Đề xuất kế hoạch 5 năm của Trung Quốc nhấn mạnh Thuyết ưu sinh trong chính sách sinh sản

Quốc kỳ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. (Ảnh: esfera / Shutterstock)

Quốc kỳ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Ảnh: esfera / Shutterstock)

Đề xuất kế hoạch 5 năm mới nhất của chính phủ Trung Quốc bao gồm chính sách sinh đẻ tập trung vào thuyết ưu sinh, một học giả về Trung Quốc cho biết trong tuần này.

Trung Quốc, được biết đến với chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, hiện đang tìm cách chống lại tình trạng dân số già bằng cách khuyến khích phụ nữ Trung Quốc sinh thêm con – nhưng chỉ một số thành phần phụ nữ nhất định.

Trong số các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc được liệt kê trong kế hoạch chi tiết chính sách cho những năm 2021-2025 là “tối ưu hóa chính sách sinh đẻ” và “cải thiện chất lượng dân số”.

“Tôi thực sự rất lo lắng”, giáo sư Leta Hong Fincher người Columbia chia sẻ với một nhóm chuyên gia về Trung Quốc thông qua liên kết video tại một sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) vào ngày 13/11.

“Điều thu hút sự chú ý của tôi là họ thực sự sử dụng ngôn ngữ cụ thể nói rằng Trung Quốc cần phải ‘nâng cấp chất lượng dân số’. Họ cần phải ‘tối ưu hóa chính sách sinh đẻ của mình’. Họ thậm chí còn sử dụng một thuật ngữ… đang nhấn mạnh một cách hiệu quả vai trò của thuyết ưu sinh trong kế hoạch hóa dân số ở Trung Quốc”, giáo sư Hong Fincher nói.

Bà Hong Fincher là giáo sư trợ giảng tại khoa nghiên cứu Đông Á của Columbia và là tác giả của cuốn sách “Những phụ nữ thừa thãi: Sự trỗi dậy của bất bình đẳng giới ở Trung Quốc”. Bà là người Mỹ đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Xã hội học tại Đại học Thanh Hoa, thường được gọi là “Đại học Harvard của Trung Quốc”.

Bà Hong Fincher cho biết rằng kế hoạch kiểm soát sinh sản của chính phủ Trung Quốc là một phần trong mục tiêu của chế độ nhằm duy trì vấn đề an ninh nội bộ bằng cách khuyến khích sự phát triển của người Hán, nhóm sắc tộc thống trị ở Trung Quốc, đồng thời hạn chế một cách có hệ thống vấn đề sinh sản của một nhóm sắc tộc thiểu số, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

“Chúng tôi nhận thấy điều đó đang xảy ra ở Tân Cương với việc cưỡng bức triệt sản những phụ nữ Hồi giáo Uyghur một cách đặc biệt. Và ngôn ngữ trong kế hoạch gợi ý cho tôi rằng chính phủ sẽ tiếp tục điều đó”, bà Hong Fincher nói.

“Bạn đã nhận thấy tỷ lệ sinh ở Tân Cương giảm đáng kể, và ngược lại, chính phủ cũng đang cố gắng thuyết phục những phụ nữ gốc Hán có trình độ đại học sinh thêm con”.

Chính quyền khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc đã thừa nhận rằng tỷ lệ sinh đã giảm gần một phần ba trong năm 2018, phần lớn tỷ lệ giảm được cho là do việc “thực hiện tốt hơn chính sách kế hoạch hóa gia đình”.

Vào tháng 6, một cuộc điều tra của AP đã phát hiện một chiến dịch có hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm kiểm tra thai kỳ và cưỡng bức phá thai, triệt sản và cấy vòng tránh thai đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm sắc tộc thiểu số khác ở Tân Cương.

Tại Tân Cương, ước tính có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ, thành viên của một nhóm tôn giáo Hồi giáo, đã bị giam giữ trong các trại cải tạo. Bên trong các trại này, họ được cho là bị lao động cưỡng bức, bị tra tấn và bị tuyên truyền chính trị. Bên ngoài các trại cải tạo, những người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát bởi lực lượng cảnh sát đông đảo và công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Một tài liệu bị rò rỉ từ một quận ở Tân Cương đã nêu chi tiết thông tin cá nhân của khoảng 3.000 người Uyghur. Nó cho rằng việc vi phạm các chính sách kiểm soát sinh sản chính là lý do phổ biến nhất cho việc “bị cải tạo” của họ, thường cùng với các lý do khác.

“Tất nhiên bối cảnh của tất cả những điều này là dân số Trung Quốc đang già đi một cách nghiêm trọng. Và điều thú vị, đáng lo ngại, đối với tôi, đó chính là ngôn ngữ của họ về tình trạng dân số già bị gộp chung cùng với nhu cầu cải thiện chính sách sinh đẻ: để nuôi dưỡng một dân số chất lượng cao hơn”, giáo sư Hong Fincher nói.

Năm 2019, số trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc thấp nhất kể từ sau chiến dịch Đại nhảy vọt (Great Leap Forward) của Mao Trạch Đông, kế hoạch 5 năm thứ hai của ĐCSTQ từ năm 1958 đến năm 1962, dẫn đến nạn đói giết chết hàng chục triệu người.

Kế hoạch 5 năm trước đó của Trung Quốc, bao gồm giai đoạn từ năm 2016-2020, đã thay đổi chính sách một con của nước này thành chính sách hai con, nhưng tỷ lệ sinh tiếp tục giảm.

Các nguồn tin Trung Quốc cũng chỉ ra rằng các chính sách sinh đẻ được liệt kê trong đề xuất kế hoạch 5 năm, được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào ngày 29/10, lần đầu tiên liệt kê mục tiêu “phát triển hệ thống dịch vụ kế hoạch hóa gia đình toàn diện”.

Tờ Global Times, tờ báo tiếng Anh của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, phản ánh quan điểm của chính quyền Trung Quốc, giải thích lời kêu gọi “kế hoạch hóa gia đình toàn diện” này là hướng tới việc cấp cho các cặp đồng tính và phụ nữ chưa kết hôn quyền nuôi con.

Phiên bản cuối cùng của kế hoạch 5 năm mới nhất sẽ không được thông qua cho đến khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nhóm họp vào tháng 3 năm 2021.

Tại sự kiện của bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), “Nỗ lực của Trung Quốc: Phân tích ban đầu về Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc”, giáo sư Hong Fincher cho biết rằng kế hoạch của chính phủ Trung Quốc kêu gọi việc ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài đối với các vấn đề của Hồng Kông và Macao, và đồng thời kêu gọiTrung Quốc “cẩn trọng và kiểm soát các hoạt động đòi độc lập và ly khai của Đài Loan”.

Giáo sư Hong Fincher rằng vị tân Tổng thống của Hoa Kỳ cần phải biểu lộ một cách rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ kiên quyết ủng hộ Đài Loan.

“Tôi nghĩ rằng chính quyền sắp tới của Biden nên cảnh giác với một Trung Quốc quá trơ tráo”, bà Hong Fincher nói.

“Chính quyền Biden cần phải tuyên bố thực sự mạnh mẽ rằng họ đang bảo vệ nhân quyền. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm nhân quyền vì những gì đang xảy ra ở Tân Cương”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube