Tại một cuộc họp báo ở Geneva, Vatican và các quan chức Hội đồng các Giáo hội Thế giới đã công bố những chi tiết về cuộc hành hương đại kết mà ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện tới trụ sở của tình hữu nghị Kitô hữu toàn cầu vào ngày 21 tháng 6
Chuyến viếng thăm sắp tới của ĐTC Phanxicô đến Hội đồng các Giáo hội Thế giới tại Geneva sẽ cung cấp một tín hiệu mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế rằng sự tin tưởng và hợp tác có thể chiếm ưu thế đối với những chia rẽ của các cuộc xung đột lịch sử hoặc những bản sắc tôn giáo.
Đó chính là thông điệp tại trọng tâm của một cuộc họp báo hôm thứ Ba 15/5 vừa qua cung cấp những chi tiết về cuộc hành hương đại kết mà ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện tới Hội Đồng các Giáo Hội Thế Giới vào ngày 21 tháng Sáu để kỷ niệm 70 năm thành lập mối quan hệ hữu nghị toàn cầu của các Giáo Hội Kitô Giáo.
Chuyến viếng thăm, mà trong đó sẽ bao gồm một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ và Thánh lễ cho cộng đồng Công giáo địa phương, đánh dấu một “cột mốc lịch sử” trong mối quan hệ giữa WCC và Giáo hội Công giáo. Đó là theo Tổng thư ký WCC, Đức Giám mục Olav Fykse Tveit, người đã phát biểu với các nhà báo rằng sự kiện này sẽ truyền đạt một thông điệp mạnh mẽ đến các Giáo hội, nhưng đồng thời cũng truyền đạt một thông điệp tới cộng đồng toàn cầu rộng lớn hơn:
“Một thông điệp có thể xây dựng các mối quan hệ tin cậy, hợp tác và thậm chí là tình yêu, vượt trên những chia rẽ gây ra bởi những cuộc xung đột lịch sử và các sự kiện, kết nối những niềm tin và những thực hành tôn giáo khác nhau. Có thể có những chân trời rộng lớn hơn Giáo hội của chúng ta, người dân của chúng ta. Có thể chia sẻ một tầm nhìn dựa trên đức tin Kitô giáo của chúng ta, vốn quy tụ chúng ta lại với nhau và làm cho chúng ta có thể cùng nhau làm được nhiều việc hơn. Một trong những nguyên tắc trong phong trào đại kết này đó là ‘chúng ta nên cùng nhau thực hiện những điều mà chúng ta có thể cùng cộng tác với nhau’, đây là những gì chúng ta thể hiện qua chuyến viếng thăm này”.
Logo cho chuyến hành hương
Nhà lãnh đạo WCC, cùng với linh mục Andrzej Choramanski thuộc Hội đồng Giáo Hoàng về Cổ võ Sự hiệp nhất Kitô giáo đã trình bày logo cho chuyến viếng thăm. Logo mô tả hình ảnh một chiếc thuyền cùng với hình ảnh một cây Thánh giá như một chiếc cột buồm, đang lướt trên sóng tượng trưng cho mong muốn của các Kitô hữu để cùng nhau tìm kiếm công lý và hòa bình trên thế giới.
Linh mục Andrzej đã chia sẻ về nửa thế kỷ của các mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và WCC, mặc dù trước đây chưa bao giờ trở thành một thành viên trọn vẹn của mối quan hệ hữu nghị, vì cả những lý do về mặt thần học lẫn những lý do thực tiễn.
“Không phải là điều không thể rằng trong tương lai Giáo hội Công giáo sẽ không tham gia, nhưng tôi nghĩ rằng, hiện tại, đó không phải là vấn đề mà cả hai bên đang cân nhắc tại thời điểm này. Tôi đã trình bày về sự hợp tác phong phú mà chúng ta có và, và việc không phải là thành viên của WCC, Giáo hội Công giáo là một thành viên của một số ủy ban của WCC…”
Thành phố của việc đối thoại
Đức Giám mục Công giáo địa phương, Đức Cha Charles Morerod, đã nói về tầm quan trọng của Geneva như là một thành phố của việc đối thoại, nơi có các tổ chức của Liên Hợp Quốc, cũng như Hội đồng các Giáo hội Thế giới. Trong khi mối quan hệ giữa người Công giáo và Giáo hội Cải cách trong thành phố là hết sức tốt đẹp, Đức Cha Morerod nói, ĐTC Phanxicô sẽ đến để nhắc nhở chúng ta rằng tinh thần đối thoại, sự cởi mở và chủ nghĩa đại kết phải là một sự ưu tiên đối với cộng đồng Công giáo.
Ngày nay, ngày càng có nhiều cư dân của Geneva tự tuyên bố mình là những người không tín ngưỡng hơn là các thành viên thuộc bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào. Trong bối cảnh thế tục như vậy, chủ đề của cuộc hành hương chung này – Đồng hành, Cầu nguyện và Cùng cộng tác với nhau – đòi hỏi một sự thúc đẩy mạnh mẽ mới đối với tất cả các Giáo hội, ở Thụy Sĩ và xa hơn nữa.
Minh Tuệ chuyển ngữ