Chúa Cha trong cuộc đời Thánh Gioan Maria Vianey

Đâu là bí quyết thành công của Thánh Gioan Maria Vianney? Đâu là nền tảng của đời sống thiêng liêng của Thánh Gioan Maria Vianney? Ngài đã sống đời sống ấy ra sao? Và đâu là sứ điệp ngài gửi gắm cho chúng ta, những  linh mục, tu sĩ và giáo dân hôm nay?

Bài viết “Linh đạo của Thánh Gioan Maria Vianey” của linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R. sẽ giúp chúng ta tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó. 

* Đôi nét về cuộc đời Cha Gioan Vianney

***

LINH ĐẠO CỦA THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY

(Tiếp theo)

 

  1. NỀN TẢNG LINH ĐẠO CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY

Các bài giảng và giáo lý của cha Gioan Vianney chỉ xoay quanh một mầu nhiệm, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đó là trung tâm mọi sự[1]. Mọi sự đều xuất phát từ đó và đều đưa đến đó[2]. Nhưng mầu nhiệm và sự sống của Chúa Ba Ngôi đối với cha Gioan Vianney không mơ hồ, trừu tượng, nhưng rất cụ thể. Chúa Ba Ngôi đối với cha không phải là một chân lý để giải thích, nhưng là một sự sống để sống, một môi trường sống để dấn thân vào, hệt như cá phải ngụp lặn trong nước vậy. Đây chính là nền tảng của linh đạo của ngài.

  1. Chúa Cha.

1.1. Vị Thiên Chúa tốt lành

Với cha Gioan Vianney, Chúa Cha trước hết là vị Thiên Chúa tốt lành, là nguồn mạch của mọi ân huệ nhưng không và là nguyên lý của mọi sự. “Kẻ nào bảo rằng Chúa Cha có một tâm hồn cứng cỏi, kẻ ấy lầm to…. Cha yêu ta hơn bất cứ một người cha tốt lành nào, hơn mọi người mẹ âu yếm, dịu hiền nhất. Người bị thôi thúc thực hiện những điều ta không bao giờ dám xin. Người không cần ta. Nên nếu Người có đòi ta cầu nguyện, thì đó cũng chỉ vì hạnh phúc của ta… Khi thấy ta, Người nghiêng mình xuống thật thấp, ngang tầm với ta, hệt như người cha nghiêng mình trên đứa con thơ bé của mình vậy”[3]. Sự tốt lành của Thiên Chúa này là của riêng Cha, một lòng tốt vô tiền khóang hậu, và mang tình phụ tử[4].

1.2. Một người Cha

Cha Gioan Vianney giải thích: tên gọi “cha” nói lên một mối tương quan mật thiết đến độ, không có ta, Thiên Chúa  không thể là cha, và không có Người, ta không thể là con. Không có ta, Người không thể là Người và không có Người, ta không thể là ta. Người không thể nghĩ về mình mà lại không nghĩ đến ta và ta không thể nghĩ về ta mà lại không nghĩ đến Người. “Cha” làm cho ta thấy mình không cô độc mà luôn được yêu thương[5].

1.3. Một người Cha hào phóng

Vì là “Cha”, Thiên Chúa luôn muốn ta là con hệt như Chúa Giêsu, và sẵn sàng trao phó tất cả mọi sự của Người cho ta làm gia nghiệp, nên mọi sự của Thiên Chúa vừa là của Người, vừa là của ta. Cha là nguyên lý của sự sống của ta và cũng là nơi qui chiếu của đời ta. Chúa Cha yêu mến Chúa Giêsu thế nào thì Người cũng yêu thương tất cả thụ tạo của mình như vậy. Người yêu ta theo cách Người đã yêu Chúa Giêsu, để ta cũng được nên giống như Con Một Người[6].

Cha yêu ta đến độ cho ta cả những gì ta không dám xin: “Ta không bao giờ dám nghĩ đến việc xin Thiên Chúa ban chính Con Một Người cho ta. Điều con người không thể nói hay nghĩ đến và không dám ao ước, thì Thiên Chúa trong tình yêu  của Người, đã nói, đã nghĩ và đã làm. Có khi nào ta dám xin Thiên Chúa để Con Người chết cho ta, ban thịt Người cho ta ăn, máu Người cho ta uống?”[7].

1.4. Một người Cha dám mất hết mọi sự để được ta

Không chỉ có thế, Người còn yêu thương cả những kẻ tội lỗi, chạy theo họ, năn nỉ, lôi kéo họ về với Người đến độ cha Gioan Vianney dám tuyên bố rằng được cứu chuộc thì dễ hơn bị hư mất: “Đâu phải con người tội lỗi trở về với Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa chạy theo họ để đưa họ về. Thiên Chúa tốt lành đến độ, bất chấp những xúc phạm của ta, đưa ta về thiên đàng gần như ngược với ý muốn của ta, y như một bà mẹ ôm con đi qua vực sâu vậy. Bà chỉ lo sao tránh được những bước nguy hiểm trong lúc con bà không ngừng cào cấu bà[8]… Thiên Chúa ôm ấp con người nội tâm của ta như người mẹ ôm đầu con mình, hôn lấy hôn để” [9]. Tội lỗi được cha coi là cơ hội để kinh nghiệm về lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa: “Được cứu chuộc thì dễ hơn bị hư mất, vì lòng nhân hậu của Thiên Chúa quá bao la. Nếu tội nhân còn đi lạc nữa, Người sẽ không ngừng dùng ân sủng mà đeo đuổi… Người đến với kẻ tội lỗi hấp tấp hơn đến với người công chính… Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho người tội lỗi hơn cả bà mẹ hớt hải lôi con mình ra khỏi lửa vậy”[10].

1.5. Một người Cha hoang phí

Cha Gioan Vianney thấy Thiên Chúa là một người cha hào phóng trong tình yêu  và hoang phí trong ơn tha thứ dành cho con người. Người chính là Người Cha hoang phí[11] trong Tin Mừng Luca, sẵn sàng trả lại cho người con hoang đàng tất cả những gì nó đã đánh mất: quyền được làm người tự do, quyền thừa tự … mà không cần nghe nó nói lời xin lỗi. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có sự tôn trọng ấy đối với con người. “Thiên Chúa biết hết mọi sự, Người biết trước là sau khi xưng tội, các bạn sẽ tái phạm, nhưng Người vẫn cứ tha thứ. Oi thẳm sâu thay tình yêu  của Thiên Chúa chúng ta, sẵn sàng quên tương lai để tha thứ cho ta”[12].  Những xác tín rất cảm động và rất thật này về tình yêu  của Thiên Chúa quả là nền tảng vững chắc cho cuộc đời mục vụ của ngài.

Đaminh Nguyễn Đức thông, C.Ss.R. 

(còn tiếp)

[1] Bernard Bro & Michel  Carrouges, Jean- Marie Vianney, Cha Sở Họ Ars, tr. 6.

[2] Ibid., tr. 7.

[3] Nodel 48, 59, 92, được trích dẫn trong, Bernard Bro & Michel  Carrouges, Jean- Marie Vianney, Cha Sở Họ Ars, tr. 23.

[4] Bernard Bro & Michel  Carrouges, Jean- Marie Vianney, Cha Sở Họ Ars, tr. 26.

[5] Ibid., 26.

[6] Ibid., 27.

[7] Nodel 120, 132, 133.

[8] Ibid., 120, 132, 133.

[9] Nodel 93, 61, 48.

[10] Nodel 65, 113, 137.

[11] Hiện người ta có khuynh hướng gọi du ngôn người con hoang đàng (the prodigal son) là người cha hoang phí (the prodigal father).

[12] Nodel 134.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube