Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô được xác nhận khiến các tín hữu Công giáo Indonesia đầy phấn khởi

check-papal-visit-confirmation-enthralls-indonesian-catholics-660a9de4b7302_600

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Indonesia và quốc gia láng giềng Timor-Leste trong chuyến Tông du châu Á vào tháng 9 sắp tới.

Chính phủ Indonesia đã xác nhận chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đã khơi dậy sự nhiệt huyết của các tín hữu Công giáo tại quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo.

Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Yaqut Cholil Quomas cho biết trong một tuyên bố vào ngày 30 tháng 3 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thăm Indonesia vào ngày 3 tháng 9, đề cập đến xác nhận của Vatican về ngày này.

“Đây chắc chắn là một vinh dự cho người dân Indonesia”, ông Quomas cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Tôn giáo nước này cho biết Tổng thống Joko Widodo đã mời Đức Thánh Cha đến thăm vào tháng 6 năm 2022.

Chuyến viếng thăm sắp tới cũng đã được xác nhận bởi Tổng thư ký Tổng Giáo phận Jakarta, Cha Adi Prasojo.

Cha Prasojo cho biết các quan chức của Giáo hội đang chờ sự xác nhận của chính phủ vì chính phủ “là bên chịu trách nhiệm cao nhất” về “mọi thứ liên quan đến chuyến thăm của Đức Giáo hoàng”.

Cha Prasojo cho biết họ có kế hoạch thành lập một ủy ban đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Hồng Y Ignatius Suharyo, Tổng Giám mục Địa phận Jakarta, phát biểu với UCA News vào ngày 1 tháng 4 rằng Hội đồng Giám mục Indonesia sẽ đưa ra thông báo chính thức vào ngày 8 tháng 4.

Một nguồn tin tại Hội đồng Giám mục cho biết Đức Thánh Cha có thể chỉ đến thăm Jakarta vì tình trạng thể chất yếu ớt của ngài.

Suy đoán của vị Giám chức đi ngược lại với các báo cáo được lưu hành rộng rãi rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có thể đến thăm Kalimantan và Flores, hai khu vực có số lượng người Công giáo khá đông đảo.

Soleman Itlay, một giáo dân Công giáo ở Jayapura, tỉnh Papua, cho biết: “Chuyến viếng thăm có thể chào đón tất cả mọi người từ các khu vực của Indonesia, kể cả chúng tôi ở Papua”, thậm chí ngay cả khi Đức Thánh Cha chỉ đến thăm thủ đô.

“Tôi hy vọng ngài có thể tận dụng cơ hội này để nói về những vấn đề của người Công giáo ở Papua, đặc biệt là những người bản địa đang phải đối mặt với những vấn đề kinh niên”.

Ông Itlay cho biết người dân Papua, chủ yếu là các Kitô hữu, phải đối mặt với cả các hành động vi phạm nhân quyền lẫn việc bị gạt ra bên lề xã hội khi các công ty tiếp quản vùng đất truyền thống của họ.

“Chúng tôi hy vọng rằng Đức Giáo hoàng với tư cách là người lãnh đạo sẽ đưa ra một giải pháp để giải quyết vấn đề Papua một cách ôn hòa. Đức Giáo hoàng không cần nói về chính trị mà chỉ cần nói về các vấn đề nhân đạo”, ông Itlay nói.

Giáo hội Công giáo đã có mặt ở Papua gần 130 năm, ông Itlay cho biết, và đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Đức Thánh Cha có thể bổ sung thêm nhiều Giám mục người Papua bản địa.

“Hiện tại chỉ có một Giám mục người Papua bản địa”, ông Itlay nói, ám chỉ Đức Giám mục Yanuarius Teofilus Matopai You Địa phận Jayapura, vị Giám mục người Papua bản địa duy nhất trong 5 Giáo phận ở khu vực cực đông.

Gabriel Goa Sola, đến từ Mạng lưới giáo dân và tu sĩ chống buôn người mang tên ‘Zero Human Trafficking Network’, vốn tập trung vào việc ủng hộ các trường hợp lao động nhập cư, hy vọng rằng Đức Thánh Cha cũng sẽ đề cập đến vấn đề người di cư.

“Xét rằng Indonesia, đặc biệt là ở các khu vực có đa số người Công giáo như ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, là một vùng đất buôn người, tôi cũng hy vọng Đức Thánh Cha sẽ chú ý đến vấn đề này”, ông Sola nói.

Đức Thánh Cha cũng có thể sẽ trò chuyện với chính phủ về sự cần thiết của một cơ quan giải quyết vấn nạn buôn người vì đây là một vấn đề cấp bách”, ông Sola nói.

Các quan chức cho biết Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Indonesia và quốc gia láng giềng Timor-Leste trong chuyến Tông du châu Á vào tháng 9.

Tại Timor-Leste có đa số người Công giáo, chính phủ đã thành lập một ủy ban đặc biệt và phân bổ ngân sách 12 triệu USD để tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Lẽ ra Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Indonesia, Timor-Leste và Papua New Guinea vào năm 2020 nhưng đã hủy bỏ chuyến Tông du này do đại dịch Covid-19.

Các Kitô hữu chiếm 24 triệu trong tổng dân số ước tính hơn 270 triệu người của Indonesia. Người Công giáo chiếm khoảng 7 triệu người.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube