Cơ quan Công giáo đề nghị các quốc gia giàu chia sẻ vắc xin Covid với các quốc gia nghèo

Một nhân viên y tế tiêm vắc xin Sinovac chống lại virus coronavirus tại một trung tâm y tế cộng đồng ở Lambaro thuộc tỉnh Aceh của Indonesia vào ngày 18 tháng 1. (Ảnh: Chaideer Mahyudddin / AFP)

Một nhân viên y tế tiêm vắc xin Sinovac chống coronavirus tại một trung tâm y tế cộng đồng ở Lambaro thuộc tỉnh Aceh của Indonesia vào ngày 18 tháng 1 (Ảnh: Chaideer Mahyudddin / AFP)

Các quốc gia giàu có đã có được nhiều vắc xin hơn mức họ cần, trong khi các quốc gia ở phía Nam lại không có đủ.

Người đứng đầu một tổ chức Công giáo hàng đầu đã kêu gọi Liên minh châu Âu giúp cung cấp khả năng tiếp cận nhanh chóng với vắc-xin Covid-19 sau khi có những báo cáo rằng các quốc giàu có đã vơ vét một nửa nguồn cung.

Đức Ông Pirmin Spiegel, Giám đốc điều hành Misereor, tổ chức phát triển xã hội của các Giám mục Đức, phát biểu với Đài phát thanh Vatican về những lo ngại của ông sau một báo cáo rằng 13% dân số thế giới đã sở hữu khoảng một nửa số vắc xin Covid.

Việc phân phối vắc xin lệch lạc như vậy sẽ là một trở ngại nhằm đạt được việc tiêm chủng phổ cập, vốn sẽ phải mất nhiều năm trừ khi các quốc gia giàu có bơm thêm tiền, Đức Ông Spiegel cho biết thêm.

“Đừng tự đùa cợt nữa”, Đức Ông Spiegel cảnh báo. “Thế giới sẽ chỉ có thể đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 nếu chúng ta chống lại nó ở khắp mọi nơi, trên toàn cầu, chứ không chỉ tại đất nước của mình”.

Đức Ông Spiegel đã dẫn lời của ông Tilman Rüppel thuộc Viện Y tế Truyền giáo ở Würzburg, cơ quan hợp tác chặt chẽ với Misereor.

Ông Rüppel đã cảnh báo chống lại “chủ nghĩa dân tộc vaccine” (Vaccine nationalism) vốn chỉ tập trung vào quốc gia của mình và không nhận ra tác động toàn cầu của đại dịch. Ông cho biết mục tiêu đó chính là cần phải kiểm soát virus ở tất cả các quốc gia sớm nhất có thể.

Nếu nhiệm vụ này không được thực hiện trên cơ sở ưu tiên, coronavirus sẽ có thời gian để gây đột biến, thay đổi về mặt di truyền và trở thành một vấn đề sức khỏe thậm chí còn nan giải hơn, ông lưu ý.

Đức Ông Spiegel nói: “Sự bất bình đẳng trong thế giới của chúng ta cũng được vạch ra trong vấn đề tiếp cận với vắc xin. Đó là lý do tại sao vắc xin lại là thứ hàng hóa công cộng toàn cầu. Do đó, phải có hạn ngạch cho toàn bộ dân số thế giới để phân phối chúng một cách tương ứng cho các nhóm dân cư tương ứng và phải tính đến mức độ rủi ro và dễ bị tổn thương”.

Đức Ông Spiegel đã yêu cầu tạm thời đình chỉ các giấy phép đăng ký độc quyền chế tạo đối với vắc xin Covid-19 để chúng có thể được sản xuất và được mua một cách dễ dàng.

Ở nhiều quốc gia nghèo hơn, tình hình quả thực vô cùng nghiêm trọng với việc không thể tiếp cận được vắc xin.

Hơn 8 triệu người đã bị nhiễm vi rút ở Brazil, trong khi hơn 200.000 người đã tử vong vì Covid-19, Đức Ông Spiegel cho biết.

Tại Manaus, thủ phủ của bang Amazonas của Brazil, các bệnh viện đều đã trở nên quá tải và thiếu các trang thiết bị bảo hộ. Không có vắc xin nào được cơ quan y tế quốc gia ở Mỹ Latinh phê duyệt.

Tình hình tương tự ở Mexico, nơi hơn 134.000 người đã chết vì Covid-19 và hơn 1,5 triệu người bị ảnh hưởng. Với dân số 130 triệu người – đứng thứ 10 trên thế giới – có tới 45% người có thu nhập thấp và trung bình của Mexico có nguy cơ nghèo đói. Chính phủ chỉ đang kêu gọi kiềm chế đại dịch, Đức Ông Spiegel cho biết.

Các quốc gia Mỹ Latinh khác như Bolivia và Argentina thiếu các nguồn lực tài chính đủ để mua các loại vắc xin đáng tin cậy. Do đó, họ đã lựa chọn vắc-xin Sputnik do Nga sản xuất, loại vắc-xin này ít được thử nghiệm rộng rãi và hiện vẫn còn đang gây tranh cãi.

Các đối tác của Misereor báo cáo rằng các vùng nông thôn ở Bolivia thiếu cơ sở hạ tầng (hệ thống làm mát, v.v.) và đội ngũ nhân viên có trình độ. Chính phủ cũng từ chối cho phép các nhóm xã hội dân sự tham gia vào việc kiểm soát đại dịch.

Trong khi các quốc gia giàu đã có đủ vắc xin hơn mức họ cần, tuy nhiên, nhiều quốc gia ở phía Nam sẽ phải đợi “một thời gian dài trước khi có đủ vắc xin”, Đức Ông Spiegel nói.

“Hãy đảm bảo rằng tất cả những người muốn có vắc-xin có thể được tiêm chủng nhanh chóng”, nhà lãnh đạo Misereor thúc giục.

“Với tinh thần đoàn kết và tinh thần huynh đệ phổ quát, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất cần được quan tâm đặc biệt. Và chúng ta không được bỏ mặc những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đang gia tăng khác ở các quốc gia phía Nam bất chấp đại dịch”.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết