Chúa đến gây chia rẽ hay kiện toàn luật Môsê ?

Thưa Cha, trong Tân Ước có chỗ Chúa Giêsu nói rằng : ” Ta đến để gây chia rẽ”, nhưng có chỗ Ngài lại nói : “Ta đến để kiện toàn luật Môsê”. Liệu hai điều này có mâu thẫn nhau không ?

Giải đáp

Anh thân mến.

Anh thắc mắc về câu nói của Chúa Giêsu khi Ngài tuyên bố : “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất ; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. (Mt 10, 34-36).

Chúng ta còn đọc thấy trong Tin Mừng thánh Luca :

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” (Lc 12, 51-53)

Để tìm hiểu một lời của Chúa mang ý nghĩa gì chúng ta phải đặt câu nói ấy trong bối cảnh mà Lời ấy được nói ra. Lời của Chúa Giêsu nói ở đây là trong bối cảnh tiên báo những cuộc bách hại mà các môn đệ sẽ gặp phải sau này. Có khi họ bị chính những người trong gia đình mình bắt bớ, chống lại …vì danh Đức Kitô. Vậy khi Chúa Giêsu nói Ngài đến để gây chia rẽ thì Ngài không có ý nói rằng đó là mục đích của việc Ngài đến trần gian nhưng việc Chúa đến và kêu gọi người ta đi theo Ngài sẽ dẫn đến một sự phân rẽ tự nhiên của những người theo Chúa và những người chống lại Chúa.

Như thế sự chia rẽ là kết quả của việc người ta lựa chọn theo Chúa hoặc khước từ Chúa Giêsu. Và từ sự phân rẽ ấy dẫn đến sự bắt bớ, bách hại. Khi nói đến sự chia rẽ là Chúa muốn cho các môn đệ thấy trước những gì sẽ đến để họ đừng hoang mang.

Còn câu nói của Chúa Giêsu :

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (Mt 5, 17)

Câu này không có gì mâu thuẫn với Lời Chúa ở trên vì Chúa Giêsu cho thấy những đòi hỏi của Phúc Âm còn đi xa hơn những gì luật Môsê đã đề ra. Thí dụ việc yêu thương kẻ thù, tha thứ, việc ăn chay, bố thí và cầu nguyện, không làm tôi tiền bạc…là những yêu sách quyết liệt dành cho những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết