Bogotà (Agenzia Fides) – “Quả là hết sức sai lầm khi tin rằng sự tha thứ chỉ là một sáng kiến tôn giáo hoặc tinh thần, thế nhưng sự tha thứ cũng chính là một đức tính chính trị”. Với tầm nhìn này, Quỹ Hòa giải (FR), được thành lập và chủ trì bởi linh mục Leonel Narváez người Colombia, một nhà truyền giáo Consolata, đóng góp một phần quan trọng vào tiến trình hòa bình ở Colombia và công cuộc tái thiết cơ cấu xã hội tại 21 quốc gia.
Trong một cuộc đối thoại với Agenzia Fides, linh mục Narváez giải thích rằng đề xuất về “một nền văn hóa của sự tha thứ” đang tự thiết lập trong xã hội Colombia. “Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận nhiều lĩnh vực khác nhau với nền văn hóa này”, linh mục Narváez nói.
Trong khuôn khổ công lý phục hồi, Quỹ Hòa giải đã phát triển bốn chương trình vốn đã đến được với các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc xung đột, cả nông thôn lẫn thành thị, cộng tác cùng với các tổ chức dân sự và tôn giáo khác. Theo linh mục Narváez, “công lý thực sự chính là việc tái xây dựng, và không phải là thứ công lý loại trừ hoặc trừng phạt. Theo nghĩa này, chúng tôi tin rằng sự tha thứ sẽ được công nhận như là một quyền con người, đối với cả những người vi phạm cũng như những người bị tổn thương”.
Sự tha thứ, đối với Quỹ Hòa giải, là “một quá trình tự xem xét nội tâm mà trong đó nạn nhân đưa ra một ý nghĩa mới cho kí ức về một hành vi phạm tội và tìm lại được sự đảm bảo cá nhân; đồng thời hiểu được cách thức xử lý nỗi đau, không oán giận hay tìm cách trả thù”. Sự tha thứ, nhà truyền giáo cho biết, có hai chị em: công lý vốn đem lại sự phục hồi; và tinh thần bác ái vốn làm cho vững mạnh. Trong thực tế, linh mục Narváez kết luận, “sự tha thứ chính là phương thuốc công hiệu nhất mà một người có thể tự cung cấp cho mình: nếu không có sự tha thứ, nạn nhân vẫn sẽ mãi là nạn nhân”. Trên cơ sở đó, các nạn nhân tìm kiếm sự hòa giải với kẻ gây hấn, theo phương pháp tiệm tiến, được thử nghiệm bởi Quỹ Hòa giải.
Về tình hình hiện tại đất nước của mình, linh mục Leonel bày tỏ sự lạc quan: “Tình hình hiện tại quả là vô cùng phức tạp, nhưng chúng tôi đang trong giai đoạn cực kì nhạy cảm sau cuộc xung đột”. Theo kinh nghiệm quốc tế, linh mục Leonel lưu ý, “cần phải mất từ 3 đến 5 năm để tất cả mọi thứ có thể trở lại trạng thái bình thường” và trung bình 15 năm cho việc áp dụng đầy đủ các thỏa thuận hòa bình. “Hiện nay vẫn còn những lời chỉ trích liên quan đến hệ thống tư pháp, trong giai đoạn chuyển tiếp này, nhưng chúng ta đang trong một thời khắc ổn định phát triển không ngừng: chúng ta sẽ tìm thấy hòa bình”, linh mục Leonel nói. “Kiên nhẫn” chính là khẩu hiệu. “Mọi người có xu hướng nghĩ rằng, ngày hôm sau khi ký hòa bình, tất cả mọi thứ đều trở nên trật tự, thế nhưng, hòa bình sẽ cần phải được xây dựng. Hòa bình giống như một đứa trẻ, mà lúc đầu hết sức mỏng manh yếu đuối, sau đó phát triển và tự trở nên vững mạnh”.
Minh Tuệ chuyển ngữ