Báo chí Việt Nam tuần này ngay sau vụ chủ quán cà phê “Xin Chào” lại sôi sục trước nạn ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt ở bè nuôi từ đầu tháng 4/2016, sau đó là cá tự nhiên chết trắng bờ biển dọc theo các tỉnh Miền Trung.
Chuyện cá chết, xin để nói sau. Ở đây, chỉ điểm qua vài vụ việc và vai trò của báo chí.
Vụ án lội ngược dòng: Lại phải nói đến chuyện ‘cái móng tay’

Tướng Phan Anh Minh, Phó GĐ CA Tp HCM: Khởi tố vụ án là có cơ sở. Hình: Internet
Khác với khẳng định của công an huyện Bình Chánh và cả công an Tp.HCM cũng như Viện kiểm sát huyện Bình Chánh, rằng khởi tố vụ án là có cơ sở, khi báo chí đăng tin dồn dập, Phó Giám đốc Công an Tp.HCM đã cho rằng chuyện này chỉ như ‘cái móng tay, không nên tốn giấy mực’.
Thế rồi, việc tốn giấy mực đã phát huy tác dụng, ngày 23/4/2016, Viện KSND Tối cao đã khẳng định việc khởi tố vụ án là không có cơ sở và ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội. Đồng thời, việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can được tiến hành.
Cùng với lời khẳng định đó, Viện KSND Tp.HCM cho biết, chiều 23-4, cơ quan này đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng – Phó Viện trưởng Viện KSND quận 6, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh, người trực tiếp ký cáo trạng truy tố chủ quán cà phê Xin Chào Nguyễn Văn Tấn.

Ngôi biệt thự của ông Trưởng CA Huyện Bình Chánh, TpHCM. Ảnh: Internet
Đồng thời, cũng tạm đình chỉ công tác ông Hồ Văn Son – kiểm sát viên Viện KSND huyện Bình Chánh để tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định.
Như vậy, vụ án đã lội ngược dòng. Ai là người có lỗi, có tội trong vụ án này?
Người ta có thể nghĩ gì trước những lời tuyên bố hùng hổ, hoành tráng và đầy ngôn từ ‘luật pháp’ của những vị công an, tướng công an và Viện kiểm sát kia? Cái ‘móng tay’ ở đây, được báo chí lôi ra mổ xẻ.
Ở đó, người dân thấy Trưởng công an huyện Bình Chánh với ngôi biệt thự hàng chục tỉ đồng, ốp đá hoa cương, kín cổng cao tường, nằm trên mặt tiền con phố toàn bộ là biệt thự cao cấp khu vực sầm uất nhất quận Bình Tân, lại chính là người cũng đã quyết định khởi tố ông nông dân đang cho chủ quán “Xin Chào’ thuê đất vì đã dựng chòi chăn vịt “gây nguy hiểm cho xã hội”.
Và người dân lại biết được những lời đồn đại, là chính vì ông này muốn mua khu đất của ông chăn vịt mà không được, cũng như cái quán cà phê dám cạnh tranh với căng tin công an huyện nên cơ sự mới xẩy ra đến thế.
Thực chất, nếu có việc đó, thì quả là chuyện ông Trưởng công an huyện muốn mua đất của dân, hay chuyện quán cà phê cạnh tranh với căng tin là chuyện nhỏ như ‘cái móng tay’. Nhưng, để thực hiện được ‘cái móng tay’ này mà ông dùng quyền lực của một hệ thống cầm quyền để trả thù hoặc phục vụ mục đích cá nhân của ông, thì không còn là cái móng tay nữa. Bởi khi đó, ông phải buộc người khác trả giá bằng sinh mạng, tù tội và tán gia bại sản.
Chẳng nói nhiều, ai cũng hiểu. Cái móng tay của ông tướng công an Phan Anh Minh giờ đã trở thành cái móng tay thối và đang bốc mùi.
Thu hồi quyết định đuổi học sinh vì ‘Truyền thông nhân dân’

Trường PTTH Vũ Tiên, Vũ Thư, Thái Bình. Ảnh: Internet
Chuyện ở một vùng quê Thái Bình. Ngày 20.4, ông Phạm Xuân Định, Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) ra quyết định kỷ luật buộc thôi học 6 tháng đối với 3 nam sinh lớp 9 ngay trước kỳ thi cuối năm sắp đến. Ông ta đã ký quyết định đó, vì mấy học sinh đua nhau nghịch ‘tè bậy’ trên sân thượng, sau đó ông đã bắt các học sinh này lao động xách nước lên chùi rửa và lau sạch cả tháng. Nhưng rồi ông vẫn không tha.
Vấn đề ở chỗ học sinh tố cáo rằng ông lạm thu trái phép, khi học sinh khiếu nại, ông đuổi ra. Vậy là các em hết cách để nói lên sự thật hoặc tố cáo.
Và các em đã phải dùng đến ‘truyền thông nhân dân’: Truyền đơn.
Để nhằm báo cho mọi người biết hiện tượng lạm thu trái phép, ngày 3/9/2015, trước khi vào năm học mới, 3 học sinh này đã viết tờ rơi, in 40 bản tố cáo hiệu trưởng quan hệ bất chính, ăn cắp tiền, tham ô và dán ở chợ, UBND xã.
Trong quá trình đến phòng hiệu trưởng khiếu nại, các em phát hiện ra ông có quan hệ bất chính với kế toán. Thế rồi chuyện thành quan trọng và ông ký quyết định đuổi học sinh. Gia đình các em hoảng và phải cầu cứu đến Bộ Giáo dục.
Dù ông Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy nhà trường này đã thề thốt rằng: ông đuổi học 3 học sinh “với tư cách của nhà giáo và với người đã gần 35 năm tuổi Đảng” và ông đã làm “đúng quy trình”, nhưng khi dư luận lên tiếng, thì Sở GD-ĐT Thái Bình đã phải xuống làm việc và yêu cầu nhà trường thu hồi quyết định của ông Hiệu trưởng này.
“Dân mình một là ngu, hai là tham” (?!)

Trạm thu phí hầm Phước Tượng chặn lấy cả tiền đường bộ. Ảnh: Internet
Trước việc nhiều người dân cho rằng vị trí đặt trạm thu phí của doanh nghiệp sẽ khiến nhiều người phải đóng phí oan, Phạm Công Hưng- Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty Cổ phần Phước Tượng- Phú Gia BOT đã lớn tiếng chửi dân như vậy.
Ông nói: “Dân mình một là ngu, hai là tham lam, không chịu đóng góp một cái gì cả… Người dân Nhật nó đóng từ 40-60% thuế cho đất nước để đất nước giàu mạnh”.
Điều mà người dân bị chửi “ngu, tham” ở đây, chỉ vì dân khiếu nại rằng họ không đi đường vẫn phải đóng thuế.
Kể ra, ông TGĐ này cũng là người mạnh thế lực. Bởi mạnh thế lực thì ông mới có thể được nhận một dự án lớn như thế. Ông mạnh thế mới có thể ép buộc được người dân không đi đường hầm của ông vẫn phải trả tiền – Nghĩa là ông thích là ông cứ thu vì ông có quyền?

Một bảng phí qua trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Internet
Điều này chẳng khác mấy với mấy ông nhà nước độc quyền xăng dầu hiện nay. Chỉ ông ta được nhập, giá bán trên trời, lạm thu, thu sai cả 3.500 tỷ của người dân không thèm trả, cũng chẳng cần có ý kiến.
Nghe câu chửi của ông Hưng, người ta nhớ lại câu ông Phạm Quang Nghị chửi dân sau khi dân chết ở nạn lụt năm 2008: “Tôi thấy dân bây giờ khác trước. không chịu đưa sức ra mà làm, cứ ỷ vào nhà nước cho cái nọ, cái kia”.
Khổ cái là ông nói cũng có phần đúng trong một chừng mực nào đó. Nghĩa là dân mình ‘vừa ngu, vừa tham’.
Ngu ở chỗ: Hàng ngày là cứ phải đi lại. Nếu không đi ra khỏi nhà thì sao phải đóng tiền đường, tiền cầu? Cùng lắm, thì nhà nước chỉ thu được qua phí cầu đường trong xăng dầu và phí xe máy, ô tô để trong nhà thôi chứ.

Minh họa, biểu đồ giá cả ở Việt Nam. Hình: Internet
Tham ở chỗ: Nhiều khi biết là tự giết dân mình bằng thái độ sợ hãi, vô cảm với những vụ việc phải nói lên vì sự tốt đẹp chung của cả xã hội, nhưng vì miếng ăn, vì quyền lợi nhỏ nhoi của mình mà im lặng, mặc sức cho đảng và nhà nước muốn làm gì thì làm. Vậy không tham thì là gì? Của mình, mà cứ giao cho mấy đầy tớ tiêu thoải mái trong khi đó không cần biết nó tiêu vào việc gì, cả trăm triệu đô la, cả tỷ đô la bị móc ruột, bị vứt bỏ, bị tham nhũng không biết đường nào mà lần, không dám nói, lại kêu mấy đồng tiền đường. Không tham thì là gì?
Chiều nay, báo chí đăng tin ông ta xin lỗi. Lại bài xin lỗi.
Văn hóa xin lỗi vốn xưa nay không được chế độ cộng sản ưa dùng. Nhưng, trước sức ép dư luận, từ “xin lỗi” đã được sử dụng ít nhiều.
Người ta thấy Phạm Quang Nghị xin lỗi vì câu nói vụ lũ lụt năm 2008, rồi vẫn ngang nhiên ngồi ghế cho đến 8 năm sau.
Người ta thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin lỗi nhân dân, nhận trách nhiệm chính trị, rồi ngồi múa may quay cuồng cho đến khi đảng thôi không giao nhiệm vụ mới về.
Người ta thấy ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng, thay mặt đảng xin lỗi nhân dân, hứa cái lọ, cái chai… nhưng chung quy lại là vẫn cố giữ cái bình – sự độc tài của đảng.
Mới đây, người ta thấy một viên cảnh sát khu vực phường bị tố nhổ nước bọt vào người dân, rồi xin lỗi, thế là xong.
Tạm kết:
Qua những vụ việc trên, người ta mới hiểu, ngôn luận và báo chí quan trọng như thế nào trong đời sống xã hội.
Ở VN, báo chí dưới sự lãnh đạo trực tiếp tuyệt đối của đảng, tự do báo chí đã và đang đứng ở hàng cuối cùng của thế giới ngày nay. Thế nhưng, dù vậy thì khi báo chí được lên tiếng, cũng đã làm thay đổi nhiều vụ việc, bóc trần nhiều sự thật trong xã hội, không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, một con người.
Và như vậy mới hiểu, vì sao các chế độ độc tài sợ báo chí tự do đến thế.
Ngày 23/4/2016
Song Hà