Hải sản nhiễm độc
Quảng Trị phát hiện kho đông lạnh chứa 30 tấn cá nục nhiễm hóa chất phenol cực độc, rồi đa số các mẫu thử hải sản ở Vũng Tàu đều chứa formol, hàn the.
Đó là những thông tin nóng hổi về tính thời sự, nhưng nóng ran cả người đọc về tính chất thông tin. Quả thực đó là những điều vô cùng đáng lo ngại. Hàng ngày có bao nhiêu du khách ăn hải sản ở Vũng Tàu. Và hầu chắc phần lớn hải sản tại nhà hàng ở Sài Gòn đều đến từ Vũng Tàu. Thế mà chúng ta và gia đình cũng như mọi người: công chức, giáo chức, học sinh sinh viên,… cứ vô tư ăn uống những món hải sản chứa đầy hàn the và formol. Quả là kinh hãi thay…!
Một kho đông lạnh ở Quảng Trị bị phát hiện, nhưng còn biết bao nhiêu kho đông lạnh khác trên toàn đất nước chúng ta, ai bảo đảm rằng hải sản ở đó không chứa hóa chất độc hại? Thực không dám tưởng tượng, nhưng e rằng hàng ngày có đến hàng trăm tấn cá không an toàn được tiêu thụ tại các bàn ăn, từ các nhà hàng đến các gia đình.
Người tiêu dùng là nạn nhân của thông tin nhiễu loạn
Lãnh vực này đã cho thấy ý kiến các nhà chuyên môn không thống nhất, làm người dân không biết tin ai. Trước đến nay, dân ta đã nhiều phen trở thành nạn nhân của những thông tin thừa ý chí mà thiếu lý trí. Theo kết luận của Sở Y tế Quảng Trị, phenol – một loại chất độc, nghiêm cấm không được có trong thực phẩm, ngay cả trong bao bì. Thế nhưng, ông PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên người dân không nên quá lo lắng về thông tin cá nục nhiễm phenol. Vì “Phenol là chất độc nhưng có thể tan trong nước, bài tiết một phần qua da và nước tiểu nên ăn lượng nhỏ không quá đáng ngại”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.
Cách nay chưa lâu, khi mới xảy ra thảm họa cá chết đầy bờ biển phía bắc miền Trung, phần lớn thông tin đều đặt nghi vấn về chất thải của Fomosa Hà Tĩnh, tuy nhiên lại có những báo đăng, thông tin từ nguồn nào đó, cá chết là do thủy triều đỏ.
Người tiêu dùng còn là nạn nhân của các cơ quan quản lý nhà nước
Lô hàng 30 tấn cá nục đang nói ở đây lại có giấy chứng nhận hải sản an toàn, vì là cá được đánh bắt xa bờ 30 hải lý. Nếu quả thực số cá nục này đã được ngư dân đánh bắt xa bờ, mà còn chứa chất độc như vậy, thì nghi rằng phần lớn biển nước ta hiện nay là không an toàn, kéo theo các loại sản vật từ biển cũng trở nên không an toàn.
Thế mà cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có biết bao thực phẩm đến từ biển, từ các loài tôm, cua, cá, nghêu, sò… cho đến nước mắm, muối ăn…, bị đặt thành nghi vấn mất an toàn. Người ta ăn mà tâm lý bất an thì sao có thể mang lại ich lợi cho sức khỏe? Lỡ ăn phải hải sản có hóa chất độc thật thì tội nghiệp cho thân thể. Một trạng thái hoang mang đang bao trùm lên cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Cũng trong thảm họa cá chết ở biển miền Trung, khi nhiều người dân không dám ăn cá, mua cá, thì các quan chức của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh lại trình diễn chuyện đi tắm biển, ăn hải sản, để ‘làm gương’ và khích lệ người dân sử dụng hải sản – quả là hành động theo ý chí vượt cả lý trí.
Sự sống và nòi giống Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng
Ở trên mới chỉ nói đến một chuyện hải sản nhiễm hóa chất. Nhưng lâu nay, nghi vấn về các đồ ăn thức uống khác cũng nhiễm hóa chất nguy hiểm vẫn đã và đang de dọa thường trực sự sống của người Việt chúng ta. Thịt thì nhiễm chất tăng trọng, tạo nạc…; rau xanh nhiễm chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu, chất bảo quản…; các loại nước uống cũng toàn hóa chất và hương liệu… Thành ra ở Việt Nam ta bây giờ ăn uống gì cũng sợ. “Không ăn cũng chết, mà ăn thì chết từ từ” thành câu cửa miệng để mà an ủi nhau hiện nay.
Con người phải sống trong tình trạng môi trường sống bị khủng hoảng là điều bất hạnh nhất. Dân ta bị đe dọa và bất an cả thể xác lẫn tinh thần. Những người mẹ mang thai trong tình trạng hoang mang, không biết ăn gì lành sạch để an toàn cho em bé. Và thực tế thì những người mẹ đó khó tránh khỏi phải ăn những thức ăn nhiễm hóa chất tổn hại đến thai nhi.
Hỏi rằng những đứa trẻ được sinh ra trong môi trường ô nhiễm, tràn ngập hóa chất độc hại, thì cuộc sống thể chất và tinh thần của chúng sẽ ra sao? Một xã hội gồm toàn những người trẻ ốm yếu về thể chất, lệch lạc về tinh thần, hành xử khó hiểu, hành vi ngôn ngữ mất kiểm soát…, thì sẽ đi về đâu? Nòi giống con rồng cháu tiên rồi sẽ ra sao? Mất đất, mất biển thậm chí mất nước cũng không đáng lo ngại bằng, vì vẫn có thể khôi phục lại được, nếu “nguyên khí” dân tộc còn mạnh. Nhưng mất nòi giống, mất dân tộc là mất vĩnh viễn.
Chúng ta phải làm gì?
Trước hết những người có trách nhiệm quản trị xã hội và phục vụ con người, phải tỉnh ngộ, nâng cao nhận thức về sự nguy ngập của tình thế xã hội hiện nay, nhất là phải đề ra giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt.
Lực lượng này gồm hai giới: quí vị lãnh đạo thế tục và quí vị lãnh đạo tôn giáo. Cả hai giới đồng trách nhiệm trong việc chăm lo cho con người toàn diện – xác hồn. Các vị ấy đều có liên quan trách nhiệm hàng đầu về vấn đề thể chất và tinh thần của người dân bị xâm hại. Mong các vị hãy hành động và lên tiếng kêu gọi mọi người hành động. Vì không ai có thể làm thay và làm việc này hiệu quả bằng các vị.
Kế đến, từng người dân cũng phải ý thức đúng đắn về thang giá trị của cuộc sống này. Mạng sống con người, phẩm giá, danh dự, uy tín của đồng bào mình thì cao trọng hơn tất cả. Không thể nhân danh bất cứ điều gì, bất cứ lý do gì để xúc phạm đến sự sống và phẩm giá người khác, đó là trọng tội. Trời có đức hiếu sinh, nếu ta không tôn trọng sự sống là nghịch ý Trời. “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong” vậy!
Thuận Kiệt