‘Cuộc tuần hành vì những người bị bách hại’ nhấn mạnh cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan đến cuộc đàn áp Kitô giáo

‘Cuộc tuần hành vì những người bị bách hại’ (March for the Martyrs) thường niên lần thứ II tại Washington, D.C., ngày 25 tháng 9 năm 2021./ Christine Rousselle / CNA)

‘Cuộc tuần hành vì những người bị bách hại’ (March for the Martyrs) thường niên lần thứ II tại Washington, D.C., ngày 25 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Christine Rousselle / CNA)

‘Cuộc tuần hành vì những người bị bách hại’ (March for the Martyrs) thường niên lần thứ II đã diễn ra hôm thứ Bảy tại Washington, D.C., với những lời chứng từ những người ủng hộ các Kitô hữu bị đàn áp và từ những người sống sót sau các cuộc đàn áp.

Theo Gia Chacon, Chủ tịch của nhóm “For the Martyrs” (Vì những người bị bách hại), vốn tổ chức cuộc tuần hành vào ngày 25 tháng 9, ngày này tập trung vào việc nâng cao nhận thức về “cuộc khủng hoảng toàn cầu về cuộc đàn áp Kitô giáo”.

“Lý do mà mọi người không quan tâm đến cuộc đàn áp Kitô giáo là bởi vì họ không biết nó đang xảy ra”, chị Chacon chia sẻ với CNA. “Khi chúng ta xem xét các quốc gia trên khắp Trung Đông và thậm chí cả những sự việc đang diễn ra ở Afghanistan – và không chỉ ở Trung Đông, chính tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và thực sự tại hơn 60 quốc gia trên thế giới”.

“Thân thể của Chúa Giêsu Kitô ở đây, tại Hoa Kỳ là tiếng nói của các Kitô hữu bị đàn áp, nếu không thì anh chị em của chúng ta chỉ đang đau khổ trong im lặng”, chị Chacon nói.

Trong khi chị Chacon và phần lớn ban cố vấn của “For the Martyrs” đều là người Công giáo, cuộc tuần hành hôm thứ Bảy vừa qua mang tính đại kết và có nhiều diễn giả đến từ các cộng đồng Giáo hội Tin lành.

Điều quan trọng, chị Chachon nói, đó là phải “cùng chung một tiếng nói” để bênh vực cho các Kitô hữu ở hải ngoại, những người đang bị đe dọa mạng sống của họ khi thờ phượng Thiên Chúa.

Tâm tình đó đã được nhắc lại bởi Linh mục Benedict Kiely, người sáng lập trang Nasarean.org và là Linh mục thuộc Giáo hạt Tòng nhân Đức Mẹ Walsingham. Năm 2014, Cha Kiely quyết định dành cả cuộc đời và sứ vụ của mình để phục vụ và trợ giúp Giáo hội bị đàn áp ở Trung Đông.

“Có rất ít sự chú ý đối với thực tế là các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị đàn áp nhiều nhất trên toàn thế giới. Vì vậy, bất kỳ cuộc tuần hành hay sự biểu lộ công khai nào nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này đều rất quan trọng”, Cha Kiely phát biểu với CNA.

Vượt qua sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một vấn đề khác mà Cha Kiely muốn nhấn mạnh.

“Bản thân tôi đã nghe điều đó từ người dân Iraq và Syria: khi những người Hồi giáo đến chặt đầu bạn, họ sẽ không hỏi bạn là người Công giáo hay Tin lành hay Chính thống. Họ hỏi bạn có tin vào Chúa Giêsu hay không”, Cha Kiely nói. “Đó chính là vấn đề. Điều đó hợp nhất chúng ta. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là ‘sự đại kết bằng giá máu’”.

Đối với Linh mục Vincent Woo, một người gốc Hồng Kông và là một Linh mục của Giáo phận Hồng Kông, ‘Cuộc tuần hành vì những người bị bách hại’ mang tính cá nhân hơn nhiều người tham dự.

“Tất cả các cuộc đàn áp đối với các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông, cuộc đàn áp tự do – điều đó cũng sẽ sớm xảy ra với Giáo hội”, Cha Woo nói. “Đây là một cách thể hiện tinh thần liên đới với các Kitô hữu trên toàn thế giới, đặc biệt là những người đang bị bức hại”.

Phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá thông tin về ‘Cuộc tuần hành vì những người bị bách hại’. Dorothea Bauer, người đã đến Washington từ Tampa, Florida, phát biểu với CNA rằng ban đầu chị đã nghe về sự kiện này trên Instagram.

“Tôi nghĩ thật tuyệt khi chúng ta đang cất lên tiếng nói của mình về các anh chị em trong Chúa Giêsu Kitô trên khắp thế giới, những người đang phải chịu đau khổ vì đức tin của họ”, chị Bauer nói.

Payton Gibson, đến từ Maryland, chia sẻ rằng chị đã được truyền cảm hứng để tham dự sự kiện ‘Cuộc tuần hành vì những người bị bách hại’ sau khi xem thông tin về sự kiện này vào năm ngoái. Chị Gibson chia sẻ với CNA rằng chị rất đỗi ngạc nhiên khi nghe Chủ tịch của nhóm “For the Martyrs”, chị Chacon, thảo luận về công việc của chị với Giáo hội bị đàn áp và chuyến đi của chị ra nước ngoài.

“Điều đó khiến trái tim tôi đau đớn, đặc biệt là bây giờ tôi đang ở khu vực D.C. Có vẻ như đây là một sự kiện hết sức tuyệt vời”, Gibson chia sẻ.

Thứ Bảy vừa qua đã đánh dấu sự di chuyển của sự kiện sang bờ biển phía đông; ‘Cuộc tuần hành vì những người bị bách hại’ năm ngoái đã diễn ra ở Long Beach, California. Động thái này vừa mang tính chiến lược vừa mang tính biểu tượng: chị Chacon cho biết chị muốn thu hút sự chú ý của những nhân vật quyền lực về việc giúp đỡ những anh chị em Kitô hữu bị đàn áp và nâng cao hơn nữa nhận thức về nguyên nhân của nó.

“Chúng tôi rất vui mừng được có mặt tại thủ đô của quốc gia này và gửi đi một thông điệp ngày hôm nay rằng cuộc đàn áp Kitô giáo sẽ không còn bị bỏ qua nữa”, chị Chacon nói. “Anh chị em của chúng ta ở những quốc gia này không bị lãng quên, và Thiên Chúa vẫn chiến thắng”.

Alejandro Bermudez, Giám đốc điều hành của Hãng thông tấn Công giáo CNA, là thành viên ban cố vấn của “For the Martyrs”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube