Đặc phái viên Vatican cảnh báo Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về 'sự phân biệt chủng tộc công khai'

Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York. (Ảnh: Vatican News)

Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York. (Ảnh: Vatican News)

Suy nghĩ “méo mó” rằng người này tốt hơn người khác đi ngược lại Giáo lý Công giáo và đi ngược lại các nguyên tắc phổ quát được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, Đặc sứ Liên Hợp Quốc của Tòa Thánh phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.

Chủ đề của cuộc họp vào ngày 21 tháng 3 tại trụ sở Liên Hợp Quốc là tính cấp bách của việc chống phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc sau 75 năm kể từ khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tuyên bố đó.

Trích dẫn từ tuyên bố quốc tế, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia phát biểu tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc xoay quanh “sự hiểu biết méo mó rằng một người trổi vượt hơn người khác, hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc nền tảng rằng ‘tất cả mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền'”.

Bất chấp cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm xóa bỏ điều này, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục “tái xuất hiện”, Đức Tổng Giám mục Caccia, Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc cảnh báo.

“Cứ như thể nó là ‘một loại vi-rút nhanh chóng biến đổi và thay vì biến mất, lại lẩn trốn và rình rập chờ đợi’”, Đức Tổng Giám mục Caccia phát biểu tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc, lần này trích dẫn từ Thông điệp Fratelli Tutti năm 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Đức Tổng Giám mục Caccia kêu gọi các chính phủ trên thế giới ban hành luật giải quyết “sự phân biệt chủng tộc công khai” và đồng thời thúc đẩy “một nền văn hóa gặp gỡ, liên đới và tinh thần huynh đệ nhân loại đích thực” nhằm chống lại “một cách hiệu quả” những gì ngài nói là những định kiến chủng tộc tồn tại ở “cấp độ sâu hơn…bao trùm lấy mọi khía cạnh của xã hội”.

Sau đó, khi đề cập đến Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, tác phẩm năm 2004 do Thánh Gioan Phaolô II đề nghị nhằm củng cố và tổ chức Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, Đức Tổng Giám Mục Caccia nói với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc: “Chỉ có sự công nhận phẩm giá con người mới có thể tạo điều kiện cho sự phát triển chung và cá nhân của mọi người và mọi xã hội”.

“Để kích thích hình thức tăng trưởng này, cần phải đặc biệt đảm bảo các điều kiện về cơ hội bình đẳng cho nam giới và phụ nữ, và đồng thời đảm bảo sự bình đẳng khách quan giữa tất cả mọi người”, Đức Tổng Giám Mục Caccia nói.

Đức Tổng Giám mục Caccia kết luận những lời phát biểu nhận xét của mình bằng cách bày tỏ sự bận tâm của Tòa Thánh đối với vấn nạn phân biệt chủng tộc và định kiến chủng tộc đôi khi nhắm vào những người di cư và những người tị nạn.

Về phần mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield lưu ý rằng mặc dù Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền tuyên bố tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền, nhưng Hoa Kỳ “không phải lúc nào cũng thực hiện đúng cam kết này”.

“Chúng tôi có một lịch sử phân biệt chủng tộc lâu đời… không ai phủ nhận điều đó. Và cá nhân tôi cũng đã bị phân biệt đối xử”, Thomas-Greenfield, một trong hai phụ nữ da đen duy nhất từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, cho biết.

“Tuy nhiên, tôi tự hào, tôi rất tự hào về đất nước của mình và những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được, và chúng tôi vẫn đang nỗ lực cho đến ngày hôm nay để giải quyết những vấn đề này”, bà Thomas-Greenfield phát biểu trước Đại hội đồng LHQ.

Thị trưởng thành phố New York Eric Adams, diễn giả khách mời tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc, cũng kể lại việc phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, và đồng thời giải thích những gì thành phố của ông đang thực hiện về vấn đề này.

 “Với tư cách là Thị trưởng người da đen thứ hai của Thành phố New York, tôi biết cảm giác bị từ chối như thế nào và hiểu nỗi đau của rất nhiều người phải đối mặt với những trở ngại hàng ngày trước các cơ hội”, ông Adams nói trong bài phát biểu của mình.

Phân biệt đối xử, ông Adams nói, “không có biên giới”.

“Chúng ta nhận thấy sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta thấy sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chúng ta nhận thấy điều đó trong vấn đề biến đổi khí hậu”, ông Adams nói. “Chúng ta nhận thấy điều đó trong việc tiếp cận với nước sạch và thực phẩm lành mạnh”.

Thành phố New York hiện đang “dẫn đầu” cuộc chiến chống lại vấn nạn phân biệt chủng tộc như vậy, ông Adams giải thích, thông qua các khoản đầu tư vào các tổ chức cộng đồng nhằm nắm lấy sự đa dạng và chống lại sự thành kiến thiên vị, và bằng cách thu hẹp khoảng cách cơ hội thông qua nhiều việc làm, đào tạo nghề và nhà ở giá cả phải chăng.

“Chúng ta đang đạt được sự tiến bộ, nhưng chúng ta phải tiếp tục phát triển… với tư cách là một thành phố, một quốc gia và một cộng đồng quốc tế”, ông Adams nói.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube