Đức Bênêđictô XVI và việc truyền bá đức tin trong thời đại kỹ thuật số

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI gửi dòng tweet đầu tiên vào ngày 12 tháng 12 năm 2012 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI gửi dòng tweet đầu tiên vào ngày 12 tháng 12 năm 2012 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI không chỉ là một nhà thần học lỗi lạc, mà còn là một nhà truyền thông lão luyện trong suốt cuộc đời của mình, sử dụng lòng dũng cảm và sự sáng tạo để đương đầu với thách thức của mạng xã hội và tiếp tục truyền thông hiệu quả khi nghỉ hưu thông qua sự thinh lặng và cầu nguyện.

Danh tiếng của Đức Bênêđictô XVI với tư cách là một nhà thần học vĩ đại được mọi người nhất trí thừa nhận, nhưng Đức Joseph Ratzinger quá cố cũng là một nhà truyền thông đáng chú ý, với địa vị có tiếng của cá nhân ngài, di sản của Đức Bênêđictô XVI chắc chắn sẽ vượt qua giới hạn thời gian của cuộc sống tại thế của ngài.

Việc Đức Bênêđictô XVI không phải là một nhà truyền thông đại chúng – tuy nhiên ngài đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người trẻ trong các kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới – không hề làm giảm đi giá trị của phong cách truyền thông của ngài.

Trước hết, với tư cách là một nhà thần học, Đức Bênêđictô XVI đã chứng minh rằng ngay cả những chủ đề mang tính học thuật cao cũng có thể được giải thích cho người bình thường và nằm trong tầm với của nhiều đối tượng, chứ không chỉ riêng các chuyên gia. Sự thành công của tác phẩm Dẫn nhập Kitô giáo, mà cho đến ngày nay – hơn 50 năm sau khi xuất bản – là cuốn sách bán chạy nhất trên toàn thế giới về ấn phẩm tôn giáo, cho thấy khả năng bẩm sinh của Đức Ratzinger trong việc đưa ra những lý do đối với đức tin vào Chúa Giêsu Kitô và làm như vậy với những lập luận rõ ràng và cuốn hút, và ngôn ngữ đầy thuyết phục.

Điều tương tự cũng có thể được kể đến đối với tác phẩm bộ ba về Chúa Giêsu thành Nazareth, một tác phẩm mà Đức Joseph Ratzinger đã dồn hết tâm trí của mình vào đó, cố gắng hoàn thành trước khi từ chức, bất chấp những khó khăn trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ.

Do đó, có thể nói rằng Đức Bênêđictô XVI là một nhân chứng vĩ đại cho đức tin – và cho tính hợp lý của đức tin, như nó mới xuất hiện gần đây nhất trong chúc thư tinh thần của ngài – một phần là do cách ngài có thể truyền đạt đức tin đó.

Đức Bênêđictô XVI đã làm như vậy đặc biệt thông qua các tác phẩm, các bài phát biểu của mình (một số đáng được ghi nhớ, được nhiều người nhớ lại trong những ngày gần đây), và các bài giảng, được Linh mục Federico Lombardi SJ, mô tả là “siêu phàm”, vì sự hài hòa khôn ngoan giữa thần học, kiến thức Kinh Thánh và linh đạo.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI cầu nguyện (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI cầu nguyện (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Can đảm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực truyền thông

Tuy nhiên, vị Giáo hoàng gốc Đức chưa bao giờ thất bại trong việc can đảm “chấp nhận rủi ro” trong lĩnh vực truyền thông rộng lớn.

Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng đầu tiên gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các thành viên của hàng giáo sĩ, một hành động có ý nghĩa to lớn và sức mạnh truyền thông, trong đó Đức Ratzinger đã đặt việc lắng nghe ở trung tâm điểm.

Cách thức lắng nghe của Bênêđictô XVI —được chứng kiến trong các cuộc gặp gỡ trong các chuyến Tông du quốc tế—tránh xa ánh đèn sân khấu và được đánh dấu bằng sự sẵn sàng và đồng cảm, cả hai điều kiện thiết yếu để thực hiện tiến trình hoán cải tâm hồn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kiên quyết theo đuổi và là nền tảng của Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 năm 2019 về việc Bảo vệ trẻ vị thành niên.

Mặc dù không có sự chỉ trích từ một số phương tiện truyền thông liên quan đến một số quyết định của ngài, Đức Bênêđictô XVI luôn giữ thái độ tích cực đối với thế giới thông tin và truyền thông.

Cuộc trò chuyện của Đức Bênêđictô XVI với nhà báo người Đức Peter Seewald đã cho ra đời cuốn sách Ánh sáng Trần gian (Light of the World), một cuốn sách đề cập đến tất cả những vấn đề nhạy cảm nhất trong Triều đại Giáo hoàng của ngài, ngay cả về chủ đề ngài từ chức.

Đức Bênêđictô XVI cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên gửi thông điệp (đến giới trẻ tại WYD ở Sydney), đối thoại với các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, trả lời các câu hỏi trên TV vào Thứ Sáu Tuần Thánh (năm 2011), và viết một bài xã luận trên tờ Financial Times vào dịp Giáng sinh năm sau, tập trung vào sự tham gia của các Kitô hữu trong thế giới ngày nay.

Truyền giáo cho ‘lục địa kỹ thuật số’

Trên hết, Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng đầu tiên đương đầu với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội, vốn đã định hình lại một cách sâu sắc bối cảnh truyền thông toàn cầu ngay trong những năm dưới Triều đại Giáo hoàng của ngài.

Không dưới 5 trong số 8 Thông điệp của Đức Bênêđictô XVI cho Ngày Thế giới Truyền thông được dành riêng cho vấn đề kỹ thuật số chưa từng có tiền lệ này. Cùng với nhau, chúng tạo thành một loại bản tóm tắt Huấn quyền của Giáo hội về thực tại mới này, điều đã thay đổi không chỉ cách thức chúng ta giao tiếp mà còn cả cách thức chúng ta liên hệ với người khác.

Đức Bênêđictô XVI ngay lập tức nắm bắt được ý nghĩa của cuộc cách mạng truyền thông xã hội, vốn không phải là một phương tiện được sử dụng nhiều như một môi trường để sinh sống. Do đó, Đức Bênêđictô XVI đã đặt ra thuật ngữ “lục địa kỹ thuật số” cho phương tiện truyền thông xã hội, đồng thời nói rằng, giống như các lục địa về mặt địa lý, lục địa kỹ thuật số đòi hỏi sự cam kết của các tín hữu—đặc biệt là anh chị em giáo dân, phù hợp với “Inter Mirifica” (Sắc lệnh về Phương tiện Truyền thông Xã hội) —để truyền giáo cho lãnh thổ truyền giáo mới này.

Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng hiểu rằng cần phải vượt qua sự phân biệt sai lầm giữa ảo và thực, vì những gì được chia sẻ và tương tác trên các nền tảng mới có những hệ quả cụ thể đối với cuộc sống hàng ngày của mọi người.

Các nhà truyền giáo kỹ thuật số

Đức Bênêđictô XVI khuyến khích các Kitô hữu trở thành những chứng nhân kỹ thuật số thay vì những người có tầm ảnh hưởng, để biến các phương tiện truyền thông xã hội thành “những cánh cửa của sự thật và đức tin”.

Và Đức Bênêđictô XVI đã làm như vậy không chỉ bằng lời nói. Vào ngày 12 tháng 12 năm 2012, ngài trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên gửi một dòng tweet thông qua tài khoản @Pontifex được mở vài ngày trước đó. Quyết định của Đức Bênêđictô XVI đôi khi được so sánh với việc Đức Piô XI thành lập Đài phát thanh Vatican. Không phải ai cũng tán thành hành động của ngài, vì sợ Đức Giáo hoàng sẽ bị chỉ trích và xúc phạm, nhưng Đức Bênêđictô XVI đã xác tín về sự lựa chọn của mình để đi theo hướng Tân Phúc Âm hóa.

Một lần nữa, Đức Bênêđictô XVI là một vị Giáo hoàng đã biết cách nắm bắt tiềm năng của những đổi mới công nghệ để tiếp cận những người mà nếu không thì sẽ bị loại trừ khỏi việc loan báo Tin Mừng.

Một vài tuần lễ sau khi tài khoản được mở, Đức Bênêđictô XVI đã từ bỏ Sứ vụ Phêrô của mình. Tài khoản Twitter @Pontifex sau đó đã được “kích hoạt lại” bởi người kế vị của ngài, Đức Giáo hoàng Phanxicô, người mà ngày nay—thông qua các dòng tweet bằng 9 ngôn ngữ của mình—đạt hơn 50 triệu người theo dõi hàng ngày.

Vì vậy, trong gần 8 năm trong Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Bênêđictô XVI đã truyền thông bằng những phương tiện truyền thông đa dạng nhất với sự sáng tạo và can đảm.

Sau đó, trong gần 10 năm với tư cách là nguyên Giáo hoàng, vấn đề giao tiếp truyền thông của Đức Bênêđictô XVI mang một hình thức khác, vô hình nhưng không kém phần hiệu quả: thinh lặng và cầu nguyện.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube