COMECE kêu gọi châu Âu lắng nghe tiếng kêu của người nghèo

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE) đang kêu gọi EU tăng cường cuộc chiến chống đói nghèo do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Các Giám mục châu Âu đang kêu gọi Liên minh châu Âu lắng nghe “tiếng kêu của người nghèo” và “không để ai ở lại phía sau” trong quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Lời kêu gọi được đưa ra hôm thứ Năm trong một tuyên bố do Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE) đưa ra, trong đó đề xuất một số “thực tiễn tốt” và những khuyến nghị về cách thức tăng cường cuộc chiến chống đói nghèo ở Châu Âu.

Tuyên bố “Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tiến trình phục hồi” đã được Ủy ban về Các vấn đề xã hội của COMECE chuẩn bị và nhằm mục đích đánh giá một cách cẩn trọng các chiến lược hiện có của EU để giải quyết nạn đói nghèo, báo cáo một số hành động của Giáo hội để hỗ trợ những người nghèo trong đại dịch, và đồng thời đưa các khuyến nghị của mình nhằm kêu gọi sự chú ý của các tổ chức và các nhà lãnh đạo EU.

10% lao động châu Âu có nguy cơ lâm cảnh nghèo đói

Báo cáo dài 11 trang lưu ý rằng mặc dù tình trạng nghèo đói và sự loại trừ xã hội đã giảm ở EU trong thập kỷ qua, nhưng “mục tiêu xã hội đầy tham vọng của châu Âu vào năm 2020 trong việc giảm 20 triệu người có nguy cơ nghèo đói hoặc bị loại trừ xã hội đã không đạt được”. “Năm 2019, khoảng 91 triệu người có nguy cơ nghèo đói hoặc bị xã hội loại trừ ở EU. Con số này đại diện cho khoảng 1/5 số người sống ở EU. Dữ liệu khác cho thấy vào năm 2020, khoảng 10% lao động châu Âu có nguy cơ nghèo đói”, Ủy ban viết, và đồng thời nhận xét rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 “đã cản trở bất kỳ khả năng nào nhằm vượt qua tình trạng nghèo đói”.

Các tình huống mong manh gia tăng

Tuyên bố chỉ ra rằng mặc dù đại dịch chưa tạo ra “sự bùng nổ của tình trạng đói nghèo”, thì đã có “sự nhân lên của các hoàn cảnh mong manh ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, các gia đình và các cộng đồng trong toàn Liên minh Châu Âu”, Tuyên bố chỉ ra, đồng thời kêu gọi sự chú ý đến sự gia tăng của tình trạng thiếu thốn tại nơi làm việc và tình trạng đáng lo ngại của nhiều người lao động không được hưởng lợi từ các điều kiện làm việc phù hợp với phẩm giá hoặc không được đánh giá cao công việc của họ.

Cần có một cách tiếp cận đa chiều

Mặc dù chống đói nghèo là một trong những ưu tiên xã hội chính của EU, nhưng theo các Giám mục châu Âu, “cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đánh giá và giải quyết các hình thức đói nghèo mới” vốn đã xuất hiện rõ ràng trong đại dịch. EU và các quốc gia thành viên cần “thừa nhận tốt hơn cách tiếp cận đa chiều về tình trạng nghèo đói để không bỏ lại ai phía sau”.

Những thực hành và khuyến nghị tốt đẹp

Tuyên bố tiếp tục đưa ra các ví dụ về “những thực hành tốt đẹp” được thực hiện bởi một số tổ chức, và với sự hỗ trợ của các tổ chức Giáo hội khác nhau, nhằm giúp đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của những người nghèo.

Tuyên bố kết thúc với mười một khuyến nghị, bao gồm: tăng cường sự hỗ về trợ vật chất và lương thực dưới sự tài trợ của EU; tìm ra những cách thức đánh giá tình trạng nghèo đói tốt hơn phù hợp với thực tế hiện nay; tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhà ở giá cả phải chăng và phù hợp với phẩm giá; nỗ lực làm việc để ngăn chặn tình trạng mắc nợ quá nhiều; và thúc đẩy công việc phù hợp với phẩm giá, chất lượng giáo dục, và tinh thần liên đới.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube