
Cư dân tập trung bên ngoài nhà thờ Công giáo Novo Cruzador, Brazil, sau khi tham dự một buổi cầu nguyện do nhà truyền giáo Antelmo Pereira chủ sự vào ngày 22 tháng 9 năm 2019 (Ảnh: AP / Fernando Vergara)
Khi Giáo hội Công giáo phát triển ở châu Phi và châu Mỹ, thì châu Âu chứng kiến đức tin của họ đang giảm sút, theo một cuộc khảo sát của Vatican.
Một cuộc điều tra dân số của Vatican được công bố trước Ngày Thế giới Truyền giáo cho thấy số lượng các tín hữu Công giáo ngày càng gia tăng ở những nơi mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường gọi là “các khu vực ngoại vi trên toàn cầu”, ngay cả khi số lượng các tín hữu tiếp tục suy giảm ở châu Âu.
Số lượng các tín hữu Công giáo trên thế giới đã tăng hơn 15 triệu người từ năm 2018 đến năm 2019, theo một cuộc điều tra dân số của hãng thông tấn Vatican Fides được công bố hôm thứ Năm ngày 21 tháng 10. “Sự gia tăng áp dụng cho tất cả các lục địa, ngoại trừ châu Âu”, vốn đã chứng kiến số lượng các tín hữu Công giáo giảm gần 300.000 người, cuộc khảo sát cho thấy.
Dữ liệu được công bố trước Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 95, được cử hành vào Chúa nhật tới tại các Giáo phận trên toàn cầu sau một năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo cuộc điều tra dân số, được tiến hành hàng năm giữa các tín hữu Công giáo, người Công giáo chiếm 17,7% dân số toàn cầu vào năm 2019. Khi Giáo hội Công giáo thu hút được nhiều tín hữu ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á, số lượng các tín hữu giảm dần ở châu Âu, lưu vực lịch sử của Giáo hội Công giáo ngày càng trở thành một vùng lãnh thổ truyền giáo.
Mặc dù số lượng Linh mục Công giáo đã gia tăng nói chung, châu Âu đã chứng kiến sự sụt giảm nhất quán trong hàng giáo sĩ, nơi số lượng tín hữu mà mỗi Linh mục phải chăm sóc mục vụ tăng lên hơn 3.245 tín hữu trên 1 Linh mục. Trong năm thứ bảy liên tiếp, số lượng Tu sĩ nam nữ đã sụt giảm ở khắp mọi nơi, với Châu Phi là ngoại lệ duy nhất. Các Nữ tu bị suy giảm mạnh nhất, mất 11.562 thành viên.
Con số các Chủng sinh hiện đang trong quá trình đào tạo để trở thành Linh mục cũng bị thu hẹp trên toàn cầu, đặc biệt là trong các Tiểu Chủng viện dành cho những người từ 11 đến 18 tuổi. Con số các Giám mục giảm đi 13 vị, hiện có tổng cộng 5.364 Giám mục trên toàn cầu.
Trong khi các thành viên giáo sĩ trải qua một sự sụt giảm nghiêm trọng trên toàn thế giới, số lượng các nhà truyền giáo giáo dân đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở châu Mỹ và châu Phi, chỉ giảm một chút ở châu Á. Đội ngũ anh chị em Giáo lý viên đã chứng kiến số lượng của họ giảm đi 2.590 người, trong đó Châu Mỹ và Châu Âu có mức giảm cao nhất.
Dữ liệu của Fides tính đến tất cả mọi tín hữu Công giáo cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2019. Với đại dịch COVID-19 và việc nhà thờ đóng cửa và nhiều trường hợp tử vong sau đó, các chuyên gia tại một cuộc họp báo của Vatican hôm thứ Năm ngày 21 tháng 10 đã thừa nhận các con số có thể đã thay đổi đáng kể trong năm 2020.
Đức Tổng Giám mục Giovanni Pietro Dal Toso, Chủ tịch Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng, đã đề cập đến những thách thức trong việc tổng hợp tất cả các dữ liệu, đặc biệt là trong thời bối cảnh đại dịch. Trong khi thừa nhận “việc phi Kitô giáo hóa (de-Christianization) là hiển nhiên”, Đức Tổng Giám mục Dal Toso cũng cho biết thêm rằng ở khía cạnh sâu hơn có những cộng đồng Kitô giáo mới và sống động đang phát triển mạnh mẽ, ngay cả ở châu Âu.
“Tôi thiết nghĩ cần phải triển khai các khóa học đào tạo Kitô hữu” để giúp các tín hữu hiểu rõ hơn về Giáo hội Công giáo”, Đức Tổng Giám mục Dal Toso nói.
Trong một thông điệp được đưa ra tại cuộc họp báo và được viết vào tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “đại dịch đã làm nổi bật và làm tăng thêm sự đau khổ, sự cô độc, tình trạng nghèo đói và những bất công mà rất nhiều người phải trải qua. Nó đã vạch trần cảm giác về sự an toàn sai lầm của chúng ta và đồng thời tiết lộ sự đổ vỡ và phân cực đang âm thầm lớn lên giữa chúng ta”.
Những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất đã phải gánh chịu gánh nặng của đại dịch, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, khi thế giới chứng kiến một “sự tiêu cực ngày càng gia tăng bóp nghẹt niềm hy vọng”. Bất chấp những thách thức này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “lời kêu gọi truyền giáo không phải là một điều gì đó thuộc về quá khứ”, và thế giới cần các nhà truyền giáo sẵn sàng “đến với các khu vực ngoại vi trong thế giới của chúng ta với tư cách là những sứ giả và tác nhân của lòng trắc ẩn”.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle phát biểu trong cuộc họp báo ở Vatican trình bày về Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021, ngày 21 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Daniel Ibáñez / CNA)
Phát biểu tại cuộc họp báo, Đức Hồng Y Luis Tagle người Philippines đã khuyến khích các tín hữu trở thành “những nhà truyền giáo được thúc đẩy bởi lòng bác ái và hy vọng”. Đề cập đến kinh nghiệm của mình khi sống ở châu Á, nơi người Công giáo đại diện cho một nhóm thiểu số, Đức Hồng y Tagle cảnh báo rằng “nếu chúng ta giữ đức tin cho riêng mình, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối, và nếu chúng ta giữ đức tin cho một nhóm nhỏ, nó có thể trở thành một nhóm ưu tú”.
Thay vào đó, Đức Hồng Y Tagle tiếp tục, các Kitô hữu và các nhà truyền giáo được mời gọi “tiếp cận với tất cả mọi quốc gia, mọi không gian địa lý và hiện sinh”.
Đức Hồng Y Tagle đã đứng đầu Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc từ năm 2019 và nắm giữ một số vị trí quan trọng tại Vatican khiến nhiều nhà quan sát coi ngài là “Papabile”, nghĩa là một ứng viên sáng giá có thể được bầu chọn làm Giáo hoàng tại Mật nghị Hồng y tiếp theo.
Minh Tuệ (theo RNS)