Cơ quan giám sát Hoa Kỳ kêu gọi đặc biệt chú ý đến cuộc tàn sát chống Kitô giáo ở Nigeria

Những người đưa tang bày tỏ sự tôn kính với các nạn nhân bị giết hại tại Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô vào ngày 5 tháng 6, trong một tang lễ ở Owo, Tây Nam Nigeria, thứ Sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2022. Nigeria đã tổ chức lễ tang cấp nhà nước vào ngày thứ Sáu cho gần hai chục tín hữu bị giết hại bởi các tay súng tại một buổi lễ tại nhà thờ hồi đầu tháng này khi các quan chức Giáo hội kêu gọi chính quyền hành động nhanh chóng nhằm tránh những thảm kịch trong tương lai (Ảnh: Rahaman A Yusuf/AP)

Những người đưa tang bày tỏ sự tôn kính với các nạn nhân bị giết hại tại Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô vào ngày 5 tháng 6, trong một tang lễ ở Owo, Tây Nam Nigeria, thứ Sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2022. Nigeria đã tổ chức lễ tang cấp nhà nước vào ngày thứ Sáu cho gần hai chục tín hữu bị giết hại bởi các tay súng tại một buổi lễ tại nhà thờ hồi đầu tháng này khi các quan chức Giáo hội kêu gọi chính quyền hành động nhanh chóng nhằm tránh những thảm kịch trong tương lai (Ảnh: Rahaman A Yusuf/AP)

NEW YORK – Khi cuộc bách hại các Kitô hữu ở Nigeria vẫn tiếp diễn, một thành viên của cơ quan giám sát tự do tôn giáo quốc tế của chính phủ Hoa Kỳ đã thúc giục Bộ Ngoại giao chỉ định Nigeria là “Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt” (CPC), và đồng thời đề nghị bổ nhiệm một Đặc phái viên cho Nigeria và Lưu vực hồ Chad.

Ủy viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Frederick Davie phát biểu với Crux rằng các động thái sẽ tập trung vào tiến trình tự do tôn giáo như một ưu tiên chính yếu trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Nigeria.

“Việc chỉ định CPC đối với Nigeria sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho sự hỗ trợ ngoại giao và lập trình bổ sung nhằm cải thiện sự tôn trọng tự do tôn giáo ở quốc gia này”, ông Davie cho biết trong một tuyên bố.

“Việc chỉ định này cũng sẽ cho phép các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hơn đối với những người vi phạm tự do tôn giáo hoặc các quan chức chính phủ và cơ quan có thẩm quyền theo đuổi các cáo buộc báng bổ nhằm ngăn chặn tự do tôn giáo”.

Về đề nghị Bộ Ngoại giao bổ nhiệm một Đặc phái viên cho Nigeria và Lưu vực Hồ Chad, ông Davie cho biết thêm rằng động thái này sẽ “ưu tiên tiến bộ tự do tôn giáo và tài trợ cho một cuộc đối thoại về luật báng bổ và việc hỗ trợ bảo vệ pháp lý cho các cá nhân bị cáo buộc tội báng bổ”.

USCIRF là một ủy ban liên bang độc lập, lưỡng đảng theo dõi và báo cáo về vấn đề tự do tôn giáo cho chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ. Dựa trên những phát hiện của mình, mỗi năm ủy ban này khuyến nghị các quốc gia để Bộ Ngoại giao chỉ định là CPC, điều có thể được chấp thuận hoặc bỏ qua.

Ủy ban đã kêu gọi đưa Nigeria vào danh sách CPC hàng năm kể từ năm 2009 với lý do nhà nước buộc tội báng bổ và kết án các Kitô hữu, đồng thời nhắm mục tiêu bạo lực chống lại họ từ các chủ thể phi nhà nước như các nhóm cực đoan Boko Haram và Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi (ISWAP).

Bộ Ngoại giao đã đưa Nigeria vào danh sách vào năm 2020, nhưng đã chọn không tái chỉ định quốc gia này là CPC vào năm 2021. Vào tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch USCIRF Nury Turkel, cho biết không có lý do gì biện minh cho việc Nigeria không được chỉ định, đồng thời cho biết rằng ủy ban “vô cùng thất vọng vì Ngoại trưởng đã không thực hiện các khuyến nghị của chúng tôi cũng như không thừa nhận mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm tự do tôn giáo” ở Nigeria.

Bộ Ngoại giao đã không phản hồi những lời đề nghị của Crux về một cuộc phỏng vấn hoặc tuyên bố về Nigeria.

Một trong những hành động bạo lực mới nhất chống lại các Kitô hữu ở Nigeria xảy ra vào ngày 15 tháng 1, khi những kẻ tấn công bắn chết và sau đó phóng hỏa thiêu hủy Cha Isaac Achi thuộc Nhà thờ Công giáo Thánh Phêrô và Phaolô ở Kafin-Koro, thuộc vùng Paikoro của Bang Niger của Nigeria. Vị Linh mục thứ hai, Cha Collins Omeh, Cha sở của Xiáo xứ, đã phải nhập viện với những vết thương do đạn bắn sau vụ tấn công.

Ông Davie đã gọi vụ tấn công là hành động “ghê tởm”. Ủy viên USCIRF Frank Wolf đã nhận xét sau vụ tấn công rằng chính phủ Hoa Kỳ nên chỉ định Nigeria là CPC “vì đã tham gia và dung túng cho những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo”.

Vào ngày 24 tháng 1, Tổ chức Từ thiện Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ đã công bố các đoạn trích từ lễ tang của Cha Achi tại Nhà thờ Chính Tòa Minna ở Niger do Cha Samuel Gwimi cử hành.

“Giống như mọi cái chết khác của những người thân yêu, sự ra đi của Cha Achi quả là một điều vô cùng đau đớn”, Cha Gwimi nói.

“Trước hết là nỗi đau mất đi một người cha rất mực yêu thương và rộng lượng đối với tất cả những ai đã đến với ngài”, Cha Gwimi tiếp tục. “Lòng rộng lượng và tinh thần hiếu khách của Cha Achi quả là không có giới hạn. Cách ngài bị giết hại một cách tàn bạo, dã man và độc ác càng khiến chúng ta cảm thấy đau đớn hơn và khiến tất cả chúng ta phải tìm kiếm câu trả lời cũng như những lời giải thích hợp lý”.

Báo cáo gần đây của tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ tiết lộ rằng Nigeria có 4 Linh mục bị giết hại vào năm 2022, cũng như 28 Linh mục và 7 Nữ tu bị bắt cóc.

Cùng ngày xảy ra vụ tấn công nhằm vào các Linh mục Công giáo, 25 giáo dân cũng đã bị bắt cóc từ một buổi lễ của Nhà thờ Tin lành ở Tây Bắc Nigeria. Bốn ngày sau, ít nhất 11 người, hầu hết là người Công giáo, đã thiệt mạng khi một người được cho là người chăn gia súc Fulani tấn công một ngôi làng gần trại tị nạn ở Giáo phận Makurdi.

Hàng loạt vụ bạo lực đã xảy ra sau một tháng 12 đầy bạo lực đối với các Kitô hữu ở Nigeria. Vài ngày trước lễ Giáng sinh, 40 Kitô hữu đã thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố ở bang Kaduna, miền bắc Nigeria. Hồi tháng 6, 40 người đã thiệt mạng khi các chiến binh ISWAP tấn công Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô ở Bang Ondo.

Sau vụ tấn công, Cha Athanasius Abanulo, một Linh mục người Nigeria ở Mỹ, người đang thăm gia đình ở Nigeria vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, phát biểu với Crux rằng quốc gia này cần sự can thiệp của quốc tế.

“Nếu có bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, chúng tôi rất cần điều đó”, Cha Abanulo nói. “Chúng tôi cần sự giúp đỡ về bất cứ điều gì cần thiết để đến và can thiệp quân sự và phương diện khác. Tôi đang yêu cầu, chúng tôi đang hiệp ý cầu nguyện, bất cứ điều gì cần thiết để các nhà lãnh đạo thế giới đến trợ giúp, đặc biệt là các Kitô hữu”.

Minh Tuệ (theo Crux)

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube