Tại một con hẻm nhỏ, mười mấy năm qua, có một lớp học dành cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp. Đây là nơi chắp cánh cho hàng trăm tuổi thơ bước vào đời.
Chúng tôi đến thăm lớp học tình thương Vinh Sơn tại số 469 Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, nơi có những em nhỏ kém may mắn, không được sinh ra trong gia đình có đủ điều kiện đến trường, đã được Sơ Ly, người sáng lập lớp học và chăm sóc đã mười mấy năm nay, giúp đỡ để được có con chữ làm hành trang vào đời.
Đến với lớp học này, các em mang theo nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có những em cơ nhỡ, có những em mồ côi cha mẹ, hoăc gia đình ly tán, có những em dù có cha mẹ vẫn không thể đến trường do hoàn cảnh. Thậm chí, có những em không được đi học chỉ vì không có giấy tờ… Do vậy, các em đến lớp bằng nhiều lứa tuổi khác nhau.
Sơ Ly năm nay đã ở tuổi 70, cái tuổi lẽ ra đã nghỉ ngơi từ lâu. Nhưng, trước những mảnh đời bất hạnh, nữ tu đã chọn cho mình một công việc vất vả: giúp đỡ những mầm non kém may mắn.
Sơ cho chúng tôi biết: “Ở đây nhà em nào cũng khó khăn cả, các em phải đi làm để giúp đỡ cha mẹ. Em thì đi nhặt ve chai, em thì bán vé số, em thì phụ giúp hàng quán…dù có muốn đi học cũng không có điều kiện. Nhiều em còn bị cha mẹ bỏ rơi, nhậu nhẹt say xỉn hay cãi vã thì lôi con cái ra đánh đập. Nhìn thấy cảnh đó mà không khỏi nhói lòng”.
Để các em được đến trường là điều cũng không đơn giản. Nhiều em bị gia đình buộc ở nhà phụ giúp các công việc. Việc vận động cha mẹ cho các em học đã là một sự cố gắng, kiên trì, nhẫn nại và hy sinh.
Lớp học có 2 phòng cho hơn 80 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Phòng học được xây rộng rãi, thoáng mát, bàn ghế được bố trí đầy đủ cho các em học tập.
Vì chỉ có hai phòng học, nên các em được chia thành các lớp sáng chiều theo lứa tuổi. Sáng cho các em từ lớp 3 trở xuống, chiều cho lớp 4 và 5. Sau buổi sáng, các em lớp nhỏ được ở lại trường và ăn nghỉ tại đó để gia đình yên tâm.
Những bữa cơm đơn giản, nhưng là sự cố gắng hết sức của những người phục vụ tại đây và nhất là chứa đựng tình cảm, sự yêu thương tận tình.
Đến với lớp học, ngoài việc học kiến thức, các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi do lớp tổ chức. Một tủ sách lớn với nhiều loại cũng được thầy cô bố trí để các em có nơi đọc sách. Đa phần sách vở ở lớp học là do các bạn học sinh, sinh viên quyên góp và đem đến ủng hộ. Các nhóm bạn trẻ này cũng thường xuyên tổ chức các chương trình vui chơi, phát quà cho học sinh ở đây, điều đó khiến các em học sinh thấy tự tin hơn và thích thú.
Em Ngọc Anh (học lớp 3) nói với chúng tôi: “Được học ở lớp con vui lắm. Các thầy cô rất tốt, anh chị sinh viên thì lâu lâu lại đến cho quà, tổ chức vui chơi cho tụi con. Con sẽ học thật giỏi để sau này trở thành người tốt, giúp đỡ lại mọi người”.
Những ngày mới đến lớp, vốn quen lối sống của những đứa trẻ tự do, nhiều em chưa biết phép tắc trong giao tiếp và ăn nói. Nhà trường phải dạy dỗ từ đầu như không nói trống không thiếu lễ phép, phải thưa gửi, xin lỗi hoặc cảm ơn. Các thầy cô đã rất vất vả để uốn nắn các em, dần dần định hình được lối sống, dạy bảo các em nhiều điều hay, lẽ phải để các em nên người.
Dù cho công việc gặp nhiều vất vả, khó khăn nhưng với các thầy cô ở lớp tình thương Vinh Sơn, được nhìn thấy các em được học tập, vui chơi đã là một điều hạnh phúc.
Thầy Hùng (người gắn bó với lớp hơn 10 năm) cho chúng tôi biết: “Chúng ở đây cũng giống như con cháu của mình. Nhiều đứa rất đáng thương, thèm đi học nhưng cha mẹ không cho. Lớp học mở ra với mong muốn tạo điều kiện để các em nhỏ được đi học. Ngoài học con chữ còn giúp con em học để trở thành người tốt”.
Nhiều em học sinh học hết cấp I tại lớp học được thầy Hùng và Sơ Ly giới thiệu, giúp đỡ để tiếp tục học cấp II. Hàng tháng, các em đều quay trở lại để thăm lớp học cũng như giúp đỡ các em nhỏ hơn học tập.
Đối với các em, lớp tình thương Vinh Sơn giống như một mái nhà, nuôi dưỡng ước mơ cho các em.
Mười mấy năm qua, những người làm công việc thiện nguyện này như Thầy Hùng, Sơ Ly đã tự nhiên trở thành thân thiết như người cha, người mẹ thứ hai của các em.
Châu Việt Vương