“Tôi chắc chắn mọi người đều đồng ý rằng thỏa thuận này cần phải được công khai để mọi người có thể thẩm định nó và nó có thể được đưa ra ánh sáng và mọi người hiểu được các thông số của nó”, ông Sam Brownback, Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo, phát biểu với các nhà báo thông qua cuộc gọi hội nghị hôm 12/7.
Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo, Sam Brownback, cho biết hôm thứ Sáu rằng thỏa thuận giữa Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục nên được công khai để nó có thể được đánh giá.
“Tôi chắc chắn mọi người đều đồng ý rằng thỏa thuận này cần phải được công khai để mọi người có thể thẩm định nó và nó có thể được đưa ra ánh sáng và mọi người hiểu được các thông số của nó”, ông Brownback phát biểu với các nhà báo thông qua cuộc gọi hội nghị hôm 12/7.
Thỏa thuận, đạt được vào tháng 9 năm ngoái, được cho là cho phép cả các quan chức Trung Quốc và Đức Giáo Hoàng đưa ra quyết định về việc các giám mục nào được bổ nhiệm. Tuy nhiên, các chi tiết của thỏa thuận đã không được công khai, một thực tế đã bị chỉ trích một cách rộng rãi.
Trong chuyến thăm Hồng Kông hồi tháng 3, Đại sứ Brownback cho biết thỏa thuận này đã tạo tiền lệ tồi tệ cho sự can thiệp của chính phủ với các cộng đồng tôn giáo khác, bao gồm Phật giáo Tây Tạng và các giáo phái Kitô giáo khác.
Trả lời câu hỏi của Crux trong cuộc gọi hôm thứ Sáu, ông Brownback cho biết rằng trong khi ông không thể nói rằng cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn vì thỏa thuận này, “thì những hành động hung hăng hơn đã xảy ra đối với hầu như mọi tín ngưỡng tôn giáo tại Trung Quốc” kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được trao quyền đối với các quy định về vấn đề tôn giáo vào năm 2017.
Đề cập đến thỏa thuận Vatican với Trung Quốc, ông Brownback nói rằng “Tôi không biết rằng điều đó đã khiến cho nó trở nên tồi tệ hơn, nhưng chắc chắn tôi tin rằng sự thật là thỏa thuận này cần phải được công khai”.
Ông Brownback cho biết rằng chính phủ Trung Quốc không được mời tham gia vào việc thi hành luật pháp khi giải thích rằng: “Chúng tôi đã mời các quốc gia có cùng chí hướng, vốn ủng hộ tự do tôn giáo hoặc khao khát cam kết đối với vấn đề tự do tôn giáo hơn ở quốc gia của họ”.
“Thật không may, Trung Quốc có một thành tích tồi tệ”, ông Brownback nói, đồng thời trích dẫn các vụ vi phạm nhân quyền ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, nơi có nhiều nhóm sắc tộc thiểu số và tôn giáo, sự can thiệp của chính phủ với Phật giáo Tây Tạng và cuộc đàn áp đối với các Kitô hữu của Trung Quốc, bao gồm cả cái gọi là Cộng đồng Công giáo “hầm trú”, vốn trung thành với Rome nhưng không đăng ký với chính phủ Trung Quốc.
“Vì những lý do đó, chính phủ Trung Quốc sẽ không được mời”, ông Brownback nói. Đại diện từ Iran và từ Bắc Triều Tiên láng giềng của Trung Quốc gần đó, cũng biến mất trong danh sách khách mời.
Đối với Iran, Đại sứ Brownback chỉ trích quốc gia này vì các vụ vi phạm tự do tôn giáo, đồng thời nói rằng “Iran có một trong những kỷ lục tồi tệ nhất trên thế giới”, theo như hành động đàn áp và sách nhiễu tôn giáo.
“Dầu sao đi nữa Iran cũng đã tỏ ra không quan tâm đến việc trở thành một quốc gia tự do tôn giáo công khai”, ông Brownback nói, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng họ sẽ tăng cường nỗ lực để đảm bảo tự do tôn giáo. Tuy nhiên, “đây không phải là dấu hiệu của chính phủ Iran’, ông Brownback nói.
Hội nghị về Tự do tôn giáo lần thứ hai của Hoa Kỳ sẽ diễn ra tại Washington từ ngày 15-18 tháng 7 sắp tới.
Sự kiện năm ngoái là cuộc họp lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu về vấn đề tự do tôn giáo, được thúc đẩy phần lớn do sự gia tăng cuộc đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới.
Trong sự kiện năm nay, ngày đầu tiên sẽ được dành cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạt động xã hội dân sự thảo luận về các vấn đề tự do tôn giáo hiện tại, trong khi ngày thứ hai sẽ dành không gian cho các vị đại diện của 115 chính phủ được mời để thảo luận về những hành động cần phải được thực hiện đối với mặt trận tự do tôn giáo trong suốt quá trình cả năm.
Hơn 20 người thuộc các tôn giáo khác nhau sẽ tham dự, những người đã trải qua cuộc đàn áp do đức tin của họ, bao gồm cuộc hội thảo mở đầu bao gồm một giáo sĩ Do Thái đại diện cho cộng đồng nơi xảy ra vụ xả súng nhằm vào giáo đường San Diego hôm 27 tháng 4 vừa qua; một Kitô hữu làm việc với các nạn nhân của vụ đánh bom đẫm máu xảy ra hôm lễ Phục sinh tại Sri Lanka; và một tín đồ Hồi giáo là nạn nhân của vụ tấn công nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo hôm 15 tháng 3 tại thành phố Christchurch, New Zealand.
Trong số những vị khách nổi bật đó chính là Nadia Murad, một phụ nữ Yazidi và người đoạt giải Nobel Hòa bình đã bị ISIS bắt cóc vào năm 2014 và bị giam giữ trong ba tháng, và vị mục sư Tin Lành người Mỹ Andrew Brunson, người đã bị cầm tù ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016 sau khi thất bại đảo chính và bị giam giữ trong hai năm.
Diễn ra tại Bộ Ngoại giao, hội nghị sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 7 với một cuộc họp với các nạn nhân bị đàn áp tại bảo tàng Holocaust, và sự kiện sẽ kết thúc vào ngày 18 tháng 7 với một buổi chiêu đãi lớn tại Bảo tàng quốc gia về lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Phi châu.
Sẽ có khoảng 80 sự kiện bên lề được tài trợ bởi các nhóm hoạt động xã hội. Do có số lượng lớn các tham dự viên tham gia, địa điểm thứ hai cho sự kiện đã được thiết lập tại Đại học George Washington.
“Nỗ lực của chúng tôi đó chính là khuấy động các hoạt động”, ông Brownback nói. “Chúng tôi muốn nhìn thấy một phong trào mang tính chất toàn cầu và cơ sở xung quanh vấn đề tự do tôn giáo. Chúng tôi muốn gắn kết các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau lại với nhau và đồng thời đấu tranh cho vấn đề tự do tôn giáo của nhau”, bởi vì “mỗi tôn giáo chiếm đa số cũng đều là một nhóm thiểu số ở một nơi khác”.
Ông Brownback nhấn mạnh rằng mục tiêu không phải là để đạt đến “một nền thần học chung”, và “không có nền thần học chung trong cuộc thảo luận này”. Thay vào đó, mục tiêu đó chính là nỗ lực hướng tới “nhân quyền chung của con người, và nhân quyền đó đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều có quyền được tự do thực hành đức tin của mình và không phải sợ hãi”.
Đại sứ Brownback cho biết ông hy vọng sẽ địa phương hóa “hội nghị bàn tròn” về tự do tôn giáo, đánh giá tình trạng tự do tôn giáo trên toàn thế giới, trong cả bối cảnh khu vực và những bối cảnh cụ thể.
Đại sứ Brownback cho biết rằng những hành động cụ thể sẽ được thực hiện, chẳng hạn như việc in lại một số sách giáo khoa nhất định “để các nhóm thiểu số không bị bôi nhọ”.
Thông báo từ các chính phủ khác nhau về những hành động cụ thể mà họ dự định thực hiện trong năm tới sẽ được đưa ra vào ngày cuối cùng, ông Brownback nói, đồng thời gọi sự kiện này là “một sáng kiến chính sách đối ngoại quan trọng”về một vấn đề “vốn đã không được chú trọng trên toàn thế giới, đặc biệt là với số lượng các cuộc bức hại đang diễn ra trong những năm gần đây và đang có xu hướng gia tăng”.
“Tôi muốn đẩy lùi điều đó và bắt đầu một phong trào được thúc đẩy theo cách khác”, ông Brownback nói, đồng thời cho biết thêm rằng “Chúng tôi thực sự hy vọng đây sẽ chính là sự ra mắt của phong trào ở cấp cơ sở trên toàn cầu”.
Minh Tuệ (theo Crux)