Chúa Con trong cuộc đời Thánh Gioan Maria Vianey

Đâu là bí quyết thành công của Thánh Gioan Maria Vianney? Đâu là nền tảng của đời sống thiêng liêng của Thánh Gioan Maria Vianney? Ngài đã sống đời sống ấy ra sao? Và đâu là sứ điệp ngài gửi gắm cho chúng ta, những  linh mục, tu sĩ và giáo dân hôm nay?

Bài viết “Linh đạo của Thánh Gioan Maria Vianey” của linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R. sẽ giúp chúng ta tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó. 

* Đôi nét về cuộc đời của Cha Gioan Maria Vianney 

* Chúa Cha trong cuộc đời Thánh Gioan Maria Vianney

 

***

LINH ĐẠO CỦA THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY

(Tiếp theo)

  1. Chúa Con

2.1. Chúa Giêsu là Đấng được Cha sai đến

Cha Gioan Vianney đã thấy mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan:

Người đến thế gian để hòan tất công trình Cha trao: “Con đã tôn vinh Cha khi hoàn tất công trình Cha đã trao… đã tỏ cho họ biết danh Cha” (Ga 17, 4 – 6); để thi hành ý Cha, mà ý của Cha là “tất cả những ai tin vào Người, thì Người ban cho họ sự sống đời đời” (Ga 6, 38); để chỉ cho người ta một cách thức tôn vinh Cha (Ga 15, 8); và tìm kiếm một thứ lương thực đem lại sự sống đời đời mà chính Người sẽ ban cho (Ga 6, 27); để họ được nên một với Thiên Chúa và ở trong Thiên Chúa (Ga 17, 20tt); để gìn giữ những người Cha đã ban cho Người (Ga 10, 29) và để hiến mình làm của ăn, cho con người khỏi đói khát (Ga 6, 32) và để dạy họ một cuộc sống khổ chế hầu có thể sinh hoa kết trái (Ga 15, 1 – 2)[1].

  1. 2. Chúa Giêsu mạc khải tình yêu Thiên Chúa.

Đối với cha Gioan Vianney, con Thiên Chúa nhập thể làm người, chỉ để cho người ta biết được phẩm giá cao quí của họ. Thiên Chúa đã chấp nhận mất hết mọi sự để được ta, hay nói khác đi, loài người chúng ta cao cả vô cùng, vì Thiên Chúa đã chuộc ta bằng chính mạng sống mình[2].

Việc Thiên Chúa đi vào trong con người đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Thiên Chúa là Emmanuel. Nhưng Thiên Chúa không dừng lại ở đó, Người muốn mời gọi ta, mở lòng ra như Chúa Giêsu,  mang lấy sự sống của Thiên Chúa mà nên như Thiên Chúa. “Sự sống của Thiên Chúa đã đi vào trong sự hiện hữu của con người, biến nó thành của lễ toàn thiêu”[3] để Người cũng tôn vinh họ như đã tôn vinh Con Người.

Cái chết thập giá của Chúa Giêsu không phải là một “giá chuộc” theo nghĩa mua bán, đổi chác[4], cũng không phải là hậu quả của lòng độc ác, xấu xa của con người[5] mà là kết quả của tình yêu. Cái chết ấy mạc khải cho ta thấy tư cách của kẻ làm con: nhận lãnh mọi sự từ cha, và để cha có toàn quyền trên sự sống[6], trên danh dự và sự nghiệp của mình. Cái chết ấy cho thấy phẩm giá của loài người chúng ta: chỉ là một thụ tạo, nhưng lại được Thiên Chúa chấp nhận mất cả người Con Một, để được ta. Cái chết ấy cũng  còn cho thấy sự cao cả của ta, một thụ tạo yếu hèn phản bội, nhưng lại đắt giá hơn cả mạng sống của vị Thiên Chúa làm người. “Thiên Chúa khi làm người đã muốn chỉ cho con người thấy cái giá đi liền với phẩm giá của mình: đó chính là cái giá của tình yêu. Chúa Con là như thế đó, Đấng được trao ban, và khi tự trao ban, đã cho thấy cách rõ nhất mọi chiều kích của tình yêu  Thiên Chúa”[7] .

Vì đã chấp nhận mất tất cả để được ta, nên vị Thiên Chúa Emmanuel này đã biến mình thành lương thực nuôi sống ta: “Anh em thân mến, lương thực nuôi linh hồn là chính Thiên Chúa đấy. Oi, đây quả là một ý tưởng tuyệt vời! Linh hồn không thể sống bằng gì khác ngòai Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa mới đủ cho linh hồn; chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho linh hồn no thỏa”[8]

Như thế, Chúa Con không chỉ là hình ảnh hữu hình, là hiện thân của tình yêu  của Cha dành cho nhân lọai mà còn là một mạc khải  rõ ràng: Thiên Chúa đã làm hết cách, đã dám mất hết mọi sự để được ta, nên nếu có một ai đó lạc xa, hay chối bỏ tình yêu  ấy của Người, thì đó sẽ là một vết thương không thể chữa lành trong cõi lòng Người. “Không gì làm tan nát tâm hồn Chúa Giêsu cho bằng khi thấy những đau khổ Người chịu trở thành vô ích”[9]. Nhưng làm sao ta có thể không làm tan nát tim lòng Chúa Giêsu được, nếu không để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta.

Đaminh Nguyễn Đức thông, C.Ss.R. 

(còn tiếp)

[1] Bernard Bro & Michel  Carrouges, Jean- Marie Vianney, Cha Sở Họ Ars, tr. 14 – 14.

[2] Xem Bernard Bro & Michel  Carrouges, Jean- Marie Vianney, Cha Sở Họ Ars, tr. 35 – 45.

[3] Ibid., tr. 36.

[4] Ibid., tr. 37.

[5] Ibid., 42.

[6] Ibid., 37.

[7] Ibid., 43.

[8]  Vianney, Giáo Lý Về Việc Năng Rước Lễ.

[9] Nodel 52, 53.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết