Cộng đồng quốc tế than phiền về tình hình 'bấp bênh' của Đức Hồng y Zen

Trong bức ảnh được chụp vào ngày 11 tháng 9 năm 2020, Đức Hồng Y Joseph Zen, nguyên giám mục Hồng Kông, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với AFP tại Viện Nghiên cứu Salêdiêng ở Hồng Kông (Ảnh: Isaac Lawrence / AFP / Getty)

Trong bức ảnh được chụp vào ngày 11 tháng 9 năm 2020, Đức Hồng Y Joseph Zen, nguyên giám mục Hồng Kông, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với AFP tại Viện Nghiên cứu Salêdiêng ở Hồng Kông (Ảnh: Isaac Lawrence / AFP / Getty)

Vụ việc bắt giữ Đức Hồng y Joseph Zen Ze-kiun trong tuần này ở Hồng Kông tiếp tục thu hút sự lên án của quốc tế, với việc các Giám mục Hoa Kỳ gọi tình hình là “đáng báo động”.

Việc bắt giữ Đức Hồng y Zen “cho thấy xu hướng đi xuống đối với các quyền tự do cơ bản và nhân quyền ở Hồng Kông”, Đức Giám mục Malloy Địa phận Rockford, Chủ tịch ủy ban Công lý và Hòa bình quốc tế của các Giám mục Hoa Kỳ, cho biết vào ngày 12 tháng 5.

“Mặc dù Đức Hồng y Zen đã được tại ngoại nhưng tình hình của ngài hiện vẫn còn bấp bênh”, Đức Giám mục Malloy cho biết thêm.

Đức Hồng y Zen đã bị bắt giữ vào ngày 11 tháng 5 theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc cùng với ít nhất 4 người khác vì vai trò là những người được ủy thác của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, vốn đã giúp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở khu vực hành chính đặc biệt của Hồng Kông thanh toán các khoản chi phí pháp lý của họ.

Vào ngày 14 tháng 5, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Đức Hồng y Charles Maung Bo Địa phận Yangon, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền và các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hồng Kông” sau vụ việc bắt giữ Đức Hồng y Zen.

Đức Hồng y Bo thúc giục cầu nguyện cho khu vực và cầu nguyện để mọi người “lên tiếng cho tự do và công lý”.

Trong khi Hồng Kông, thuộc địa của Anh cho đến năm 1997, “từng là một trong những thành phố tự do và cởi mở nhất châu Á”, giờ đây “chuyển đổi thành một nhà nước cảnh sát”, Đức Hồng Y Bo nói, đồng thời lưu ý rằng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và hội họp “đều đã bị triệt hạ”. Đức Hồng Y Bo cũng cho biết thêm rằng có những dấu hiệu cho thấy tự do tôn giáo “đang bị đe dọa” và các nhà lãnh đạo tôn giáo đang tự kiểm duyệt.

“Việc chứng kiến một chính phủ ở Trung Quốc vi phạm những lời hứa đã đưa ra trong một hiệp ước quốc tế, Tuyên bố chung Trung-Anh, lặp đi lặp lại và trắng trợn, thật là kinh khủng”.

Về những tội danh được cho là của Đức Hồng Y Zen, vị Hồng y người Miến Điện cho biết: “Trong bất kỳ hệ thống pháp quyền nào tồn tại, việc hỗ trợ những người bị truy tố chi trả án phí của họ là một quyền thích đáng và được chấp nhận. Làm thế nào lại có thể định tội việc giúp người bị tố cáo được có quyền đại diện hợp pháp?”.

Đức Hồng y khuyến khích một tuần lễ cầu nguyện khác cầu nguyện cho Trung Quốc nhân dịp lễ Đức Mẹ Seshan, tập trung vào Đức Hồng Y Zen, người dân Hồng Kông, các tín hữu Trung Quốc và các nhóm người Trung Quốc bị đàn áp khác, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.

Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, đã viết vào ngày 13 tháng 5 rằng kể từ cuộc biểu tình và thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, “hồ sơ nhân quyền kinh khủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và việc đàn áp các quyền tự do chính trị chỉ càng trở nên tồi tệ hơn”.

Trong một bài báo phản ánh quan điểm của tác giả trên tờ The Washington Post, Đảng viên Đảng Dân chủ California đã gọi Đức Hồng y Zen là “tiếng nói chỉ trích của lương tâm: một hiện thân của sự kiên định về luân lý, người luôn hiện diện ở Hồng Kông đã dẫn đầu một thập kỷ theo đuổi các quyền tự do đã hứa hẹn với sự bàn giao từ sự cai trị của Anh”.

Bà Pelosi cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc duy trì các điều khoản của sự bàn giao của Hồng Kông: “Gần 25 năm sau, các cam kết của Trung Quốc đã hoàn toàn bị từ bỏ. Bất kỳ sự giả cách nào rằng các quyền của Hồng Kông sẽ được tôn trọng đã bị phá vỡ bởi bạo lực và sự đe dọa”.

“Việc bắt giữ Đức Hồng y Zen là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc đàn áp ngày càng tồi tệ của Bắc Kinh khi Hồng Kông đấu tranh cho các quyền tự do của mình – và sự tuyệt vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh và lo sợ rằng họ sẽ thua trong cuộc chiến này”, bà Pelosi viết.

Đức Hồng y Zen, người từng là Tổng giám mục Địa phận Hồng Kông từ năm 2002 đến năm 2009, từ lâu đã vận động cho những người Công giáo thuộc cộng đồng hầm trú ở Trung Quốc đại lục.

Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, phát biểu với các nhà báo vào ngày 12 tháng 5 rằng “hy vọng cụ thể nhất của ngài là những sáng kiến như thế này không thể làm phức tạp thêm con đường đối thoại vốn đã phức tạp và không đơn giản giữa Tòa Thánh và Giáo hội ở Trung Quốc”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube