Những thông tin về việc nhà cầm quyền Thừa Thiên – Huế chiếm đoạt đất đai của Đan Viện Thiên An – một dòng tu tại Đồi Thiên An, ngoại vi Thành phố Huế – đã gây nhức nhối công luận không phải gần đây mà đã từ rất lâu. Thậm chí từ cách đây cả gần chục năm, Bề trên Đan viện Huỳnh Quang Sanh đã phải ra tận Hà Nội để kêu cứu vì chuyện nhà cầm quyền dùng bạo lực và bất chấp luật pháp chiếm đoạt đất đai tôn giáo tại đây.
Sự hình thành một đan viện vì con người
Các Đan sĩ ở đây cho biết: Từ những năm 1940, hai linh mục người Pháp cũng là hai đan sĩ từ Pháp đã sang đây mua mảnh đất này để trồng thông và lập Đan viện Thiên An tại đây.
Theo bản đồ của Ty Điền địa Thừa Thiên – Huế cấp cho Đan viện Thiên An, tổng diện tích của Đan Viện là 107 ha.
Tại đây, Đan viện Thiên An đã xây dựng một trường tiểu học, trại cô nhi, trại cá và xây dựng Đồi Đức Mẹ, Đồi Thánh Giá và một đập nước cung cấp nước cho cả khu vực.
Kể từ đó, Đan viện Thiên An tồn tại và sử dụng nơi này liên tục, kể cả sau biến cố 1975.
Năm 1976, nhà nước đến “mượn” nhà trường Tiểu học, sau đó xin cho Ty Lâm nghiệp được “quản lý đồi thông”. Việc mượn này có giấy tờ mượn cái nhà hẳn hoi. Thế nhưng, câu chuyện chó sói gửi chân đã bắt đầu từ đây. Văn bản “mượn” nhà Trường của Đan viện Thiên An được đưa đến và cứ vậy họ chiếm dụng từ đó đến nay, tròn 40 năm không trả lại.
Năm 1998, nhà nước có văn bản “thu hồi” 49 ha “đất hoang”, thế nhưng, thực tế họ đã chiếm đất của Đan viện, nơi đã trồng cây và chăm bón suốt nửa thế kỷ trước cho đến lúc đó. Trước khi “thu hồi” không hề có một buổi làm việc, hoặc bất cứ một sự bồi thường tài sản cho Đan Viện.
Oái oăm hơn nữa, là văn bản “thu hồi” đất đã không được giao cho Đan viện, là bên đang sở hữu và sử dụng khu đất đó, mà bí mật giao cho UBND Tỉnh, Lâm trường và UBND Xã Thủy Bằng. Cho đến khi biết đất đai, tài sản bỗng dưng bị “thu hồi”, Đan viện mới tá hỏa và đi tìm, nhờ người quen mới copy được văn bản “thu hồi” đất của mình.
Sự bất minh, lúng túng và lén lút đã vấp phải sự phản ứng của người có lương tâm và các Đan sĩ ở đây.
Thế nhưng nhà cầm quyền đã phớt lờ tất cả. Chắc bởi họ cậy có súng nhà tù và bạo lực trong tay.
Khi được hỏi về việc tại sao một chính quyền lại làm việc bất minh và lén lút vậy, các đan sĩ ngơ ngác không biết trả lời ra sao. Một người bạn đi cùng chúng tôi buông lời bình luận: Cũng phải thôi, đến phong anh hùng cho người cầm đầu đảng Cộng sản ở tỉnh này là Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, người ta vẫn làm được bằng cách gian dối cơ mà. Nếu không bị bóc trần, hẳn ông ta sẽ tiếp tục rao giảng: “Ông học ở Bác phong cách dám làm, dám chịu trách nhiệm, khi khó khăn nhất thì người lãnh đạo phải dũng cảm đi đầu …”. Với những cán bộ “ưu tú” của đảng như vậy, thì những hành động lén lút của nhà cầm quyền Thừa Thiên – Huế ới Đan viện Thiên An là điều không khó diễn ra.
Vậy thì việc lén lút làm các văn bản về đất đai của Đan viện chẳng có gì là lạ trong chế độ Cộng sản này.
Nhà nước pháp quyền “bảo hộ và tôn trọng quyền tự do tôn giáo”?
Kể từ khi người Cộng sản cướp được chính quyền 1945, trong tất cả mọi “bản” gọi là Hiến Pháp Việt Nam như 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều chứa đựng những điều với nội dung như sau: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Thế nhưng, sự “bảo hộ” đó được thực hiện như thế nào thì chỉ cần xem hiện trạng sau mấy chục năm được nhà nước “tôn trọng và bảo hộ”, hiện có 2.500 cơ sở của riêng Giáo hội Công giáo đã bị cướp đi, rơi vào tay nhà nước. Thế rồi, từ các cơ sở tôn giáo được dùng để phục vụ cộng đồng, xã hội, người nghèo… nó bị đem ra chia chác, mua bán biến dạng cho đến nay đã trở thành khách sạn, nhà ở, biệt thự…
Câu hỏi không bao giờ được trả lời trong các buổi chất vấn, trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền là “Nhà nước bảo hộ kiểu gì mà một tôn giáo được nhà nước công nhận ngay từ đầu, đến nay tài sản bị cướp chính bởi nhà nước bảo hộ mà không có bất cứ một văn bản, chính sách nào có hiệu lực pháp luật”?
Không trả lời được câu hỏi này, thì tự nhà cầm quyền đã chứng minh rất rõ ràng câu thơ trong bài Á tế á ca thuở trước, điều khác duy nhất là Tây ngày xưa đã được thay bằng Đảng Cộng sản ngày nay:
Miệng bảo hộ mà tay bóc lột
Mặt nhân từ mà ruột hiểm sâu
Không phải ngẫu nhiên, mà hàng năm, trong các báo cáo nhân quyền của Quốc hội Mỹ cũng như các tổ chức nhân quyền thế giới, Việt Nam luôn được “vinh danh” trong việc đàn áp tôn giáo. Có thể là VN sẽ la lối um sùm đủ cách, thế nhưng, chỉ riêng dẫn chứng trên đây đã nói lên tất cả. Tự nó đã vạch trần những điều được ghi trong cái gọi là Hiến pháp VN được thực thi ra sao.
Đan viện Thiên An được thành lập từ xa xưa, đất đai được mua bằng tiền, cây cối nhà cửa được xây dựng hợp pháp bằng công sức của Đan viện, bỗng nhiên một ngày đẹp trời nhà nước cộng sản nhảy vào “bảo hộ”. Thế là đất đai, nhà cửa, tài sản của đan viện không cánh mà bay, không chân mà bò sang thành đất nhà nước.
Nhiều chiêu trò đã được áp dụng để cướp đất của Đan viện nơi đây và những chiêu trò này người ta không lạ lùng gì nếu quan tâm đến những cách cướp đất tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng sản xưa nay.
Trước hết, đó là “mượn” để sử dụng. Chiêu trò này đã từng xảy ra với Tu viện Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà, Dòng CCT Nha Trang và nhiều nơi khác.
Xưa nay, theo lẽ thường tình, thì đã mượn, đã vay là phải trả, chỉ có khi người ta cho mới được giữ, được lấy. Khác với những điều thông thường đó, thì theo Tiếng Việt, hành động đó gọi là “cướp”. Trên đất nước Việt Nam muôn đời nay, hành động cuớp bóc chỉ dành cho đám lục lâm thảo khấu, những kẻ không mang trong mình tính người đi cướp của đồng loại.
Thế nhưng, từ ngày những người Cộng sản cướp được chính quyền năm 1945, thì nạn cướp đã được chính thức công khai hóa và đưa ra thi hành trong thực tiễn bởi chính những chính sách, chính những người mang danh của cái đảng tự xưng là “đạo đức, là văn minh” – Hồ Chí Minh.
Tiếp theo, đó là “quản lý” hoặc “thu hồi”. Nhà cầm quyền CSVN là bậc thầy trong việc đánh tráo khái niệm về ngôn ngữ. Trong những buổi tranh luận với Thanh Tra Quận Đống Đa và Thanh tra Tp Hà Nội về đất đai của nhà thờ Thái Hà, khi các quan chức nhà nước cứ nhất nhất rằng “đất đai do nhà nước thống nhất quản lý”, tôi đã hỏi một số vị đó rằng: “Sinh ra một nhà nước để quản lý xã hội, thì thử hỏi có cái gì mà nhà nước không quản lý hay không? Đất đai nhà nước lại càng phải quản lý, chắc chỉ trừ Hoàng Sa và một phần Trường Sa là nhà nước không chịu quản lý mà để bạn vàng của đảng nhưng là kẻ thù của dân tộc quản lý mà thôi. Thế nhưng, quản lý đâu có nghĩa là sở hữu? Nhà nước quản lý nhà anh, cái xe anh đi bằng giấy tờ, ngay cả vợ tôi và vợ anh cũng được quản lý bằng chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Nhưng, nhà nước có cho người vào sử dụng vợ anh được không?”
Họ tảng lờ và nhắc lại điệp khúc: Nhà nước thống nhất quản lý.
Thậm chí, nhiều khi chẳng cần lý lẽ, hoặc khi lý lẽ không đủ để có thể giải thích những câu hỏi, những đòi hỏi luật pháp từ giáo dân, Giáo hội, nhà cầm quyền sẵn sàng dùng bạo lực, chó, dùi cui và công an để giải quyết vấn đề.
Và Đan viện Thiên An là một trong những nạn nhân của sự đàn áp dai dẳng đó.
Hà Nội, ngày 28/6/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh