Chế độ độc tài ở Nicaragua vu cáo Giáo hội Công giáo rửa tiền

Từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "tên sát thủ" được vẽ trên bức tranh tường ở Managua, Nicaragua, của Tổng thống Daniel Ortega vào năm 2018 (Ảnh: Esteban Felix/Associated Press)

Từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “tên sát thủ” được vẽ trên bức tranh tường ở Managua, Nicaragua, của Tổng thống Daniel Ortega vào năm 2018 (Ảnh: Esteban Felix/Associated Press)

Cảnh sát Quốc gia Nicaragua, dưới sự kiểm soát của chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và vợ của ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, đã công bố một tuyên bố vào ngày 27 tháng 5 vu cáo Giáo hội Công giáo về nhiều tội danh như rửa tiền, một vu cáo vô căn cứ, theo các nhà bảo vệ nhân quyền.

Tuyên bố nói rằng cảnh sát đã tiến hành “các cuộc điều tra dẫn đến việc phát hiện ra hàng trăm nghìn đô la được cất giấu trong các túi đặt tại các cơ sở thuộc các Giáo phận trong nước”, chẳng hạn như Matagalpa và Estelí.

Văn bản cũng nói rằng các cuộc điều tra “đã xác nhận việc rút tiền bất hợp pháp từ các tài khoản ngân hàng đã bị pháp luật yêu cầu đóng băng, cũng như các hành vi bất hợp pháp khác vẫn đang được điều tra như một phần của mạng lưới rửa tiền vốn đã bị phát hiện tại Giáo phận thuộc các chi nhánh khác nhau [các quận hành chính]”.

Một ngày trước đó, theo những gì được các phương tiện truyền thông khác nhau đưa tin, chế độ cầm quyền đã ra lệnh phong tỏa tài khoản của các Giáo phận và Giáo xứ trong nước.

Thông cáo của chính phủ nêu rõ rằng văn phòng tổng chưởng lý, Cơ quan quản lý ngân hàng và đơn vị phân tích tài chính — các tổ chức do chế độ kiểm soát — “đã xác nhận hoạt động chuyển tiền tội phạm, mà đối với các Giáo phận, đã xâm nhập vào đất nước một cách bất thường và đang được điều tra và các thủ tục tố tụng đã được tiến hành đối với tất cả các tội ác này”.

Văn bản cũng nói rằng Cơ quan quản lý các ngân hàng đã yêu cầu Hội đồng Giám mục và Tổng Giám mục Địa phận Managua, Đức Hồng y Leopoldo Brenes, xuất trình các tài liệu cho thấy các giao dịch tài khoản ngân hàng của các Giáo phận “để luật pháp của quốc gia luôn được chấp hành, không để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật”.

‘Thật là nực cười’

Trong một tuyên bố vào ngày 29 tháng 5 với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, ông Félix Maradiaga, cựu ứng cử viên Tổng thống và người bảo vệ nhân quyền lưu vong, tuyên bố rằng “cảnh sát không thể tìm thấy khoản tiền bị cáo buộc là bất hợp pháp này tại Giáo phận Matagalpa, bởi vì Giáo phận đó, cả văn phòng Giáo phận và nhiều Giáo xứ, đều nằm dưới sự can thiệp của cảnh sát trong 6 tháng qua”.

“Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thật nực cười khi chính văn phòng Giáo phận mà Đức Giám mục Rolando Álvarez đã bị bắt đi giờ lại bị chỉ định là địa điểm của các hành vi bất hợp pháp”, ông Maradiaga, người đã bị trục xuất sang Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 2 cùng với hơn 200 cựu tù nhân chính trị khác, cho biết.

Đức Cha Álvarez, Giám mục Địa phận Matagalpa, đã bị chế độ quản thúc tại gia trong nhiều tháng trước khi bị kết án oan với bản án 26 năm 4 tháng tù vào ngày 10 tháng 2 vừa qua.

Ông Maradiaga nhấn mạnh rằng với những vu cáo của cảnh sát chống lại Giáo hội, “chế độ đang sử dụng những lập luận hoàn toàn không tương xứng để phá bỏ sự hiện diện của các Giáo phận, đặc biệt là các Giáo phận Matagalpa và Estelí”.

“Cuộc đàn áp Giáo hội Công giáo ở Nicaragua vẫn tiếp tục. Chế độ độc tài không từ bỏ nỗ lực bịt miệng tiếng nói tiên tri và mục vụ của Giáo hội”, ông Maradiaga than phiền.

‘Một cuộc chiến chống lại cả Giáo hội’

Martha Patricia Molina, một luật sư và nhà nghiên cứu người Nicaragua, đồng thời là tác giả của báo cáo “Nicaragua, Một Giáo hội bị bức hại?”, phát biểu với ACI Prensa rằng với tuyên bố của cảnh sát “chế độ độc tài xác nhận cuộc chiến chống lại toàn bộ Giáo hội Nicaragua và hơn thế nữa bằng cách chọn đóng băng các tài khoản ngân hàng của các Giáo phận khác nhau trong nước, của các Giáo xứ và cả của các trường Giáo xứ”.

“Chế độ độc tài đã lợi dụng cơ quan tư pháp, thuộc hệ thống tư pháp Nicaragua, vốn không tuân theo hiến pháp chính trị cũng như luật pháp của đất nước, mà chỉ tuân theo mệnh lệnh của vợ chồng tổng thống Nicaragua”, bà Molina giải thích.

“Chắc chắn đây là một quá trình đầy sự tùy tiện từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ rằng họ đã chuẩn bị sẵn bản án mà họ sẽ đưa ra cho Giáo hội Công giáo Nicaragua, đồng thời lưu ý rằng Daniel Ortega, Tổng thống Nicaragua, và vợ ông, phó Tổng thống, đã nhiều lần gọi Giáo hội Công giáo là một kẻ khủng bố có tổ chức và tổ chức tội phạm mafia”, bà Molina, người hiện đang sống lưu vong, tiếp tục.

 Vào ngày 21 tháng 2 tại một sự kiện công cộng, ông Ortega đã nói rằng Chúa Kitô “sống trong các dân tộc Kitô giáo, không phải vì tấm gương mà các Linh mục, Giám mục, Hồng y và Giáo hoàng có thể đưa ra, những người là những phần tử mafia”.

Bà Molina phát biểu với ACI Prensa rằng trong cuộc điều tra chống lại Giáo hội, “nguyên tắc vô tội sẽ bị xóa bỏ; tức là họ đã coi Giáo hội Công giáo là kẻ có tội”.

Tình hình hỗn loạn

Bà Molina cũng chỉ ra rằng “có một tình hình hỗn loạn vào lúc này, bởi vì, cũng vào cuối tháng, tất cả các Giáo xứ phải thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như các trường học Giáo xứ bằng cách phải chi trả cho các dịch vụ cơ bản như điện, nước, điện thoại, và đội ngũ nhân viên”.

“Nhiều gia đình đang mất quyền làm việc. Các giáo viên giảng dạy trong các Giáo xứ sắp hết tiền mà không có lương. Khi bạn vi phạm một quyền con người, bạn cũng sẽ vi phạm những quyền còn lại”, chuyên gia chỉ ra.

“Một khi chế độ độc tài đóng băng các tài khoản, bước tiếp theo họ thường làm là tịch thu tài sản, và trong trường hợp này, họ có thể sẽ làm điều đó. Tôi tin rằng chế độ độc tài đang nỗ lực bóp nghẹt Giáo hội về mặt tài chính, họ cho rằng bằng cách này, Giáo hội sẽ không còn cất lên tiếng nói tiên tri đó nữa. Nhưng Giáo hội vĩ đại hơn thế, Giáo hội không phải là những tài khoản ngân hàng”, bà Molina quả quyết.

Bà Molina cho biết rằng ở Nicaragua, “luật chống rửa tiền chỉ được sử dụng để hình sự hóa những người và tổ chức có suy nghĩ khác với chính phủ, những tổ chức đang kêu đòi hòa bình, công lý và thiết lập trật tự dân chủ”, chẳng hạn như Giáo hội Công giáo.

“Các quốc gia cũng phải lên án hành động rất bất công đang được thực hiện vào thời điểm này nhằm chống lại các giáo sĩ”, bà nhấn mạnh.

Đức Hồng Y Brenes lên tiếng

Trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống vào ngày 28 tháng 5 tại Nhà thờ Chính Tòa Managua, Đức Hồng Y Brenes đã ám chỉ đến những điều mà các Giáo xứ đang phải trải qua.

Đức Hồng Y Brenes khuyến khích các tín hữu giữ bình tĩnh và không “nghe nhiều tin tức, nhiều ấn phẩm phóng đại quá mức sự thật”.

“Họ nói ‘các nguồn đáng tin cậy’, nhưng nguồn đáng tin cậy không bao giờ được tiết lộ, vì vậy chúng ta hãy giữ bình tĩnh, điềm đạm, và không nghi ngờ gì nữa, Chúa Thánh Thần là Đấng đang dẫn dắt Giáo hội này, và chúng ta sẽ sớm có các giải pháp tương ứng”, Đức Hồng Y Brenes tiếp tục.

“Các Giáo xứ của chúng ta tiếp tục làm việc. Chúng ta đã trải qua những cuộc khủng hoảng khó khăn, chẳng hạn như thời điểm xảy ra đại dịch, nhưng Thần Khí nâng đỡ các Giáo xứ cũng như lòng quảng đại của tất cả anh chị em”, Đức Hồng Y Brenes nhấn mạnh.

“Vì vậy, tôi mời gọi anh chị em luôn giữ bình tĩnh và không để cho mình bị ảnh hưởng bởi các mạng lưới và tin tức thực sự thêu dệt quá sự thật. Tôi hiếm khi đọc chúng, nhưng đôi khi họ gửi chúng cho tôi và tôi thấy nực cười khi thấy mọi điều họ nói, bởi vì tôi không tìm thấy bất kỳ cơ sở nào cho điều đó”, Đức Tổng Giám mục Managua nhận xét.

Tính đến thời điểm báo chí, cả Đức Hồng Y Brenes lẫn các Giám mục của Nicaragua đều chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về quyết định đóng băng các tài khoản ngân hàng của chế độ độc tài cũng như những vu cáo về các tội danh như rửa tiền.

Về những gì Đức Hồng Y Brenes đã nói, bà Molina nói với ACI Prensa rằng về mặt logic, các phương tiện truyền thông sẽ không tiết lộ các nguồn tin của họ “bất cứ lúc nào, bởi vì danh tính của họ phải được bảo vệ” bởi vì nếu những tên tuổi này bị tiết lộ, “ngay lập tức chế độ độc tài sẽ bắt đầu các thủ tục tố tụng hình sự”.

Theo ông Maradiaga, điều mà Đức Hồng y Brenes nói là do “Giáo hội ở Nicaragua buộc phải giữ im lặng để không ảnh hưởng đến sự an toàn của các tu sĩ khác và các thành viên khác của hàng giáo phẩm”.

“Do đó, tùy thuộc vào chúng tôi, giáo dân Nicaragua và thế giới lên án những sự việc đang xảy ra ở Nicaragua: một cuộc đàn áp Giáo hội, chưa từng có ở Châu Mỹ Latinh nhấn mạnh.

Trong 5 năm qua, đã có ít nhất 529 vụ tấn công của chế độ Ortega chống lại Giáo hội, 90 vụ tấn công cho đến nay vào năm 2023, theo báo cáo của bà Molina: “Nicaragua: Một Giáo hội bị bách hại?”.

Báo cáo bao gồm việc Đức Giám mục Álvarez bị cầm tù oan sai, 32 Nữ tu bị trục xuất khỏi đất nước, 7 tòa nhà của Giáo hội bị chế độ tịch thu và nhiều phương tiện truyền thông khác nhau bị đóng cửa.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube