Điều gì được mong đợi trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan?

Những người dân tản cư trong nước đang đi bộ, vào ngày 23 tháng 1 năm 2023, tại một địa điểm Bảo vệ Thường dân trong Phái bộ Liên Hợp Quốc ở khu phức hợp Nam Sudan bên ngoài Juba trước chuyến viếng thăm Nam Sudan từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2 của Đức Thánh Cha Phanxicô (Ảnh: OSV News/Samir Bol, Reuters)

Những người dân tản cư trong nước đang đi bộ, vào ngày 23 tháng 1 năm 2023, tại một địa điểm Bảo vệ Thường dân trong Phái bộ Liên Hợp Quốc ở khu phức hợp Nam Sudan bên ngoài Juba trước chuyến viếng thăm Nam Sudan từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2 của Đức Thánh Cha Phanxicô (Ảnh: OSV News/Samir Bol, Reuters)

Đức Thánh Cha Phanxicô đang thực hiện chuyến Tông du thứ tư đến Châu Phi vào ngày 31 tháng 1 để thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, hai quốc gia đang chìm trong xung đột, kêu gọi hòa bình ở cả hai vùng đất và chấm dứt tình trạng nghèo đói mà rất nhiều người đang phải trải qua. Người dân ở đó hết sức hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể khởi động các tiến trình hòa bình đang gặp khó khăn ở cả hai quốc gia này.

Cuộc hành trình này sẽ là chuyến đi thứ 40 của Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài được bầu làm Giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013, và một lần nữa ngài đến thăm các quốc gia ít được truyền thông thế giới đưa tin nhưng đã phải chịu đựng tình trạng bạo lực và đau khổ khủng khiếp của con người. Đức Thánh Cha cảm thấy các quốc gia châu Phi, bất chấp việc giành được sự độc lập chính trị, vẫn tiếp tục bị khai thác để bóc lột tài nguyên khoáng sản, và ngài muốn thu hút sự chú ý của thế giới đối với sự bất công này.

Chuyến viếng thăm này đã được dời lại từ tháng 7 năm 2021, sau khi các bác sĩ của Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến cáo ngài không nên thực hiện vì lý do sức khỏe. Đức Thánh Cha có thể đi lại với sự trợ giúp của một chiếc gậy chống, nhưng có khả năng ngài phải dựa vào xe lăn và được đưa lên máy bay. Cuộc hành trình mới đã được điều chỉnh để giúp Đức Thánh Cha có thể đối phó với những thử thách về mặt thể chất khác nhau có liên quan. Các chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ giới hạn ở các thành phố thủ đô của cả hai quốc gia—Kinshasa và Juba—tại mỗi quốc gia này, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một Thánh lễ ngoài trời, tham gia một số sự kiện công khai và có nhiều cuộc gặp gỡ tại các Tòa Khâm sứ (Đại sứ quán của Vatican).

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC)

Vị Giáo hoàng 86 tuổi người Argentina đã khởi hành từ sân bay Rôma đến Cộng hòa Dân chủ Congo vào sáng ngày 31 tháng 1, cùng với ba Hồng y Vatican—Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh, Luis Antonio Tagle, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giáo , Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ được tháp tùng bởi hai vị Tổng Giám mục của Vatican: Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Toà Thánh, và Paul Gallagher, Thư ký quan hệ với các quốc gia (Ngoại trưởng Toà Thánh). Ngoài các nhân viên an ninh và nhân viên y tế, khoảng 70 nhà điều hành truyền thông từ nhiều quốc gia, bao gồm cả phóng viên Vatican của tờ America, đã đi cùng với ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm đất nước này. Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm quốc gia này hai lần vào năm 1980 và 1985.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến sân bay quốc tế Kinshasa lúc 3 giờ chiều (theo giờ địa phương). Đức Thánh Cha đã được chào đón bởi Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Congo, Jean-Michel Sama Lukonde Kyenge, người sinh ra ở Paris, và Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, O.F.M. Cap., Tổng Giám mục Kinshasa, và Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, Sứ thần gốc Ý tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển trên chiếc popemobile từ sân bay đến Kinshasa, thành phố thủ đô nằm bên sông Congo với dân số hơn 10 triệu người (15,6 triệu người ở khu vực đô thị), nơi ngài sẽ lưu lại trong suốt chuyến viếng thăm của mình.

Khi đến thành phố, Đức Thánh Cha di chuyển thẳng đến Palais de la Nation, dinh Tổng thống, nơi ngài đã được Tổng thống Felix Tshisekedi Tshilombo, người trước đây đã đến thăm Vatican, chào đón cấp nhà nước. Sau cuộc trò chuyện riêng, hai nhà lãnh đạo sẽ phát biểu trước 1000 khán giả đại diện cho các cơ quan chính quyền và tôn giáo của quốc gia, xã hội dân sự và các ngoại giao đoàn nước ngoài.

Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là “Tous réconcilié en Jésus Christ” (Tất cả được hòa giải trong Chúa Giêsu Kitô), và sự hòa giải là điều hết sức cần thiết tại Cộng hòa Dân chủ Congo, một quốc gia có diện tích gần bằng Tây Âu với dân số hơn 100 triệu người hình thành từ 200 nhóm sắc tộc. Đất nước này được ưu đãi với các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt, bao gồm các khoáng sản như coban, coltan, đồng, tiềm năng thủy điện, diện tích đất canh tác đáng kể, đa dạng sinh học rộng lớn và khu rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới. Bất chấp sự phổ biến của các nguồn tài nguyên này, 64% dân số của nó sống với mức dưới 2,15 đô la mỗi ngày.

Cuộc trò chuyện đầu tiên trong số bảy cuộc trò chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cộng hòa Dân chủ Congo sẽ là cuộc hội đàm với chính quyền quốc gia, và ngài dự kiến sẽ kêu gọi chấm dứt bạo lực vốn đã gây ra cái chết cho hàng triệu người trong hai thập kỷ qua, với 6 triệu người chỉ tính riêng trong năm 1998 -2008. Thậm chí hiện nay, các nhóm vũ trang ở phía đông DRC vẫn tiếp tục đấu tranh để giành quyền kiểm soát đất đai và khoáng sản quý hiếm, và cưỡng hiếp vẫn tiếp tục là vũ khí chiến tranh. Cuộc hành trình của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 7 năm 2021 bao gồm chuyến viếng thăm Goma ở phía đông đất nước, nhưng chuyến viếng thăm lần này không được đưa vào do những lo ngại về vấn đề an ninh.

Đức Thánh Cha Phanxicô có khả năng nhấn mạnh nhu cầu sống còn đối với việc quản trị hữu hiệu, chấm dứt vấn nạn tham nhũng, quan tâm đến môi trường, xây dựng an ninh và hòa bình, đặc biệt là thay mặt cho nhiều người hiện đang sống trong cảnh nghèo đói, bao gồm 5,6 triệu người di tản trong nước sống trong các trại tập trung. Sau bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ di chuyển đến Tòa Khâm sứ Vatican, nơi ngài sẽ lưu lại trong thời gian của chuyến viếng thăm, kết thúc vào ngày 3 tháng Hai.

Vào ngày 1 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ di chuyển 5 dặm đến Sân bay N’Dolo, sân bay phụ của Kinshasa, để chủ sự Thánh lễ nghi lễ Rôma ngoài trời, theo phong cách Zaire, dự kiến sẽ có 1,5 triệu người tham dự. Đây sẽ là Thánh lễ công khai duy nhất của ngài tại quốc gia Công giáo nhất Châu Phi này, nơi mà theo thống kê của Vatican, 50% dân số là Công giáo, 20% là Tin lành, 10% là người Hồi giáo và 10% là người Kimbanguisti.

Tại Tòa Khâm Sứ vào buổi chiều hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các nạn nhân của bạo lực từ miền đông đầy xung đột của đất nước và lắng nghe lời chứng của họ. Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ đại diện các tổ chức từ thiện và nhân đạo đang hoạt động trong nước nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, giáo dục và các hình thức hỗ trợ nhân đạo cho một bộ phận khá lớn người dân. Trong số đó sẽ có Caritas (bao gồm cả Dịch vụ Cứu trợ Công giáo), Dịch vụ Tị nạn Dòng Tên, Cộng đồng Sant’ Egidio và phong trào Focolare.

Vào sáng ngày 2 tháng 2, ngày thứ ba ở Kinshasa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ di chuyển đến Sân vận động các Anh hùng Liệt sĩ (được đặt theo tên của bốn nhà lãnh đạo đã bị treo cổ vì chống lại nhà độc tài Mobutu năm 1966), nơi ngài sẽ thưởng thức một sự kiện lễ hội khiêu vũ và những bài hát. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ trò chuyện với hàng chục ngàn bạn trẻ và Giáo lý viên khắp mọi miền đất nước. Đây là một thời điểm quan trọng, vì 65% dân số dưới 25 tuổi—hai phần ba dưới 15 tuổi—và họ có thể là một lực lượng mạnh mẽ cho hòa bình. Đội ngũ Giáo lý viên cũng là một lực lượng quan trọng đối với Giáo hội tại đất nước này, với số lượng hơn 76.000 người . Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó sẽ trở lại Tòa Khâm sứ để tiếp kiến Thủ tướng của đất nước.

 Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ di chuyển với đoạn đường ba dặm rưỡi đến Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Congo, được xây dựng vào năm 1947 và lấy cảm hứng từ kiến trúc Art Deco của những năm 1930, khi đất nước này nằm dưới sự cai trị của thực dân Bỉ. Tại đó, trong một buổi cử hành phụng vụ, Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện và ntrò chuyện với các Linh mục, Phó tế, các Tu sĩ nam nữ và các Chủng sinh. Cộng hòa Dân chủ Congo có 12.152 Linh mục, 4 Phó tế, hơn 12.000 Tu sĩ nam nữ sống đời thánh hiến và 3000 Chủng sinh.

Tối hôm đó, ngài sẽ gặp gỡ cộng đoàn Dòng Tên trong nước tại Tòa Khâm sứ.

Vào sáng ngày 3 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các Giám mục cai quản 48 Giáo phận của đất nước. Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ họ tại trụ sở của Hội đồng Giám mục quốc gia trước khi lái xe ra sân bay, nơi Tổng thống của đất nước sẽ chào tạm biệt ngài khi ngài lên máy bay tiếp tục chuyến bay kéo dài 3 giờ 20 phút tới Nam Sudan, quốc gia có chung đường biên giới với Cộng hòa Dân chủ Congo.

Nam Sudan

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên đến Nam Sudan, quốc gia non trẻ nhất trên thế giới và là quốc gia thứ 60 mà ngài đã viếng thăm với tư cách là Giáo hoàng.

Nam Sudan có dân số ước tính khoảng 13 triệu người, hơn 2 triệu người trong số họ phải tản cư trong nước và 330.000 người tị nạn khác chủ yếu đến từ nước láng giềng Sudan. Có hai nhóm sắc tộc chính: Dinka (36% dân số) và Nuer (16%). Theo thống kê của Vatican, người Công giáo chiếm 52% dân số, 33% là tín đồ của tôn giáo truyền thống và 6% là người Hồi giáo.

Mặc dù Nam Sudan có trữ lượng dầu mỏ đáng kể và nhiều đất canh tác, ngày nay hầu hết dân số sống trong cảnh nghèo đói và mất an ninh lương thực do thiếu chính phủ quản lý phù hợp, xung đột cộng đồng và liên sắc tộc, và tình trạng lũ lụt nghiêm trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến trong một chuyến viếng thăm đại kết vì hòa bình, khẩu hiệu của chuyến viếng thăm là: “Thầy cầu nguyện để tất cả có thể nên một”. Khi đến Sân bay Quốc tế Juba lúc 3 giờ chiều giờ địa phương, Đức Cha Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury; Mục sư Iain Greenshields, Điều hành viên của Đại hội đồng Giáo hội Scotland, và Đức Tổng Giám mục Hubertus van Megen, Sứ thần Tòa Thánh, sẽ lên máy bay để chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô xuống máy bay, Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir Mayardit, sẽ chào đón ngài theo nghi thức chính thức của nhà nước. Sau đó, tất cả sẽ lái xe đến Dinh Tổng thống ở Juba, thủ đô nằm bên bờ sông Nile Trắng với dân số chỉ hơn nửa triệu người. Sau cuộc trò chuyện riêng với Tổng thống, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chào đón các phó Tổng thống của đất nước trước khi đi đến khu vườn thuộc Dinh Tổng thống để phát biểu trước 250 cử tọa đại diện cho các cơ quan chính quyền và tôn giáo, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn của đất nước.

Trong cuộc trò chuyện đầu tiên trong số năm cuộc trò chuyện của mình tại đất nước tiếp tục phải hứng chịu xung đột và bạo lực kể từ khi nó trở thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính trị về cam kết mà họ đã đưa ra ở Rôma, vào tháng 4 năm 2019, để cùng hợp tác thực hiện thỏa thuận hòa bình 2018. Sau đó, Đức Thánh Cha đã hôn chân họ, cầu xin họ làm như vậy. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không thể làm điều đó vào lúc này do các vấn đề về di chuyển, nhưng sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên chiếc xe lăn sẽ là một thông điệp mạnh mẽ để thúc đẩy họ nỗ lực làm việc vì công  ích chứ không phải lợi ích nhóm cụ thể.

Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha sẽ quay trở về Tòa Khâm sứ, nơi ngài sẽ cư trú trong thời gian ở Juba.

Vào ngày 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ di chuyển đến Nhà thờ Chính Tòa Thánh Têrêsa gần đó để gặp gỡ và trò chuyện với các Giám mục Nam Sudan và Sudan (hai hội đồng này tạo thành một Hội đồng Giám mục), và đại diện của 300 Linh mục, 7 Phó tế, 250 Tu sĩ nam nữ, và 189 Chủng sinh của Nam Sudan.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chào và trò chuyện với các thành viên của cộng đoàn Dòng Tên tại Tòa Khâm sứ.

Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Giáo hội Scotland sẽ gặp gỡ khoảng 2.000 người di tản trong nước tại Hội trường Tự do. Họ sẽ lắng nghe lời chứng từ ba người trong số họ. Đức Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Giáo hội Scotland sẽ đọc lời cầu nguyện, và Đức Thánh Cha sẽ có bài phát biểu chia sẻ.

Khi cuộc gặp gỡ đó kết thúc, các nhà lãnh đạo đại kết sẽ đến viếng Lăng John Garang gần đó. John Garang được công nhận là cha đẻ của quốc gia; ông đã lãnh đạo phong trào giải phóng của nhân dân Sudan từ năm 1983 đến năm 2005 khi Hiệp định Hòa bình Toàn diện dẫn đến nền độc lập của Nam Sudan được ký kết. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông qua đời trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng và được chôn cất trong phần mộ nằm trong lăng mộ. Tổng thống Salva Kiir đã tuyên bố nền độc lập của đất nước tại đây trên phần mộ của ông vào ngày 9 tháng 7 năm 2011.

Buổi cầu nguyện đại kết cho hòa bình sẽ diễn ra bên cạnh Lăng John Garang. Sự kiện sẽ được khai mạc bởi Chủ tịch của Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan. Sau các bài đọc Tin Mừng, Đức Tổng Giám mục Canterbury sẽ phát biểu, Người điều hành Giáo hội Scotland sẽ khai mạc buổi cử hành phụng vụ, và Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có một bài phát biểu quan trọng được mong đợi để kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước cống hiến hết mình cho hòa bình. Ba nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ kết thúc buổi lễ bằng cách cùng nhau ban phép lành.

Vào ngày 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ ngoài trời gần khu lăng mộ, dự kiến sẽ có hàng trăm ngàn người tham dự. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ đến sân bay nơi Tổng thống Kiir sẽ chào tạm biệt ngài trước khi lên máy bay trở về Rôma, cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Giáo hội Scotland. Ba nhà lãnh đạo tôn giáo dự kiến sẽ có một cuộc họp báo chung trên chuyến bay trở về kéo dài 6 giờ 45 phút. Máy bay dự kiến hạ cánh tại sân bay Rôma vào lúc 5:15 chiều theo giờ địa phương.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube