Đặc phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô: Chủ nghĩa đa phương là chìa khóa để cùng chia sẻ ‘phòng khách của thế giới’

Đức Hồng Y Matteo Zuppi (Nguồn: Chụp màn hình từ Youtube)

Đức Hồng Y Matteo Zuppi (Ảnh chụp màn hình từ Youtube)

Đặc phái viên cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô cho cuộc chiến ở Ukraine cho biết rằng chủ nghĩa đa phương, nghĩa là sự hợp tác giữa nhiều quốc gia và các chủ thể quốc tế, là cách duy nhất để đối mặt với những thách thức đương thời, nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng cách tiếp cận như vậy ngày nay “đang gặp khó khăn nghiêm trọng”.

Về thuật ngữ ngoại giao, “chủ nghĩa đa phương” thường được hiểu là một giải pháp thay thế cho sự thống trị đơn phương trong các vấn đề toàn cầu của một hoặc nhiều siêu cường, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Đức Hồng Y Matteo Zuppi cho biết hôm 27 tháng 8 rằng chủ nghĩa đa phương là “không thể thiếu bởi vì đó là cách duy nhất để chuyển tải nhận thức đầy đòi hỏi rằng ‘tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền’, tầm nhìn tuyệt vời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ‘Fratelli Tutti’, cũng biến nó thành nơi của sự hiểu biết, thảo luận, đánh giá, và… tại sao không? .. cũng như việc đưa ra quyết định”.

Đức Hồng Y Zuppi đã đề cập đến Thông điệp “Fratelli Tutti” năm 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô, trọng tâm của thông điệp này là lời kêu gọi tinh thần liên đới nhân loại lớn hơn.

Đức Hồng Y Zuppi, 67 tuổi, nhân vật kỳ cựu của Cộng đồng Sant’Egidio, một phong trào mới nhằm giải quyết xung đột và đối thoại đại kết và liên tôn, là Chủ tịch của Hội đồng Giám mục đầy quyền lực của Ý.

Vào tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn Đức Hồng Y Zuppi làm đại diện cá nhân của mình liên quan đến cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine. Ngài đã thực hiện các chuyến thăm tới Kiev, Moscow và Washington và dự kiến sẽ sớm tới Bắc Kinh.

Nhận xét của Đức Hồng Y Zuppi về chủ nghĩa đa phương được đưa ra trong một thông điệp video cho một hội nghị từ ngày 29 đến 30 tháng 8 ở Venice dành riêng về chủ đề “quyền lực mềm”, một cụm từ do nhà khoa học chính trị Joseph Nye của Đại học Harvard đặt ra để đề cập đến việc đạt được các mục tiêu thông qua sự thuyết phục và sức hấp dẫn của các lý tưởng. Nó trái ngược với “quyền lực cứng”, nghĩa là sức mạnh kinh tế và quân sự.

Hội nghị được tổ chức bởi “Câu lạc bộ quyền lực mềm”, một tổ chức được thành lập bởi chính trị gia trung tả người Ý Francesco Rutelli, người từng giữ chức Thị trưởng Rôma từ năm 1993 đến năm 2001 và Phó Thủ tướng từ năm 2006 đến năm 2008.

Đức Hồng Y Zuppi đã lấy châu Âu làm ví dụ về những khó khăn mà chủ nghĩa đa phương ngày nay phải đối mặt.

“Chúng ta phải tìm ra các quy tắc cho chủ nghĩa đa phương này, điều mà trên thực tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng”, Đức Hồng Y Zuppi nói. “Hãy nghĩ đến những khó khăn đối với Châu Âu, vốn rất đa phương nhưng cần có sự tổng hợp và đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm ra một giải pháp hiệu quả, có khả năng ứng phó với những thách thức mà Châu Âu phải đối mặt, mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt”.

Đức Hồng Y Zuppi lập luận rằng mặc dù tầm nhìn đằng sau chủ nghĩa đa phương là rõ ràng nhưng nó cần một cơ cấu thể chế mạnh mẽ và rõ ràng hơn để hoạt động hiệu quả trong các vấn đề toàn cầu.

“Tôi tin rằng con đường của chủ nghĩa đa phương, nhiệm vụ khó khăn trong việc tập hợp các ảnh hưởng, các dòng lịch sử sâu xa nằm im dưới lòng đất, là con đường tìm ra những phản ứng thích hợp”.

“Đối với tôi, tầm nhìn vẫn là tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Fratelli Tutti’. Nhưng, tầm nhìn đó cần những công cụ, nó cần một khuôn khổ thể chế”, Đức Hồng Y Zuppi nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong các vấn đề quốc tế, dành phần lớn bài phát biểu năm 2019 của ngài với các cơ quan ngoại giao được Tòa Thánh công nhận về chủ đề này.

“Điều kiện không thể thiếu cho sự thành công của ngoại giao đa phương là sự thiện chí của các bên, sự sẵn sàng đối xử với nhau một cách công bằng và trung thực, cũng như sự cởi mở trong việc chấp nhận những thỏa hiệp không thể tránh khỏi nảy sinh từ các tranh chấp”, Đức Thánh Cha nói.

Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “bất cứ khi nào thiếu một trong những yếu tố này, kết quả sẽ là việc tìm kiếm các giải pháp đơn phương và cuối cùng là sự thống trị của kẻ mạnh đối với kẻ yếu”.

Chính trị gia Rutelli cho biết “quyền lực mềm”, khả năng tập hợp nhiều chủ thể khác nhau lại với nhau vì những lý tưởng chung, là điều cần thiết.

“Quyền lực mềm, sức mạnh thuyết phục, ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết, trong một thế giới đang thay đổi đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”, chính trị gia Rutelli nói. “Lịch sử dạy rằng quyền lực mềm không thể thay thế quyền lực cứng, sức mạnh quân sự và kinh tế, nhưng nó cũng dạy rằng không quyền lực nào có thể tồn tại lâu dài nếu không có sự đồng thuận”.

Trong thông điệp video dài 4 phút của mình, Đức Hồng y Zuppi cho biết cách tiếp cận quyền lực mềm đặc biệt quan trọng ngày nay, “Khi chúng ta nhận thấy những khó khăn to lớn mà các thế lực từng có khả năng kiểm soát và cân bằng các trao đổi và ảnh hưởng toàn cầu phải đối mặt. Giờ đây, chúng ta phải tìm kiếm cách thức khác”.

Đức Hồng y Zuppi đã đưa ra một ví dụ về thời kỳ ngay sau Thế chiến thứ hai khi mà “mọi người đều nhận thấy sự cần thiết của một cường quốc siêu quốc gia có khả năng quản lý xung đột”, và cả Liên hợp quốc lẫn Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu là những phản ứng.

Hiện nay, Đức Hồng y Zuppi nói, cần phải tìm cách thể hiện một tầm nhìn đa phương, mà theo ngài, điều cần thiết là “học cách sống cùng nhau trên con thuyền này, căn phòng khách này của thế giới, nơi chúng ta phải chăm sóc và sống cùng nhau”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube