Dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37)

Gợi ý suy niệm về bài Tin Mừng của Chúa Nhật 14/7/2019.

Lc-1025-37

1. Nhiều Giáo Phụ và một số nhà chú giải hiện nay hiểu rằng cách hành xử của người Samari trong dụ ngôn phản ánh cách hành xử của chính Chúa Giêsu, và rằng thoạt kỳ thuỷ dụ ngôn này đã được kể như là một câu trả lời cho những người phê phán sự gần gũi của Chúa Giêsu với những kẻ tội lỗi. Hiểu theo nghĩa này, người bị quân cướp đánh trọng thương và vứt bên đường chính là hình ảnh của những người tội lỗi. Chúng ta thấy mình trong hình ảnh người ấy, và được mời gọi tạ ơn Chúa Giêsu vì đã được trở nên “người thân cận” với Chúa Giêsu.

2. Trong ngữ cảnh cuộc đối thoại với người thông luật về phạm trù “người thân cận”, điểm nhấn ban đầu của dụ ngôn về căn bản được đặt trên sự đối nghịch giữa hai hạng người: một bên là hai thành viên của những lớp người có vai vế trong dân thánh, và do đó, thuộc về số những “người thân cận” theo quan điểm Do Thái; và bên kia là một người Samari bị khinh ghét, bị loại trừ và vì thế, bị coi là không thuộc vào số những kẻ đáng được người ta yêu mến như Luật đòi hỏi. Từ sự đặt đối nghịch hai hạng người đó, Chúa Giêsu lật nhào quan điểm của người Do Thái về “người thân cận”. Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa của lòng trắc ẩn đối với con người tội lỗi. Khi người ta sống theo sự chạnh lòng thương của Người, thì người ta trở nên đáng kính trọng và yêu mến, chứ không phải vì người ta thuộc về một tập hợp được xác định bằng các tiêu chí chủng tộc, xã hội hay văn hoá.

3. Dụ ngôn người Samari nhân hậu đã được lưu truyền trong Hội Thánh tiên khởi như là một lời dạy dành cho các tín hữu trong cộng đoàn: hình ảnh người Samari nhân hậu này được trình bày như một gương mẫu, và dụ ngôn trong bài Tin Mừng trở thành một lời mời gọi các Kitô hữu hãy thực hành lòng yêu mến như người Samari nhân hậu đã làm. Theo nghĩa này, dụ ngôn này trình bày cách hiểu của Hội Thánh Chúa Kitô về luật yêu thương người thân cận được nói trong Lv 19,18.

4. Dụ ngôn người Samari nhân hậu cũng nói với chúng ta về chủ đề ơn cứu độ. Người ta đạt thấu ơn cứu độ không phải nhờ một vài hoạt động sùng kính riêng tư, nhưng là bằng cách thực hiện trong thực tiễn những đòi hỏi cụ thể của tình yêu mến đầy lòng trắc ẩn đối với người khác, nhất là với những người nghèo khổ, bị áp bức và cô thế cô thân. Các Kitô hữu, nhất là các vị thừa sai, phải luôn biết nhạy cảm trước cảnh nghèo của thế giới và các vấn đề xã hội trầm trọng đang làm cho nhân loại phải âu lo. Mọi thứ nghèo khổ (vật chất, tinh thần, tâm linh) đều mời gọi lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta. Khát vọng chính đáng của người nghèo cũng sẽ là khát vọng chính đáng của chúng ta. Đó là con đường cứu độ dành cho chúng ta, chứ không phải những cách giữ đạo hình thức và giả trá.

Giuse Nguyễn Thể Hiện 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết