ĐHY Parolin với Đại hội đồng LHQ: Hòa bình được xây dựng dựa trên tình huynh đệ

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một thông điệp video tới Đại hội đồng Liên hợp quốc và đề cập đến các chủ đề khác nhau, từ đại dịch, Hội nghị COP26 sắp tới ở Glasgow, chiến tranh và việc giải trừ hạt nhân.

Liên hợp quốc sẽ tổ chức Đại hội đồng lần thứ 76 trong tuần này, với việc các nguyên thủ quốc gia và chính phủ triệu tập tại New York để thảo luận về chủ đề bao trùm: “Xây dựng khả năng phục hồi thông qua hy vọng”.

Vatican, vốn được hưởng tư cách quan sát viên thường trực tại LHQ, đã tham gia sự kiện này thông qua các đại diện và thông điệp video cho các sự kiện khác nhau.

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã gửi đến các tham dự viên lời chúc mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một thông điệp video được phát hành vào sáng Chúa nhật.

Niềm hy vọng sống động

Đức Hồng Y Parolin đã mở đầu thông điệp video của mình với việc suy tư về sự khác biệt giữa hy vọng và sự lạc quan.

Sự lạc quan, Đức Hồng Y Parolin lưu ý, chỉ là một sự kỳ vọng thụ động rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, trong khi hy vọng đòi hỏi chúng ta phải có phản ứng tích cực để giải quyết rất nhiều vấn đề mà thế giới hiện đang phải đối mặt.

“Hy vọng giúp chúng ta có được động lực khi các vấn đề và bất đồng dường như không thể giải quyết được, nó tạo điều kiện cho sự tha thứ, ý thức rằng chỉ thông qua hòa giải mới có thể có được một tương lai tốt đẹp hơn”, Đức Hồng Y Parolin nói.

Đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe

Kế đến, Đức Hồng Y Parolin đã đề cập đến đại dịch Covid-19 đang diễn ra và sự cần thiết cần phải trỗi dậy với một “ý thức mới về tinh thần liên đới huynh đệ”.

Đại dịch đã chỉ ra rằng các quốc gia cần phải tái xem xét hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ, vốn đã khiến nhiều người không được chăm sóc đầy đủ và nhiều người ở các quốc gia nghèo hơn không được tiếp cận với vắc-xin cứu sinh.

“Thậm chí ngay cả ngày nay, nhiều người không có quyền tiếp cận với việc xét nghiệm, chăm sóc cơ bản, vắc xin hoặc thậm chí là cơ sở hạ tầng năng lượng vốn có thể giúp cho việc chăm sóc như vậy trở nên khả thi”, Đức Hồng Y Parolin nói.

Nhiều năm tiến bộ bị hủy hoại

Đức Hồng Y Parolin cũng cho biết thế giới đã mất đi 5 năm tiến bộ trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cần đạt được vào năm 2030 do coronavirus.

Đức Hồng Y Parolin kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tái xem xét các hệ thống kinh tế vốn bóc lột con người và môi trường vì lợi nhuận, một chủ đề mà hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 sắp tới ở Glasgow, Scotland, sẽ tìm cách giải quyết.

Đức Hồng Y Parolin cho biết đã quá khoảng thời gian để hành động nhằm cứu vãn trái đất. “Chúng ta buộc phải củng cố tham vọng của mình”, Đức Hồng Y Parolin nói, “vì chúng ta hiện đang phải trải qua những tác động của nhiều thập kỷ không hoạt động xét về tình trạng lũ lụt khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng, sông băng tan chảy, bờ biển lùi xa dần, suy dinh dưỡng và các bệnh về đường hô hấp mà tình trạng nhiệt độ tăng đang gây ra”.

Chiến tranh và sự ích kỷ

Chiến tranh, Đức Hồng Y Parolin tiếp tục, đã cướp đi hy vọng và khát vọng của nhiều người trẻ tuổi ở những nơi đầy rẫy các cuộc xung đột trên thế giới.

Đức Hồng Y Parolin nhắc lại cuộc biến động gần đây ở Afghanistan và những căng thẳng chính trị tiếp tục ở Lebanon và Syria, vốn nhắc nhở chúng ta rằng “các cuộc xung đột ảnh hưởng đến các dân tộc và các quốc gia”.

Và Đức Hồng Y Parolin cũng đã lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về một lệnh ngừng bắn trên toàn cầu.

Các loại vũ khí hóa học, vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác tạo ra “đặc tính của sự sợ hãi dựa trên sự hủy diệt lẫn nhau, và đầu độc các mối quan hệ giữa các dân tộc, cản trở đối thoại và làm suy yếu niềm hy vọng”.

Cái gọi là ‘các quyền mới’

Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Parolin cho biết thêm, coi một trong những nguyên nhân gốc rễ của chiến tranh và xung đột là “cuộc khủng hoảng của các mối quan hệ giữa con người với nhau”, vốn là kết quả của lối sống bị chi phối bởi sự ích kỷ và nền văn hóa thải loại.

Đức Hồng Y Parolin cho biết nhiều người đã bị ngược đãi, bóc lột, bị bỏ qua, hoặc bị giết hại vì sự ích kỷ và coi thường phẩm giá con người.

Những người này bao gồm những người tị nạn và những người di cư, người già và trẻ em vô tội, cũng như các tín đồ tôn giáo phải chịu đựng sự sách nhiễu hoặc tệ hơn vì đức tin của họ.

Đức Hồng Y Parolin cũng phản đối việc áp đặt “những cách giải thích lạ thường về các quyền con người hiện tại, tách biệt khỏi các giá trị phổ quát cơ bản của chúng”.

“Trong nhiều trường hợp, ‘các quyền mới’ không chỉ mâu thuẫn với các giá trị mà chúng được cho là phải ủng hộ mà còn được áp đặt mặc dù không có bất kỳ nền tảng khách quan hoặc sự đồng thuận quốc tế nào”, Đức Hồng Y Parolin nói. “Tòa Thánh tin rằng trong khi tước bỏ các quyền con người từ chiều kích phổ quát ban đầu của chúng, những cách giải thích cục bộ mới này, một cách đáng buồn, đã trở thành tiêu chuẩn ý thức hệ của ‘sự tiến bộ’ giả tạo và một nền tảng khác cho sự phân cực và sự chia rẽ ”.

Khả năng phục hồi trong tinh thần huynh đệ

Đức Hồng Y Parolin cho biết rằng khả năng phục hồi phải được xây dựng thông qua tình huynh đệ, hy vọng và sự đồng thuận trong các tổ chức quốc tế, đồng thời bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền sống, quyền tự do lương tâm và tôn giáo.

Cuối cùng, Đức Hồng y Parolin kết thúc bài diễn văn của mình trước Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đất nước Iraq bị tàn phá bởi chiến tranh vào hồi đầu năm nay.

“Sẽ không có hòa bình chừng nào chúng ta coi người khác là họ chứ không phải chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Sẽ không có hòa bình chừng nào liên minh của chúng ta chống lại những người khác, vì liên minh của một số người chống lại những người khác chỉ làm gia tăng sự chia rẽ. Hòa bình không đòi hỏi kẻ thắng hay người thua, mà là những người anh chị em, những người, vì tất cả những hiểu lầm và tổn thương trong quá khứ, đang khởi đi từ sự xung đột đến sự thống nhất”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube