Đức Giám mục Paul Hinder: ‘Chuyến viếng thăm Bahrain của ĐTC Phanxicô mở rộng phạm vi tiếp cận với thế giới Hồi giáo’

Ngôi Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Ả Rập mới ở Awali, Bahrain, là nhà thờ lớn nhất trong vùng Vịnh. Nó được xây dựng trên mảnh đất do Quốc vương Hamad tặng và được thánh hiến vào ngày 10 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: CNS / Hubert Estela)

Ngôi Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Ả Rập mới ở Awali, Bahrain, là nhà thờ lớn nhất trong vùng Vịnh. Nó được xây dựng trên mảnh đất do Quốc vương Hamad tặng và được thánh hiến vào ngày 10 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: CNS / Hubert Estela)

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm quốc gia vùng Vịnh Bahrain có đa số người Hồi giáo vào tháng tới, điều đó sẽ đánh dấu một bước nữa trong nỗ lực không ngừng của ngài nhằm củng cố việc đối thoại với Hồi giáo và sẽ khuyến khích cộng đồng thiểu số Kitô giáo của đất nước.

Phát biểu với Crux, Đức Cha Paul Hinder – Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập và hiện là Giám Quản Tông Tòa Bắc Ả Rập ở Kuwait – cho biết chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Bahrain là “sự tiếp nối cuộc đối thoại của Đức Giáo hoàng với thế giới Hồi giáo”.

“Tôi cảm thấy rằng một trong những vấn đề cấp bách nhất là vấn đề bạo lực và tầm quan trọng của các giá trị công lý và hòa bình”, Đức Giám mục Hinder nói.

Mặc dù Bahrain là một quốc gia Hồi giáo đa số với một cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn được công nhận rộng rãi và được đánh giá cao, Đức Giám mục Hinder nói. Những nỗ lực của Đức Thánh Cha nhằm tìm kiếm giải pháp cho “nhiều vấn đề và cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hoành hành trên thế giới”, đặc biệt là hoàn cảnh của những người di cư đang chạy trốn chiến tranh và các cuộc đàn áp, “đã không được chú ý, đặc biệt là ở khu vực này của thế giới”.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Bahrain từ ngày 3-6 tháng 11 để tham dự một cuộc hội thảo có tiêu đề: “Diễn đàn Bahrain về Đối thoại: Đông và Tây vì Sự chung sống của con người”, dự kiến sẽ thu hút các nhà lãnh đạo tôn giáo cấp cao khác, bao gồm cả Đại Imam của Đại học Hồi giáo Al- Azhar ở Ai Cập, Ahmed el-Tayeb.

Hai nhà lãnh đạo gần đây đã đến Kazakhstan để tham dự một hội nghị thượng đỉnh liên tôn cao cấp khác, và vào năm 2019, họ đã ký kết một văn bản về Tinh thần huynh đệ nhân loại trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Abu Dhabi.

Lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Bahrain, Đức Cha Hinder cho biết chuyến viếng thăm “giống như việc một giấc mơ trở thành hiện thực”, và thông báo về chuyến viếng thăm “đã tạo ra một sự phấn khích lớn, không chỉ trong số các tín hữu Công giáo, mà thậm chí ngay cả với những người có đức tin khác sống trên đảo quốc nhỏ bé này”.

Bahrain, với 70% là các tín đồ Hồi giáo, là nơi có Nhà thờ Công giáo đầu tiên của Vịnh Ả Rập, khánh thành ở thủ đô Manama vào năm 1939, cũng như Nhà thờ lớn nhất nơi đây, Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập, khánh thành vào năm ngoái ở thị trấn Awali và được xây dựng trên mảnh đất do Quốc vương Hamad ban tặng.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm cả hai thành phố trong chuyến viếng thăm của mình.

 Đức Cha Paul Hinder - Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập và hiện là Giám Quản Tông Tòa Bắc Ả Rập ở Kuwait (Ảnh: Wikipedia)

Đức Cha Paul Hinder – Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập và hiện là Giám Quản Tông Tòa Bắc Ả Rập ở Kuwait (Ảnh: Wikipedia)

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Crux với Đức Giám mục Paul Hinder:

Chuyến viếng thăm Bahrain của Đức Thánh Cha có ý nghĩa như thế nào? Nó có ý nghĩa gì đối với người dân địa phương, đặc biệt là các Kitô hữu?

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Bahrain có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực chủ yếu là người Hồi giáo này. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ yếu đến Bahrain để phát biểu tại “Diễn đàn Đối thoại Bahrain” theo lời mời của Quốc vương. Đức Thánh Cha đã hết sức coi trọng các cuộc gặp gỡ với những người có tín ngưỡng khác nhau và đã thực hiện một số bước can đảm để gặp gỡ ‘tha nhân’ với tất cả những khác biệt tương ứng. Ngài chưa bao giờ trốn tránh đối thoại và nỗ lực tìm ra những đường hướng chung nhằm thúc đẩy đối thoại với đối phương. Chúng ta đã nhìn thấy điều này trong quá khứ trong chuyến viếng thăm mang tính lịch sử đến Abu Dhabi dẫn đến việc ký kết Văn kiện về Tinh thần huynh đệ nhân loại, thể hiện cam kết của hai bên ký kết – Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam của Đại học Al-Azhar – để cùng cộng tác với nhau trong việc giải quyết các vấn đề chung và các vấn đề toàn cầu. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Bahrain một lần nữa là sự tiếp nối của cuộc hành trình đã bắt đầu ở Abu Dhabi.

Đồng thời, sự chào đón nồng nhiệt mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhận được tại Abu Dhabi trong chuyến viếng thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2019 và sự kính trọng mà ngài nhận được từ các nhà lãnh đạo khác nhau trong bán đảo Ả Rập là dấu chỉ cho thấy những nỗ lực của ngài nhằm nỗ lực tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề và các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt là sự chào đón và hội nhập những thành phần yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội loài người, chẳng hạn như những người di cư vô gia cư bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh và các cuộc đàn áp – đã không được chú ý, đặc biệt ở khu vực này của thế giới.

Đối với nhiều tín hữu Công giáo ở Bahrain, những người đã háo hức chờ đợi chuyến viếng thăm này kể từ khi Quốc vương Bahrain đích thân mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm, điều này giống như một giấc mơ trở thành hiện thực. Bahrain có hai Giáo xứ là Nhà thờ Thánh Tâm, cũng là Nhà thờ đầu tiên ở Vịnh Ả Rập, được xây dựng và khánh thành vào năm 1939, và Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập, được xây dựng trên một khu đất (9000 mét vuông) được Quốc vương Hamad ban tặng. Tin tức về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ra sự phấn khích lớn, không chỉ trong số các tín hữu Công giáo, mà thậm chí ngay cả những người thuộc các tôn giáo khác đang sinh sống trên đảo quốc nhỏ bé này.

Tại sao lại là thời điểm lúc này? Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự Diễn đàn Đối thoại Bahrain để thúc đẩy sự chung sống của con người giữa hai miền Đông và Tây, nhưng có lẽ đã có những lời mời tham dự các sự kiện khác trong quá khứ. Đức Cha nghĩ tại sao Đức Thánh Cha lại chấp nhận lời mời này?

Quan hệ giữa Vương quốc Bahrain và Vatican đã có nhiều tiến triển đáng kể trong những năm gần đây. Vào năm 2014, Quốc vương Hamad đã tặng một mô hình Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập cho Đức Thánh Cha Phanxicô và đồng thời cũng đã gửi lời mời Đức Thánh Cha đến thăm Vương quốc này. Chuyến viếng thăm này được đưa ra sau các chuyến viếng thăm của Thái tử Salman vào năm 2020 và đại diện của Quốc vương, người đã nhắc lại lời mời vào năm 2021.

Quốc vương Hamad cũng tán thành Văn kiện về Tinh thần huynh đệ nhân loại, được ký tại Abu Dhabi bởi Đức Thánh Cha Phanxicô và Tiến sĩ Ahmed el-Tayeb, Đại Imam của Đại học hồi giáo Al-Azhar vào năm 2019 nhằm mục đích tăng cường hơn nữa tinh thần huynh đệ và sự hợp tác giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau trong khi đồng thời cùng cộng tác với nhau trong việc giải quyết những thách thức và những vấn đề đe dọa ngôi nhà chung và cấu trúc xã hội.

Diễn đàn Đối thoại Bahrain là một sự phản ánh vị thế của Vương quốc này như là một quốc gia phát triển và tự do, hướng đến việc có tiếng nói hàng đầu trong cuộc trò chuyện về các giá trị và mục tiêu vốn có thể đoàn kết các dân tộc và đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại. Khi cơ hội được đưa ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm thấy rằng giờ đây là thời điểm chín muồi để đến thăm đảo quốc này.

Diễn đàn này quan trọng như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh khu vực? Liệu sẽ có các nhà lãnh đạo tôn giáo lớn khác hiện diện? 

Thông tin chi tiết về diễn đàn đang được tiến hành và vẫn đang chờ ban tổ chức. Chúng tôi hiểu rằng sẽ có các nhà lãnh đạo của một số tín ngưỡng khác sẽ có mặt. Chúng tôi biết rằng Sheikh Ahmed el-Tayeb, Đại Imam của Đại học Hồi giáo Al-Azhar cũng sẽ có mặt. Về mặt khu vực, diễn đàn sẽ trở nên nổi bật khi đăng cai một sự kiện như vậy, Vương quốc Bahrain tìm cách nhắc lại cam kết khoan dung và tôn trọng tất cả các tôn giáo, đồng thời cũng tìm kiếm câu trả lời và tìm kiếm những cách thức giải quyết các vấn đề cấp bách.

Theo kinh nghiệm các nhân, theo Đức Cha, những vấn đề cấp bách nhất cần thảo luận liên quan đến quan hệ giữa hai miền Đông và Tây là gì? Cuộc thảo luận này quan trọng như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hiện nay?

Đây là phần tiếp theo của cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxicô với thế giới Hồi giáo. Tôi cảm thấy rằng một trong những vấn đề cấp bách nhất đó là vấn đề bạo lực và tầm quan trọng của các giá trị công lý và hòa bình. Có một câu nói nổi tiếng: “Không có hòa bình nếu không có công lý”. Các cuộc thảo luận phải tìm cách mang lại sự công bằng trong phạm vi có thể cho các lĩnh vực khác nhau. Bước đầu tiên là mỗi bên có thể thể hiện bản thân và có thể lắng nghe đối phương. Mặc dù đây là một chặng đường dài và phức tạp, chúng ta phải theo đuổi phần đối thoại mà không cảm thấy mệt mỏi. Đối thoại là con đường duy nhất mở ra trong một thế giới nơi không còn lựa chọn sử dụng bạo lực để bảo vệ phạm vi của một người, vì điều này mở ra những khả năng đáng sợ đối với vũ khí hủy diệt hàng loạt, thứ cuối cùng sẽ nhắm vào những người vô tội ở cả hai bên.

Bước thứ hai là xây dựng sự tin tưởng và sự tín nhiệm lẫn nhau. Điều này không thể được thực hiện nếu không tôn trọng các quy tắc nền tảng của luật pháp quốc tế. Cần phải tìm ra một cách thức để cấm các loại vũ khí có thể hủy diệt sự sống của con người trên trái đất và biến hành tinh của chúng ta trở nên không thể ở được. Cuối cùng, chúng ta phải ý thức rằng công lý và hòa bình không chỉ đơn giản là kết quả của tinh thần thiện chí, các cuộc đàm phán ngoại giao và một khuôn khổ pháp lý đáng tin cậy, mà cuối cùng đó còn là một món quà từ Thiên Chúa mà chúng ta phải cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô thỉnh thoảng nhắc nhở chúng ta về sự thật rằng sẽ không có hòa bình trên trái đất nếu chúng ta không làm hòa với Thiên Chúa.

Thành phần tôn giáo của Bahrain có gì độc đáo và đặc biệt là Kitô giáo ở Bahrain? Có gì độc đáo về Giáo hội ở đó?

Bahrain có hơn 80.000 tín hữu Công giáo La Mã, đa số là người di cư đến từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Tiểu lục địa Ấn Độ và Philippines, trong khi dân số 70% theo đạo Hồi. Bahrain cũng là một trong số ít quốc gia GCC [Hội đồng hợp tác vùng Vịnh] có dân số Kitô giáo địa phương – phần lớn là Công giáo La Mã – khoảng 1.000 người, chủ yếu là các Kitô hữu Ả Rập đến từ Trung Đông di cư đến Bahrain từ những năm 1930 đến 1950 và hiện có quốc tịch Bahrain.

Bahrain có lịch sử tự do tôn giáo và khoan dung trong gần 200 năm và cho phép các địa điểm thờ phượng cho tất cả các tôn giáo. Vương quốc này rất hoan nghênh cộng đồng Kitô giáo xa xứ và cung cấp một bầu không khí cởi mở và khoan dung cho những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau thực hành đức tin của họ. Bahrain là một cộng đồng sôi động với sự pha trộn văn hóa phong phú – một hình mẫu cho sự chung sống hòa bình của nhiều tín ngưỡng khác nhau đang sống và làm việc cùng với nhau trên đảo quốc này.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube