Ba năm kể từ ngày lên ngôi Giáo hoàng (13/3/2013), ngoài những nỗ lực nhằm đưa ra những giải pháp canh tân giáo triều, cũng cố đời sống đức tin của các tín hữu, một trong những vấn đề xã hội được Đức Thánh cha Phanxicô đặc biệt quan tâm là vấn đề tham nhũng.
Theo Đức Thánh cha:“Tham nhũng không chỉ có trong chính trị, mà nó tồn tại trong mọi tổ chức, ngay cả trong Vatican!” (Bài nói chuyện trước 70 ngàn bạn trẻ Kenya tại sân vận động Karasami ở Nairobi, ngày 27/11/2015). Đó là một tội ác nghiêm trọng kêu vang thấu trời, vì nó hủy hoại nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội:
“Tham nhũng cướp đi mất niềm hy vọng vào tương lai của con người, vì trong sự tàn nhẫn và trong sự thèm muốn của mình, nó hủy hoại những kế hoạch tương lai của những người yếu đuối, và nghiền nát những người nghèo. Đó là một tội ác, mà nó bắt đầu với việc xâm nhập vào trong những điều nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, rồi sau đó phát tán một cách rộng rãi, và đôi khi trở nên rõ ràng như trong những vụ việc lớn. Sự tham nhũng chính là một sự ở lỳ trong tội lỗi, mà tội lỗi ấy nhắm tới việc thay thế Thiên Chúa với ảo tưởng về quyền năng của tiền bạc. Nó là một công việc của bóng tối, được hỗ trợ bởi sự nghi kỵ và quỷ kế” (Đức Thánh cha Phanxicô, Tông chiếu Công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, sô 19).
Tham nhũng cũng làm mất đi sự bình an nội tâm khiến con người rơi vào vòng xoáy của vật chất, quyền lực và đẩy đưa con người gây ra tội ác.
Nói chuyện với 70 ngàn bạn trẻ Kenya tại sân vận động Karasami ở Nairobi, ngày 27/11/2015, Đức Thánh cha nói: “Tham nhũng cướp đi chúng ta niềm vui, cướp đi bình an. Người tham nhũng là người không sống trong bình an. Tham nhũng còn gây ra những hậu quả về lâu về dài nơi những đứa trẻ bị bệnh bị đói, vì tiền vốn dành cho các em là tiền mà các con đã tham nhũng đút túi mình. Tham nhũng không phải là đường của sự sống, mà là đường đến với sự chết.”
Có thể thấy, tại hầu hết các quốc gia mà Đức Thánh cha đã tông du, trong các diễn từ đọc tại các buổi nghị sự hay trong các cuộc gặp gỡ chính giới, Đức Thánh cha đều đề cập tới nạn tham nhũng ngày nay đã mang tầm vóc toàn cầu. Theo ngài, hiện tượng tham nhũng tạo nên sự bất bình đẳng xã hội mà nguyên nhânphát sinh từ “cuộc khủng hoảng sâu xa về con người: sự chối bỏ địa vị tối thượng của con người” (EG. 54), tạo nên một “thứ văn hóa loại trừ” biến con người thành phương tiện sử dụng một lần rồi vứt bỏ, “ý thức công ích” dần biến mất, nhường chỗ cho thứ chủ nghĩa cá nhân ích kỷ thống trị.
Trước tình trạng tham nhũng đang đe dọa an ninh các quốc gia, nhất là đang cướp đi quyền sống của những người nghèo, Đức Thánh cha đã mạnh mẽ lên án nạn tham nhũng và kêu gọi chính quyền các nơi khẩn cấp đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tham nhũng.
Ngỏ lời với các lãnh đạo chính trị và ngoại giao đoàn tại dinh Tổng thống Philippines, ngày 16/1/2015, Đức Thánh cha kêu gọi: “Mỗi người trong chúng ta phải thẳng thừng bác bỏ mọi hình thức tham nhũng, cướp đi những nguồn lợi dành cho người nghèo”.
Cũng vậy, trong cuộc nói chuyện với giới lãnh đạo kinh doanh tại Mêxicô, ngày 17/2/2016, sau khi đặt ra hàng loạt các câu hỏi liên quan tới tình trạng bạo lực, tham nhũng đang đe dọa tương lai của Mêxicô, Đức Thánh cha nói: “Tôi biết rằng những vấn đề được nêu lên thì không dễ dàng gì, nhưng sẽ là tồi tệ hơn nữa khi bỏ mặc tương lai vào đôi bàn tay của sự tham nhũng, sự gian ác và sự thiếu bình đẳng.”
Không chỉ kêu gọi giới lãnh đạo đưa ra các giải pháp đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, Đức Thánh cha còn kêu gọi mọi thành phần xã hội, đặc biệt những người trẻ công giáo phải nói không với mọi hình thức tham nhũng.
Ngài viết trong Tông chiếu Công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Ai không chiến đấu một cách công khai với sự tham nhũng thì sớm muộn gì người ấy cũng sẽ trở thành những kẻ đồng lõa, và rồi sẽ hủy hoại cuộc sống“ (số 19).
Chuyện trò với các người trẻ Kenya, một quốc gia đang bị nạn tham nhũng tàn phá, Đức Thánh cha nói: “Bất kỳ lúc nào chúng ta nhận của đút lót, nhét vào túi mình, là chúng ta hủy hoại tâm hồn, hủy hoại nhân cách và cả đất nước mình. Xin các con, đừng có thích vị ngọt của tham nhũng! Và nếu chúng ta thấy những người khác quanh mình đang tham nhũng, thì điều cần làm, là chúng ta phải là người đầu tiên thay đổi, nếu con không muốn tham nhũng có mặt trong đời mình, trong đất nước mình, thì hãy bắt đầu với bản thân mình trước. Nếu con không bắt đầu, thì người bên cạnh con cũng vậy.”
Theo Đức Thánh cha, việc nói không với tham nhũng là một trong những hành vi cụ thể để sống Năm thánh Lòng thương xót và giải pháp đưa ra là mỗi người, đặc biệt các tín hữu phải minh bạch, tuân thủ luật pháp, nhất là phải can đảm dấn thân chống lại mọi hình thức tham nhũng, xây dựng một xã hội minh bạch, dân chủ.
Nam Phong