Đặc trưng người môn đệ theo Tin Mừng Mt

Những nét đặc trưng của tư cách môn đệ Đức Giêsu theo Tin Mừng Mt: quy tụ quanh Đức Giêsu để học theo gương Người, lắng nghe giáo huấn của Thầy, hiểu và tin vào giáo huấn của Thầy, thực hành điều Thiên Chúa muốn

mon-deCộng đoàn quy tụ quanh Đức Giêsu để học theo gương Người

Một trong những điểm đạo lý quan trọng của Tin Mừng Mátthêu: Đức Giêsu là Đấng Sáng Lập Hội Thánh. Các môn đệ – những kẻ thuộc Nhóm 12, là khởi điểm, là hạt nhân của Hội Thánh. Họ là những người được kêu gọi và quy tụ quanh Đức Giêsu, để học theo Người. Mối tương quan “môn đệ – tôn sư” là yếu tố nền tảng, diễn tả và xác định sự hiệp nhất nên một cách liên tục giữa họ với Đức Giêsu và giữa họ với nhau. Họ được quy tụ, được thành lập để sống thành cộng đoàn – Nhóm 12.

Hạn từ “môn đệ” xuất hiện 65 lần trong Tin Mừng Mátthêu, nhằm chỉ về các môn đệ của Đức Giêsu và luôn được đặt ở số nhiều. Các môn đệ hiện diện bên cạnh Đức Giêsu một cách liên tục, trong tư cách là một cộng đoàn, ngay từ khởi đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng của Người, từ bài giảng trên núi, đến cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh, kết thúc Tin Mừng (x. Mt 5,1 – 28,16).

Bài giảng trên núi (x. Mt, 5-7) là loạt giáo huấn đầu tiên Đức Giêsu dành cho cộng đoàn này. Bài giảng trình bày Đức Giêsu là Môsê mới, ban Luật của sự công chính mới, trước hết cho các môn đệ. Môn đệ đặt niềm tin vào Đức Giêsu, vì Người chính là Đấng đến để kiện toàn những gì đã được sách Luật Môsê và các Ngôn Sứ nói đến (x. Mt 5,17). Cộng đoàn môn đệ được mời gọi sống công chính, không phải sự công chính theo lề Luật, nhưng là công chính vì tin vào Đức Giêsu (x. Mt 5,20).

Môn đệ sống sự công chính giữa và với cộng đoàn. Cộng đoàn này có người lãnh đạo và hướng dẫn (x. Mt 10,2). Cộng đoàn này được chia sẻ quyền bính của Đức Kitô (x. Mt 10,40; 20,22). Trật tự trong cộng đoàn được đề cao và duy trì, với người lãnh đạo là Phêrô. Cộng đoàn này cũng học lấy bài học khiêm nhường (x. Mt 11,29; 23,8) và phục vụ (x. Mt 20,28).

Biết lắng nghe giáo huấn của Thầy

Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế – Đấng Mêsia mà Cựu Ước đã loan báo; Đức Giêsu chính là Đấng công bố triều đại và vương quốc của Thiên Chúa, là hai trong nhiều chủ đề thần học của Tin Mừng Mátthêu. Hai chủ đề này đan quyện nhau cách hài hòa, chặt chẽ.

Trong tư cách Đấng Mêsia đến công bố và thiết lập Nước Trời, Đức Giêsu ban bố lề luật – hiến chương Nước Trời. Trong giây phút công bố ấy, sự hiện diện của cộng đoàn các môn đệ là một sự hiện diện gần bên Đức Giêsu (x. Mt 5,1b), sự hiện diện của các môn đệ ngồi bên chân vị tôn sư, lắng nghe giáo huấn của tôn sư. Họ là những người gần gũi nhất của Đức Giêsu và là đối tượng đầu tiên để Người giáo huấn. Sự hiện diện của các môn đệ ở đây là sự hiện diện của người trong cuộc, người nhà, người anh em của Đức Giêsu (x. Mt 28,10.19).

Hiểu và tin vào giáo huấn của Thầy

Trong Tin Mừng Mátthêu, có một điểm làm nên sự khác biệt giữa thái độ lắng nghe của đám đông dân chúng và thái độ lắng nghe của các môn đệ. Môn đệ chỉ có thể hiểu được lời của Thầy, khi họ đến gần bên, ở trong Thầy và hiểu Thầy (x. Mt 13,10.36). Nghe, hiểu giáo huấn của Thầy thì sinh hoa trái dồi dào (x. Mt 13,23). Khi ở bên Đức Giêsu, họ trở thành người có phúc vì mắt được thấy những việc Đức Giêsu làm, tai được nghe những lời Đức Giêsu rao giảng (Mt 13,16) và lòng được vui thỏa điều mà các ngôn sứ mong mỏi, đợi chờ (x. Mt 13,17).

Trong cộng đoàn các môn đệ, mức độ lắng nghe của các ông còn phải vượt xa hơn những gì các ông thấy. Các ông tin và bước đi trong lòng tin, dù còn hoài nghi ngờ vực (x. Mt 14,31; 28,17). Trong tư cách là những môn đệ đích thực, họ tin tưởng vào lời của Thầy. Trong lòng tin, họ phó thác. Thái độ phó thác làm cho họ trở nên như một trẻ nhỏ, để có thể lắng nghe và cảm nhận sự nghịch thường của mầu nhiệm Nước Trời và để được nên người lớn nhất trong Nước Trời (x. Mt 18,3-4).

Chỉ những ai yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, (x. Đnl 6,5), mới thực sự đón nhận tất cả giáo huấn của Đức Giêsu (x. Mt 13,51). Các môn đệ là chứng nhân của những giáo huấn và những hành động đầy quyền năng của Thầy. Trọng tâm của đời sống môn đệ, chính là tin tưởng vào giáo huấn của Đức Giêsu và sống sứ điệp của Người về Nước Trời. Tin tưởng trong lắng nghe và đem ra thực hành điều mình tin (x. Mt 7,24).

Trong liên hệ với Đức Giêsu, vị tôn sư khác các kinh sư, biệt phái và người Phasrisêu trong lời nói cũng như hành động, các môn đệ hiểu giáo huấn của Thầy mình (x. Mt 16,12). Người giảng dạy họ như Đấng có uy quyền (x. Mt 7,29). Đức Giêsu còn vượt quá và đi xa hơn tinh thần của Luật mà các kinh sư, luật sĩ, biệt phái giải nghĩa và giảng dạy (x. Mt 12,8). Đức Giêsu giải thoát họ khỏi sự nô lệ và ràng buộc của Luật (x. Mt 12,8).

Sự hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời và con người Đức Giêsu, trên hết, không là hệ qủa tất yếu do những nỗ lực của các môn đệ, nhưng phải hơn, đó là qùa tặng, là ân ban, là phần thưởng đến từ Thiên Chúa (x. Mt 13,11), dành cho những ai đi theo, nghe và đón nhận lời Đức Giêsu (x. Mt 19,26).

Thực hành điều Thiên Chúa muốn

Một trong những điều kiện để trở nên môn đệ, trở nên người nhà của Đức Giêsu chính là thực hành điều Đức Giêsu dạy (x. Mt 12,50). Trong Tin Mừng Mátthêu, người môn đệ bộc lộ tư cách của mình ngang qua việc thi hành ý muốn của Chúa Cha. Lắng nghe và đón nhận Lời của Con, cũng là lắng nghe và thực hành ý của Chúa Cha. Nhờ lắng nghe và thực hành điều Thiên Chúa muốn, các môn đệ trở thành những người đầu tiên được Đức Giêsu giới thiệu là thân nhân, thuộc về gia đình của Ngài (x. Mt 12,46-50). Từ đó, “những ai nghe lời Thiên Chúa và hành động trong đức tin theo lời ấy, đều thuộc về gia đình của Người”.

Lòng tin lý thuyết mà không được diễn tả ra bên ngoài, trong những gì là cụ thể của đời sống, thì nào có ích gì (x. Mt 7,21-27); Nói cách khác, tin và sống điều mình tin, là hai mặt của một thực tại, phải diễn tả trong đời sống các môn đệ. Tách rời hai yếu tố ấy, người môn đệ sẽ sống cuộc sống vong thân, đánh mất chính mình.

Người môn đệ thực hành điều Thiên Chúa muốn, bằng một lối sống cụ thể: công chính hơn các Kinh sư và người Pharisêu (x. Mt 5,20). Đó là điều kiện đưa người môn đệ thuộc về Nước Trời. Công chính không do bởi giữ Luật, nhưng sống điều Thiên Chúa muốn – sống thánh ý Thiên Chúa – kế hoạch cứu độ của Người. Điều Thiên Chúa muốn nơi người môn đệ là lắng nghe, tuân giữ, thực hành Lời của Đức Giêsu và sinh hoa trái dồi dào (x. Mt 13,23). Đòi hỏi của Đức Giêsu được tóm gọn trong bài giảng trên núi – hiến chương Nước Trời. Nhờ bài giảng trên núi, người môn đệ sống chiều kích đối thần và đối nhân, trong chính thực hữu của mình và trong những gì xảy ra trong hiện tại của cuộc sống thường nhật.

Nhận biết điều Thiên Chúa muốn còn là quan sát những gì Người đang làm và đang hoàn tất trong tạo thành này, nơi chính công trình sáng tạo của Người; nói cách khác, người môn đệ cùng một lúc, sống và làm cho mình, làm cho anh chị em và tạo thành này, được thấm đẫm mầu nhiệm tình yêu cứu độ.

Micaen Gia Lâm, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết