Đức Giám mục Tabani: Tại Nam Sudan, 'thân thể Chúa Kitô đang rỉ máu'

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 25-03-2018 | 07:05:00

Hôm thứ Sáu 24/3, một phái đoàn đại kết từ Nam Sudan đã gặp gỡ riêng với ĐTC Phanxicô và đồng thời mời Ngài đến viếng thăm quốc gia bị chiến tranh tàn phá, mà họ nói là hiện đang trong tình trạng tuyệt vọng khi tình hình ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

“Chúng tôi hiện diện nơi đây như một cơ quan đại kết… chúng tôi đến như những Kitô hữu để cho thấy rằng thân thể Chúa Kitô đang rướm máu”, Đức Cha Paride Tabani phát biểu với CNA hôm 23 tháng 3.

Dân chúng, Đức Cha Tabani nói, “đang cần đến niềm hy vọng. Họ cần được chữa trị, họ đang kêu gào hòa bình, vốn không thể mang lại bằng vũ khí, nhưng bằng tình yêu, bởi lòng từ bi, bởi tinh thần yêu thương và tha thứ mà Thiên Chúa đã biểu lộ cho chúng ta, đặc biệt là ngay lúc này đây”.

“Chúng tôi mong muốn dịp lễ Phục Sinh này cũng sẽ là sự phục sinh của người dân khỏi những đau khổ của họ”.

Đức Cha Tabani, nguyên Giám mục Địa phận Torit tại Nam Sudan, là một thành viên của phái đoàn gồm 9 người thuộc Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan (SSCC), người đã gặp gỡ ĐTC Phanxicô trong một buổi tiếp kiến vào ngày 23 tháng 3 tại Vatican.

Các thành viên của phái đoàn bao gồm các Giám mục và lãnh đạo các giáo phái Kitô giáo khác nhau ở Nam Sudan, bao gồm các Giáo hội Công giáo, Anh giáo và Giáo hội Trưởng Nhiệm. Họ đã cập nhật thông tin cho ĐTC Phanxicô về một số sáng kiến chung của Hội đồng nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo và đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo quốc tế nhanh chóng can thiệp vào việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

Trong một cuộc họp báo ngày 23 tháng 3 sau cuộc hội kiến ĐTC Phanxicô, linh mục James Oyet Latansio, Tổng thư ký của SSCC, đã mô tả cuộc gặp gỡ này là hết sức “thân mật” và đồng thời cho biết rằng họ đã ngồi và cùng nhau bàn luận về rất nhiều vấn đề.

Nam Sudan đã bị cản trở bởi cuộc nội chiến trong hơn bốn năm. Cuộc xung đột đã chia rẽ quốc gia còn đầy non trẻ này trên nhiều mặt trận, chia rẽ những người trung thành với Tổng thống Salva Kiir và những người trung thành với cựu phó Tổng thống Reik Machar. Cuộc xung đột cũng đã tạo ra nhiều sự chia rẽ khác nhau giữ các lực lượng dân quân và các nhóm đối lập.

Cuộc thảo luận tại cuộc hội kiến ĐTC Phanxicô diễn ra tại Vatican chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo và tình hình của hơn 2 triệu người tị nạn Nam Sudan, những người đã chạy trốn sang các quốc gia lân cận, cũng như sự cần thiết phải bổ nhiệm thêm các vị trí của các Giám mục đã qua đời, một số Giáo phận đã trống tòa trong nhiều năm.

Họ cũng đề cập đến khả năng chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô có thể sẽ diễn ra. Năm ngoái, ĐTC Phanxicô đã dự định viếng thăm quốc gia bị chiến tranh tàn phá này cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby. Tuy nhiên, chuyến đi đã bị trì hoãn vì những lo ngại về vấn đề an ninh.

Theo phái đoàn, ĐTC Phanxicô tỏ rõ mong muốn thực hiện chuyến viếng thăm, nhưng không đưa ra ngày cụ thể.

Trong những lời nhận xét với CNA, Đức Giám mục Tabani cho biết rằng ĐTC Phanxicô “sẵn sàng thực hiện chuyến viếng thăm này, nhưng đã có những báo cáo tiêu cực và thậm chí ngay cả tại Vatican… họ nói với Ngài rằng tình hình hiện tại không thuận tiện”.

Theo Đức Cha Tabani, tình hình trong nội bộ dân chúng quả là hết sức tuyệt vọng đến nỗi người dân gần như cầu xin Đức Giáo Hoàng đến như một dấu hiệu hy vọng và an ủi. Đức Cha Tabani cũng cho biết rằng trong cuộc gặp gỡ của họ, Ngài đã nhắc nhở ĐTC Phanxicô về việc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Khartoum vào năm 1993 giữa bối cảnh của một cuộc diệt chủng bạo lực.

“Điều đó đã đem lại hy vọng cho người dân, và rồi mọi người đã trở nên hết sức can trường”, Đức Cha Tabani nói, đồng thời ngài cũng cho biết thêm rằng với hơn 2 triệu người đang sống như những người tị nạn, giờ đây chính là thời điểm của một cuộc thăm viếng khác của một vị Giáo Hoàng.

Child_South_Sudan_Credit_John_Wollwerth_Shutterstock_CNA“Người dân đang chết đói, tình hình kinh tế quả thực hết sức tồi tệ … người dân đang háo hức để có được sự an ủi, và họ đang hỏi ‘khi nào Đức Giáo Hoàng đến’?”, Đức Cha Tabani nói, đồng thời ngài cũng giải thích rằng trong cuộc hội kiến, ĐTC Phanxicô đã nói với phái đoàn rằng “trái tim tôi đang rướm máu vì người dân Nam Sudan”, và Ngài đề nghị họ cầu nguyện để các điều kiện sẽ thay đổi, cho phép Ngài thực hiện chuyến viếng thăm này.

Hơn bốn triệu thường dân đã trốn khỏi đất nước trong vòng bốn năm kể từ khi bạo lực nổ ra. Quốc gia láng giềng Uganda cho đến hiện tại đã tiếp đón hơn 1 triệu người tị nạn đến từ Nam Sudan, khiến cho các nguồn lực hết sức căng thẳng.

Trong những lời bình luận với CNA, Đức Tổng Giám mục John Baptist Odama Địa phận Guru, Uganda, người cũng là thành viên của phái đoàn đại kết đã hội kiến ĐTC Phanxicô, cho biết tình hình hiện đã ngoài tầm kiểm soát. Nhiều người phải chạy trốn không có gì ngoài vài bộ quần áo trong balô, và phần lớn những người tị nạn, những người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn, là phụ nữ, trẻ em và những người cao tuổi.

“Thanh thiếu niên không có đủ thức ăn, họ không có đủ sự hỗ trợ y tế. Những thứ họ tiếp nhận là tối thiểu. Một số đã chết vì sốt rét, một số đã chết vì những căn bệnh khác như bệnh tả, và họ không có các trang thiết bị để chuẩn bị cho trẻ em đối với tương lai và việc giáo dục của chúng”, Đức TGM Odama nói.

Đức TGM Odama cho biết chính phủ Uganda hiện đang sẵn sàng giúp đỡ và nỗ lực cộng tác với một số tổ chức phi chính phủ, nhưng lại thiếu nguồn lực để duy trì dòng người tị nạn đang ngày càng gia tăng, đồng thời hỗ trợ các công dân của họ hiện đang phải sống trong nghèo đói.

Tại miền bắc Uganda, gần khu vực West Nile, có hơn 300.000 người sống trong một trại tập trung, Đức TGM Odama nói, đồng thời giải thích rằng khu vực này “là khu vực khó khăn nhất bởi vì chính phủ Uganda đã tự thấy mình đang ở trong một mức độ nhất định vốn không đủ khả năng, bởi vì các nguồn lực của họ cũng hết sức giới hạn”.

“Vì vậy để chăm sóc cho tất cả các công dân của mình và đồng thời cho những  tị nạn, điều đó sẽ trở nên vô cùng nặng nề. Đây chính là thách thức lớn nhất”.

Cả Đức Giám Mục Tabani và Đức Tổng Giám Mục Odama đều bày tỏ lòng biết ơn đối với ĐTC Phanxicô vì đã tổ chức ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình tại Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Syria hôm 23 tháng 2 vừa qua.

Họ cũng đề nghị ĐTC Phanxicô bổ nhiệm thêm nhiều Giám mục, vì nhiều vị Giám mục đã qua đời và không ai được bổ nhiệm. Đức Cha Tabani, người đã về hưu trước đây để khởi động một dự án nhằm cung cấp giáo dục cho những người tị nạn và đồng thời thúc đẩy việc cùng nhau chung sống trong hòa bình, cho biết người kế nhiệm ngài đã qua đời cách đây 5 năm và vân chưa có ai được bổ nhiệm thay thế.

Đức Cha Tabini cho biết rằng khi nghe những lời đề nghị của họ, ĐTC Phanxicô đã không lập tức đưa ra bất cứ lời hứa hay sự đảm bảo nào. “Ngài chỉ lắng nghe”, Đức Cha Tabini nói, và đồng thời cho biết thêm rằng “việc trở thành một người biết lắng nghe quả thực tốt đẹp biết bao… đây chính là điều mà tôi thực sự yêu thích”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube