Tác giả Luca trình bày Đức Giêsu khởi sự việc rao giảng công khai ở Galilê trong trình thuật Ngài viết thăm Nadarét (Lc 4,16-30).
Đây là một đoạn quan trọng trong tin mừng của Luca. Cần phải đọc đoạn văn này trong liên kết lời tiên tri của cụ Simêon trong trình thuật về thời thơ ấu (Lc 2,34); bên cạnh đó, đoạn văn này cũng tiên báo toàn bộ sứ vụ hoạt động của Đức Giêsu.
Quả thật, Lc 4,16-30 là một đoạn văn quan trọng, nền tảng và là “chìa khóa” giúp chúng ta hiểu những phần trước cũng như những phần sau của Tin Mừng Lc. Nói cách khác, trong những chương đầu tiên, Lc cho thấy những người nghèo đang khát khao, đợi chờ Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa; giờ đây họ thật sự được đón nhận Tin Mừng Cứu Độ ấy một cách cụ thể nơi một con người là Đức Giêsu; và trong những chương tiếp theo, Lc sẽ trình bày Đức Giêsu thực thi sứ mạng của Ngài một cách trọn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng trong thân phận con người.
Khác với các sách khác trong Nhất Lãm (xem Mc 6,1-6a; Mt 13,53-58), Lc đặt cuộc viếng thăm Nadarét của Đức Giêsu ở đầu sứ vụ rao giảng công khai của Người. Có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Tin Mừng cho người nghèo trong sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu.[1]
Đoạn văn được xây dựng theo cấu trúc quy tâm:[2]
A Và Người đứng lên đọc
B Họ trao cho Người cuốn sách
C Người mở sách
Is 61,1a.b.d; 58,6d; 61,2c
C’ Người cuộn sách lại
B’ Người trả lại cho người giúp việc
A’ Và ngồi xuống
Rõ ràng những đoạn trích ngôn sứ Isaia được đặt ở vị trí trung tâm của đoạn văn. Điều đáng chú ý là cách thức Lc trích dẫn bản văn Isaia để làm nổi bật những nét chính yếu trong lời công bố Tin Mừng của Đức Giêsu.
Phân tích một vài điểm:[3]
Câu 16: “Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh”.
Nơi Người đã được dưỡng dục: lời này ám chỉ 2,51-52 và báo trước 4,24.
Đứng lên đọc Sách Thánh: Lc trình bày một trường hợp cụ thể cho thấy giáo huấn của Đức Giêsu dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Ta có thể hiểu ngầm rằng Đức Giêsu đã được ông trưởng hội đường mời đọc và trình bày một bản văn Kinh Thánh.
Câu 17: “Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng”
Mở cuộn sách ngôn sứ Isaia: Đức Giêsu được yêu cầu đọc đoạn sách Ngôn sứ bằng tiếng Hipri. Ở đây, tác giả không đề cập tới bản Targum, bản dịch Hipri ra tiếng Aram của đoạn trích, nhưng giả thiết là có, vì vào lúc ấy, người Do Thái dùng tiếng Aram chứ không còn hiểu tiếng Hipri nữa. Sự kiện người ta “trao cho” Đức Giêsu cuộn sách Isaia cho phép hiểu rằng có quy định phải đọc một đoạn văn Isaia, tức là có một chu kỳ đọc các Ngôn sứ, cũng giống như chu kỳ đọc tôrāh.
Câu 18: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức”
Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi: Trích từ sách ngôn sứ Isaia II. Lc tổng hợp Is 61,1a.b.d; 58,6d; 61,2a; nhưng lược bỏ hai câu: 61,1c (“băng bó những tâm hồn tan nát”), và 61,2b (“một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta”). Bỏ Is 61,1c thì không có hậu quả gì đáng kể, nhưng bỏ Is 61,2b là cố tình bỏ đi một phương diện tiêu cực của sứ điệp Isaia II.
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi: Vũ Phan Long hiểu rằng bản văn có ý nói chính Thiên Chúa đã cử Thánh Thần xuống trên Đấng Mêsia như một chất dầu xức cho Đấng Mêssia, hầu Người lên đường thi hành sứ mạng cứu thế; trong khi đó, Fitzmyer cho rằng cần đọc bản văn trong liên hệ với phép dìm ở 3,22 (x. Cv 10,38). Cho nên việc xức dầu tấn phong ở đây cần phải hiểu như xức dầu cho một Ngôn sứ.
Để tôi loan báo Tin Mừng: Bản văn Hylạp không rõ ràng, không biết “để loan báo Tin Mừng” được nối với “Chúa đã xức dầu” hay là “Người đã sai tôi”.
Cho người nghèo. Ngôn sứ Isaia II đã công bố niềm an ủi của Sion cho những nhóm khác nhau trong cộng đoàn Giêrusalem sau thời hậu lưu đầy. Đối với Lc, nhóm thứ nhất là người nghèo.
Cho kẻ giam cầm biết họ được tha: Trong sứ vụ của Đức Giêsu, nhóm thứ hai Lc quan tâm là những người bị giam cầm. Văn chương Qumran hiểu Is 61,1 trong liên kết với Lv 25,10-13 và Đnl 15,2: lệnh “ân xá” của năm toàn xá (dùng cho những người mắc nợ).
Cho người mù biết họ được sáng mắt: Đây là nhóm thứ ba trong lời trích dẫn của Isaia II. Họ là những người bất hạnh. Lời này sẽ được nhắc đến một lần nữa ở 7,22. Người mù ở đây rõ ràng được hiểu theo nghĩa thể lý (xem 18,35-43; Cv 9,18-19), nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa ẩn dụ: đó là những người được đón nhận mạc khải, được kinh nghiệm ơn cứu độ và được ở trong gia đình của Thiên Chúa (1,78-79; 2,9.29-32; 3,6).
Trả lại tự do cho người bị áp bức: Nhóm thứ tư này được mô tả bởi đoạn trích bắt nguồn từ Is 58,6d, theo bản LXX. Ít nhất trong Lc có ba cách hiểu hạn từ “giải thoát”.
- Hạn từ này thường được hiểu như “tha thứ”, “giải thoát khỏi tội”, “tha thứ tội lỗi” (Lc 1,77; 3,3; 4,18; 24,47; Cv 2,38; 5,31; 10,43; 13,38; 26,18; Lc 5,20.21.23.24; 7,47.48.49; 11,4; 12,10; 17,3-4; 23,34; Cv 8,22).
- Cách hiểu thứ hai: giải thoát khỏi quyền lực satan (Lc 13,10-17; Cv 10,38).
- Cách hiểu thứ ba: giải thoát khỏi nợ nần, áp bức (Lc 11,4; xem thêm Lv 25).
Câu 19: “công bố một năm hồng ân của Chúa”
Công bố một năm hồng ân của Đức Chúa: Trích dẫn Is 61,2a, theo bản văn LXX. Ngôn sứ Isaia đã mô tả thời kỳ cứu độ và giải thoát dành cho Sion, và Lc trích dẫn lại để công bố rằng một kỷ nguyên cứu độ mới đã đến trong Đức Giêsu. Đây là hình thức kerygma – lời rao giảng tiên khởi – trong Tin Mừng Lc.
Câu 21: “Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe””
Hôm nay: là thời điểm Đức Giêsu đến khai mạc một kỷ nguyên mới đã được ngôn sứ Isaia báo trước. Lc hay dùng hạn từ này để chỉ những chặng mới trong kỷ nguyên cứu độ (2,11; 5,26; 13,32-33; 19,5.9; 23,43)[4]. Đồng thời, Lc sử dụng hạn từ này để ám chỉ rằng sau một thời gian chờ đợi và hy vọng, lịch sử cứu độ đã tới đỉnh cao hoàn tất. Tất cả những gì các ngôn sứ nói đã thành sự trong các hành động và lời nói của Đức Giêsu (4,18-19; 5,26; 19,9).
Đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Tương ứng với kiểu nói “thời kỳ đã mãn” của Mc 1,15. Lời hứa của Thiên Chúa qua lời Ngôn sứ Isaia II ban niềm an ủi cho Sion giờ đây được hiện hữu trong một ý nghĩa mới, trong một cách thế mới.
Vấn đề là, người nghèo được đề cập ở câu 18c thuộc dạng người nghèo nào?
Một số học giả xác định người nghèo được nói đến ở c.18 là những nghèo trong tinh thần.
Một số học giả khác lại cho rằng đó là những người nghèo về phương diện vật chất và xã hội mà thôi.
Phần lớn các học giả hiện nay cho rằng: sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu công bố cho người nghèo bao hàm cả người nghèo về tinh thần lẫn vật chất và xã hội. Nhưng khía cạnh nghèo về vật chất và xã hội được nhấn mạnh một cách đặc biệt hơn, vì trong những phần còn lại của Tin Mừng Lc, đặc biệt ở Lc 6,20-26, Đức Giêsu công bố người nghèo thật sự là người có phúc.[5]
Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.
Chú thích:
[1] Joseph A. Fitzmyer. The Gospel According to Luke Ι-ΙΧ. Vol. 28 in The Anchor Bible. 44 vols. Garden City, NY: Doubleday & Co., Inc., 1981, 526-530; Joel B. Green. The Gospel of Luke, 197-219; Luke Timothy Johnson. The Gospel of Luke in Sacra Pagina Series Vol. 3. Ed. Daniel J. Harrington Minnesota: A Michael Glazier Book published by The Liturgical Press, Collegeville. 1991, 80-82; John. Nolland. Luke 1 – 9,20. Vol. 35Α in the Word Biblical Commentary. 52 vols. Dallas, TX: Word Books Publisher, 1989.
[2] Herman HendrickX. A key to the Gospel of Luke. Quezon: Claretian Publications, Second Printing, April, 1993, 17.
[3] Phần này được viết dựa theo quan điểm của Giáo sư Fitzmyer. The Gospel According to Luke Ι-ΙΧ, 530-539; và có tham khảo thêm một số tác giả khác như: Herman HendrickX. A key to the Gospel of Luke, 8-52; Joel B. Green. The Gospel of Luke, 206-219; Vũ Phan Long. Các Bài Tin Mừng Luca Dùng Trong Phụng Vụ. Trung Tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2006, 94-96.
[4] Nhóm PDCGKPV. Kinh Thánh Tân Ước. Hànội: nxb. Tôn giáo, 2008, phần chú thích, 285-286.
[5] Muốn hiểu rõ hơn vấn đề này, xem: Fitzmyer. The Gospel According to Luke Ι-ΙΧ, 248.532; Herman HendrickX. A key to The Gospel of Luke, 35; Joel B. Green. The Gospel of Luke, 210-211; Joel B. Green.New Testament Theology, 79-84; Philip F. Esler, Community and Gospel in Luke-Acts: The Social and Political Motivation of Lucan Theology. Society for New Testament Studies Monograph Series 57. New York: Cambridge University Press, 1987, 180-183; Walter Ε. Pilgrim. Sđd, 67-72; Theodore W. Jennings. Good News to the Poor: John Wesley’s Evangelical Economics. Nashville: Abingdon Press, 1990; Μ. V. Abraham. Good News to The Poor in Luke’s Gospel. Bangalore Theological Forum 19.1 (Jan-Apr, 1987), 1-13; Tom Houston. Good News for the Poor. Transformation 7.1 (1990), 3-8; Hans Kvalbein. Jesus and The Poor: Two Texts and A Tentative Conclusion. Themelios 12 (1987), 80-87; Leopold Sabourin. Evangelize The Poor (Luke 4,18). Religious Studies Bulletin 1.4 (Sept, 1981), 101-109; M. Shoemaker. Good News to The Poor in Luke’s Gospel. Wesleyan Theological Journal 27 (1992), 181-205.