, xuất phát từ sự chia sẻ cùng một thân phận con người. Quả thực, sự thổn thức đó sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Đức Giêsu chỉ dùng lại ở chỗ chia sẻ với anh Ladarô sự sống thể lý và thế tạm này.
Nhưng điểm nhấn của phần này không phải là ở tâm tình thổn thức của Đức Giêsu mà là ở lời mời gọi cộng đoàn đi ra khỏi ngôi nhà đau thương vô vọng. “Cô Marta đi gọi em là Maria, và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!” (c.28). Cộng đoàn Kitô hữu mà cô Maria là hình ảnh biểu tượng vẫn còn đang thương đau vì sự chết thể lý vừa xảy đến trong cộng đoàn. Họ ở trong bầu khí tang tóc. Họ vẫn chưa tách mình độc lập khỏi quan niệm xưa cũ về sự chết và vẫn diễn tả nỗi đau đớn của mình chẳng khác gì những người không hề biết đến sự sống vĩnh cửu và đích thực. Đức Giêsu muốn họ đi ra khỏi tình trạng vô vọng đó.
(4) Đức Giêsu và anh Ladarô (cc.38b-45)
Phần này là đỉnh điểm của câu chuyện. Phiến đá lấp cửa mồ đã bốn ngày, đó là bằng chứng của sự không thể thay đổi của tình trạng người chết. Cái chết đã đóng ấn chắc chắn trên thân phận con người. Nhưng xảy đến một sự đối nghịch gay gắt giữa một bên là cái chết đó với bên kia là sự sống mà Đức Giêsu mang đến, sự sống chiến thắng cái chết. “Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi” (cc.43-44). Đức Giêsu đem những kẻ thuộc về Người đến chỗ nhìn thấy thực tại sự sống, là thực tại vừa biểu lộ cho họ tình yêu của Thiên Chúa vừa giải thoát họ khỏi nỗi sợ căn bản của phận người.
Sứ điệp chính yếu mà bài Tin Mừng hôm nay muốn nói là: sự sống mà Đức Giêsu thông ban cho các đồ đệ trong Thánh Thần sẽ chiến thắng sự chết, và do vậy, mang nơi mình sức mạnh phục sinh.
Chương trình của Thiên Chúa về con người, chương trình mà Đức Giêsu thực hiện, là sự thông ban sự sống cho con người. Sự sống đó làm thay đổi một cách triệt để và mạnh mẽ sự sống mà con người vẫn có từ xưa đến nay. Đó là sự sống vĩnh cửu, vượt thắng hoàn toàn sự chết. Sự chết là thực tại tiếp nối một thực tại sinh học, nhưng sẽ không phải là thực tại thống trị chung cục. Tiếng nói tối hậu không phải là của sự chết, mà là của sự sống. Chương trình sáng tạo của Thiên Chúa sẽ đạt đến đỉnh điểm trong thực tại sự sống vĩnh cửu và đích thực. Đức Giêsu mời gọi các đồ đệ của Ngài thẩm thấu thực tại đó của tình yêu Thiên Chúa và dấn thân đi vào thực tại đó. Ngài mời gọi họ tin tưởng vào lời của Ngài, cất đi phiến đá là dấu hiệu chiến thắng của sự chết, và rũ bỏ những ràng buộc của các quan niệm xưa cũ về sự chết.
Sự chết, xét như sự kết thúc cuộc sống con người, chính là điểm kinh khủng và đen tối nhất của sự yếu đuối phận người, điểm gộp tóm tất cả những yếu đuối và bi đát khác của thân phận con người. Nhưng Đức Giêsu giải thoát con người khỏi cái chết và khỏi nỗi sợ hãi cái chết. Ngài đem đến cho con người tự do và sự sống đích thực. Đó chính là một trong những điểm nhấn quan trọng của sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Giuse Nguyễn Thể Hiện C.Ss.R.