Đức Giám mục Địa phận Hồng Kông cầu nguyện cho sự hàn gắn và hiệp nhất nhân sự kiện kỷ niệm quan trọng

Đức Giám mục Stêphanô Chu Thủ Nhân (Chow Sau-an) | SCMP/Nora Tam, CC BY-SA 4.0, via Wikimedia Commons

Đức Giám mục Stêphanô Chu Thủ Nhân (Chow Sau-an) – Ảnh: SCMP/Nora Tam, CC BY-SA 4.0, via Wikimedia Commons

Chỉ 25 năm sau khi Hồng Kông trao trả cho chính quyền Trung Quốc, vị Giám chức Công giáo hàng đầu của lãnh thổ đã yêu cầu các nhà lãnh đạo khu vực đặt con người lên trên hết và trao cho những người trẻ tuổi, nhiều người trong số họ đã vô cùng thất vọng vì sự đàn áp dân chủ của Trung Quốc, một lý do để tin tưởng vào chính quyền.

Trong một bức thư đặc biệt được công bố hôm thứ Sáu, Đức Giám mục Stêphanô Chu Thủ Nhân SJ (Stephen Chow) Địa phận Hồng Kông cho biết rằng mặc dù 25 năm tồn tại của Hồng Kông với tư cách là một Đặc khu hành chính đã phải trải qua “rất nhiều thử thách, có những lúc vui sướng và có những lúc đau buồn”, ngài biết ơn vì “lòng hào hiệp, tinh thần quảng đại và sự kiên cường mà chúng ta đã chứng kiến giữa những người dân Hồng Kông”.

Đức Giám mục Chow cầu nguyện để chính quyền mới được bầu sẽ “đặt lợi ích tốt nhất của người dân lên trên hết”, thúc đẩy “tầm nhìn sâu rộng và trao quyền, thúc đẩy một nền văn hóa cộng đồng đồng cảm và tích cực, một sự hàn gắn sâu sắc hơn trong các đảng phái và ý thức đoàn kết hơn trong một Hồng Kông đa nguyên”.

Giám đốc điều hành Hồng Kông John Lee, được bầu vào tháng 5, đã tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Sáu, cùng ngày kỷ niệm 25 năm lãnh thổ được trao trả cho Trung Quốc.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lee đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ Trung ương Trung Quốc và thề nguyện sẽ xây dựng “một Hồng Kông chu đáo hơn và hòa nhập hơn với đầy sự sống động, hy vọng và các cơ hội phát triển”.

Ông Lee cho rằng Hồng Kông có những lợi thế nhất định với tư cách là một khu vực hành chính đặc biệt, và đồng thời cũng nhấn mạnh rằng nó có thể được hội nhập hoàn toàn vào sự phát triển quốc gia của Trung Quốc đồng thời phát triển mạnh mẽ như một thành phố đô thị với sự kết nối quốc tế rộng lớn, khiến nó trở thành cửa ngõ giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

“Cùng với nhau, chúng ta sẽ bắt đầu một chương mới để xây dựng một Hồng Kông tốt đẹp hơn”, ông Lee nói, cam kết đóng góp cho “sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hồng Kông, đồng thời góp phần hiện thực hóa giấc mơ trẻ hóa đất nước của Trung Quốc”.

Trong thông điệp của mình, Đức Giám mục Chow cũng cầu nguyện cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn, và cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho họ “với sự thấu hiểu cảm thông và sự hỗ trợ có ý nghĩa từ những người khác” cũng như “những lý do chính đáng để họ tin tưởng vào chính quyền”.

Vị Giám chức cầu nguyện để những người trẻ tuổi sẽ được tiếp thêm sức mạnh bởi sự hỗ trợ cho phép họ “một lần nữa dám ước mơ”, và họ sẽ có khả năng “tận dụng những cơ hội cụ thể để tạo ra những khác biệt tích cực cho tương lai của họ cũng như tương lai của Hồng Kông”.

Ngày kỷ niệm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc đang được đánh dấu là một dịp nghiêm túc đối với nhiều công dân hoài niệm về những năm tháng trước đây khi họ có được nhiều tự do xã hội hơn và nền dân chủ được đảm bảo.

 Khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, một số quyền dân chủ nhất định không dành cho phần còn lại của Trung Quốc được đảm bảo trong thời hạn ít nhất 50 năm theo thỏa thuận “một quốc gia, hai hệ thống”.

 Tuy nhiên, việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia vào tháng 6 năm 2020 – áp đặt các hình phạt nghiêm khắc đối với những người bị cáo buộc ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài hoặc các thế lực ngoại bang – đã hạn chế các quyền tự do này và về cơ bản đã đặt Hồng Kông dưới sự quản lý hoàn toàn của Trung Quốc, gián tiếp chấm dứt thỏa thuận năm 1997 vốn xác lập quy chế bán tự trị của Hồng Kông.

Luật an ninh lần đầu tiên được chính quyền Bắc Kinh soạn thảo sau một loạt các cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ lớn bắt đầu ở Hồng Kông vào năm 2019, với những người biểu tình phản đối một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.

Dự luật đó cuối cùng đã được rút lại, nhưng các cuộc biểu tình lớn vẫn tiếp tục cho đến khi virus coronavirus bùng phát vào năm 2020. Các cuộc biểu tình mới bắt đầu bùng phát trở lại khi tin đồn về luật an ninh quốc gia lần đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, một khi luật có hiệu lực vào tháng 6 năm 2020, các nhà hoạt động đã phải đối mặt với sự giám sát gia tăng của cảnh sát và hàng trăm người đã bị bắt giữ, bao gồm những nhân vật nổi tiếng như ông trùm kinh doanh và truyền thông Công giáo Jimmy Lai, và Đức Hồng y Joseph Zen, nguyên Giám mục Hồng Kông.

Đức Hồng y Zen, 90 tuổi, đã bị bắt giữ cùng với ba ủy viên khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 không còn tồn tại với cáo buộc họ đã vi phạm luật an ninh quốc gia và bị buộc tội “thông đồng” với các thế lực ngoại bang.

Quỹ mà Đức Hồng y Zen là thành viên hội đồng quản trị, đã bị đóng cửa vào năm ngoái sau khi bị chính quyền dân sự ở Hồng Kông chỉ trích kịch liệt.

Đức Hồng y Zen Zen, người được tại ngoại, đã xuất hiện tại Tòa án Tây Cửu Long ở Hồng Kông vào ngày 24 tháng 5 cùng với 5 người khác, và bị cáo buộc tội không đăng ký Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, được thành lập để hỗ trợ tài chính cho những người tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019.

Mỗi bị cáo, kể cả Đức Hồng y Zen, đều không nhận tội. Bước tiếp theo có thể sẽ là một cuộc chiến pháp lý kéo dài đối với Đức Hồng y Zen và các bị cáo khác sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 9, khi phiên tòa xét xử các bị cáo sẽ bắt đầu.

Trong thông điệp của mình, Đức Giám mục Chow cũng cầu nguyện cho những người cao niên đang phải chịu đựng hậu quả của đại dịch coronavirus, và cho những người đã mất đi những người thân yêu trong gia đình, đồng thời cầu nguyện để “họ có thể nhận được sự quan tâm yêu thương và sự đối xử xứng hợp với phẩm giá từ tất cả chúng ta, những người lân cận của họ”.

Đức Giám mục Chow kết thúc thông điệp của bằng sự tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và cầu xin Thiên Chúa “tuôn đổ dồi dào muôn ơn phúc cho Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube