Hàng chục ngàn người đã tham dự đại lễ mừng kính Thánh Antôn tại Linh địa Trại Gáo (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) trong 2 ngày. Chương trình đại lễ ấn tượng, nhiều vấn đề thời sự đã được nhắc tới.
Hàng năm, vào ngày 12-13/6 Linh địa Thánh Antôn Trại Gáo lại đón hàng chục ngàn lượt người về tham dự thánh lễ mừng kính Thánh Antôn.
Năm nay, dù thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhưng lượng người vẫn đổ về rất đông đảo.
Bài giảng đại lễ của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Giáo phận Vinh, đề cập tới vấn đề đang hết sức nóng bỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến chính những người dân trên địa phận nói riêng cũng như người dân Việt nói chung, đó là ô nhiễm môi trường biển và thực phẩm bẩn.
Đức Cha chủ trì Thánh lễ đồng tế dâng lên vị Thánh hay làm phép lạ lời cầu xin tìm lại môi trường biển đã đánh mất, tìm lại vùng biển an lành và trong sạch, nơi là nguồn thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh, là ngư trường, nơi bao người con của GP Vinh cũng như người dân Việt Nam đã, đang và sẽ sinh sống.
Đức Cha nói: Thời khắc mà chúng ta đang sống là giai đoạn bi thảm bởi vì chưa bao giờ đất nước chúng ta trải qua một thảm họa môi trường, môi trường biển như đã xảy ra cách đây hơn 2 tháng.
Hôm nay môi trường đó đã bị phá hoại, biển đang kêu cứu. Và đã hơn 2 tháng rồi vẫn chưa thấy công bố đâu là nguyên nhân của thảm họa môi trường, ai là người đã gây ra thảm họa môi trường đó. Chúng ta tiếp tục can đảm yêu cầu nhà cầm quyền phải công bố, công bố càng sớm càng hay và yêu cầu công bố ai là người đã gây nên thảm họa môi trường biển đó.
Chúng ta đến đây với những tâm tư, tình cảm, lo âu vì thảm họa môi trường tác hại đến quê hương, đất nước, biển cả mà chúng ta không hiểu được hậu quả của nó sẽ kéo dài đến bao lâu.
Đức Thánh Cha cũng đã nói, tác động đến môi trường là một tội lớn.
Thảm họa môi trường biển chỉ là giọt nước nhỏ làm tràn ly. Đất nước chúng ta không chỉ đang rơi vào thảm họa môi trường biển mà còn có môi trường nông nghiệp, môi trường rừng. Trên bàn ăn của người dân Việt Nam chưa bao giờ thấy thê thảm như vậy.
Theo truyền thống, bàn ăn là nơi gia đình gặp gỡ nhau, để tìm lại nhau sau những giờ làm việc vất vả và mặc dầu trong truyền thống, rất nhiều gia đình chỉ là bữa cơm đạm bạc nhưng chúng ta tin rằng đó là bữa cơm trong lành với những thực phẩm an lành bởi vì giúp chúng ta lấy lại sức khỏe.
Hôm nay, người dân VN phải đối diện với bàn ăn với tất cả nguy nan, không biết đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch, mà ranh giới giữa thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch hầu như không còn.
Có một số người ham lợi nhuận, vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, chế biến những thực phẩm bẩn và đem bán trên thị trường.
Dẫn câu chuyện một gia đình trồng rau phun hóa chất để bán còn rau cho gia đình ăn được trồng riêng, không phun thuốc, Đức Cha nói, người VN đang giết nhau một cách thản nhiên, bởi vì người trồng rau không chỉ ăn rau mà sống. Họ bán rau đi và mua nước mắm, thịt, cá, hoa quả… Và rất nhiều người sản xuất thực phẩm cũng dùng hóa chất, chất bảo quản. Bàn ăn của người VN hôm nay là 1 bàn ăn đang đặt ra nhiều câu hỏi: những món ăn ta nhìn trước mặt là thực phẩm bẩn hay thực phẩm sạch? có yếu tố Trung Quốc hay không?
Mong rằng tất cả những người Công giáo chúng ta, những người bạn của Thánh Antôn, một vị Thánh nhân lành, vị Thánh dành cả cuộc đời để đem lại an vui, hạnh phúc cho người khác, một vị Thánh rao giảng công lý và sự thật và yêu cầu mỗi người phải sống đúng lương tâm, thì nhất định chúng ta không trở thành nguyên nhân của thực phẩm bẩn. Không chế tạo thực phẩm bẩn, không vì đồng tiền mà đem lại cho anh chị em chúng ta thực phẩm bẩn, những thực phẩm có thể gây chết chóc trong dài hạn.
Như Đức Giêsu đã nói, chính chúng con phải cho họ ăn. Cho ăn đây không phải chỉ về yếu tố thiêng liêng mà cả những thức ăn vật chất. Và như Đức Giêsu khi cho nhân loại ăn là đã cho chính bản thân ngài với những giá trị cao quý linh thiêng nhất, thì chúng ta cũng cống hiến cho anh chị em chúng ta những thực phẩm trong sạch nhất, những thực phẩm bảo đảm nhất. Và nhất quyết không là người chế tạo, không là người buôn bán, không là người quảng bá những thực phẩm bẩn.
Nói như vậy thì chúng ta khi mua hàng cũng đừng vì rẻ mà ham, vì cổ nhân chúng ta từng nói của rẻ là của ôi. Những hàng rẻ đến từ Trung Quốc hôm nay đang là nguyên nhân của thảm họa thực phẩm, thảm họa môi trường. Xin anh chị em chúng ta dùng đồng tiền cho đúng, đừng ham hàng rẻ mà mua cho trẻ em những đồ chơi hàng rẻ, hàng bẩn mà vô hình trung gây hại cho con em chúng ta sau này bởi những bệnh tật do hóa chất trong đó.
Trên “mâm cơm VN” chúng ta hôm nay có nhiều món mà chúng ta cũng đang gặp khó khăn, chẳng hạn mâm cơm giáo dục. Chưa bao giáo dục chúng ta xuống cấp như ngày nay. Chưa bao giờ giáo dục chúng ta rơi vào hoàn cảnh dạy chữ không nổi, huống hồ dạy người. Chưa bao giờ bạo lực học đường tràn lan và công khai như hôm nay. Và cũng chưa bao giờ con cái quan chức và các đại gia lần lượt bỏ nước ra đi học ở các nước khác, để lại nền giáo dục hiện tại cho con cái của nhà nghèo. Thế mà giáo dục vẫn đặt nặng ý thức hệ. Tại sao?
“Mâm cơm VN” hôm nay còn là mâm cơm văn hóa, mâm cơm những giá trị nhân bản, mâm cơm của đồng bào chưa bao giờ người dân VN xử ác, xử tệ với nhau như vậy. Chưa bao giờ con người VN bạo động, nóng nảy như vậy. Chỉ cần nhìn lại đường phố, chỉ cần nhìn lại giao thông, chỉ cần một va chạm nhỏ là sừng sộ với nhau, chửi bới nhau để rồi cuối cùng đi đến án mạng, thương tích, đâu còn tình nghĩa đồng bào, đâu còn những giá trị văn hóa tâm linh xưa kia. Đâu còn câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Con người VN hôm nay tại sao xuống cấp về giáo dục, về văn hóa về giá trị nhân bản như vậy?
“Mâm cơm VN” hôm nay là Chúa mời gọi chúng ta dọn cho anh chị em, cho đồng bào ta. Chính chúng ta phải cho họ ăn mâm cơm tâm linh, những giá trị tâm linh, những giá trị siêu việt, những giá trị giúp cho con người thực hiện lý tưởng, con người vượt lên vạn vật bởi những giá trị tâm linh đạo đức đó.
Rất buồn là trong một thời gian dài chúng ta sống trong một hoàn cảnh mà giá trị tâm linh bị hủy diệt. Bây giờ giá trị ấy đang được hồi phục. Các lễ hội truyền thống của dân tộc bắt đầu được lập lại. Tuy nhiên sau một thời gian dài giá trị tâm linh không được phát triển, bây giờ các lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội văn minh pha trộn những mê tín, pha trộn những dị đoan với những giá trị đích thực và người ta đối xử với thần thánh theo cách mà người ta đối xử với nhau, hối lộ, nhét tiền vào tay của các vị thần để mong rằng được thăng chức.
Qua lời cầu bầu của Thánh Antôn, xin cho mâm cơm tâm linh được giàu lên và chúng ta cũng quyết tâm để trở thành chứng nhân của những giá trị tâm linh đó. Mong những lời cầu nguyện của chúng ta với Thánh Antôn hôm nay không phải chúng ta chỉ chăm chú cầu xin cho những gì đã mất nhưng xin mở rộng tâm hồn để cầu xin cho những giá trị tâm linh, những giá trị văn hóa, giá trị nhân bản, nhân sinh. Ước mong rằng qua lời cầu bầu của Thánh Antôn những ai đánh mất niềm tin vì thời cuộc, vì muôn vàn lý do khác hôm nay trong hoàn cảnh mới can đảm tìm lại niềm tin của mình. Mong rằng những người đánh mất niềm tin, từ bỏ niềm tin vì lý do kinh tế, lý do tiền tài danh vọng đến cuối cuộc đời xin nghĩ lại. Trăm năm còn có gì đâu/Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì. Nếu cuộc đời chỉ dừng lại ở thế giới này thì cuối cùng được gì và mất bao nhiêu. Và ước mong rằng những gia đình đang có xung đột, đang có xích mích trong năm thánh của Lòng Chúa thương xót, đặc biệt trong Thánh lễ hôm nay, quyết tâm để làm hòa với nhau…
Nguyệt Đàm